“Em Tấm” của ông nội

Chia sẻ

Mùa thu này, ông nội của tôi đã tròn 90 tuổi, bà nội kém ông 10 tuổi - tròn 80. Vậy mà khi chỉ có hai người, ông bà vẫn gọi nhau là “mình mình - em em” thật đằm thắm, tình cảm. Hai ông bà sinh được 6 người con nên có nhiều cháu mà con nào, cháu nào ông bà cũng thương như nhau nên bà nội thành ra vất vả.

Cả đại gia đình tôi vẫn gọi bà bằng biệt danh trìu mến: “Em Tấm của ông nội”. Trong rất nhiều câu chuyện thú vị về “Em Tấm” thì “thiên tình sử” của ông bà được bầy con cháu thích thú nhất...

Các cụ cao tuổi nhất trong phố kể cho tôi nghe rằng: “Từ cái thời phố này vẫn là làng thì ông bà chúng mày đã yêu nhau say đắm. Cho tới tận bây giờ tóc bạc răng long vẫn vậy. Đúng là “của” hiếm, chúng mày cố mà noi theo”. Không biết trong nhà có ai cố công “nghiên cứu” cách ứng xử, học hỏi lời ăn tiếng nói của bà, cách đối nhân xử thế và sắp xếp công việc của ông hay không nhưng ai nấy đều có đời sống khá yên ấm. Mẹ tôi nói, đó là ảnh hưởng tự nhiên từ nề nếp và đời sống của gia đình, trong đó, một phần nhờ ở phúc đức của bà nội bởi các cụ vẫn dạy: “Phúc đức tại mẫu”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mẹ tôi là con dâu thứ của ông bà nội. Điều thú vị nhất mà tôi thấy ở mẹ đó là sự… ngưỡng mộ và niềm tự hào khi được làm con dâu của bà nội. Trong khi bà nội chỉ là một phụ nữ trong gia đình rất bình dị, không phải là người nổi tiếng, cũng chẳng có tài hay công đức lớn lao nào. Nhiều khi cả nhà tụ tập lúc có giỗ chạp, hay khi cùng ngồi cả trên xe đi chơi là mọi người đều mang bà nội - “Em Tấm” - của ông ra làm đề tài bàn tán sôi nổi không ngớt.

Mẹ tôi kể, từ thời mẹ còn bé tí, đã nghe bà ngoại tức là mẹ của mẹ kể rằng: Bà nội tôi thời con gái xinh lắm, nước da trắng, má hồng, dáng người thon thả lại nhanh nhẹn, khéo ăn, khéo nói, khéo thu vén việc nhà nhưng tí nữa thì bị… ế bởi cái tật quá thật thà. Ở cái thời của ông bà nội ngoại còn con nít thì vùng phố xá bây giờ vẫn còn hoang sơ, toàn ruộng lúa, và vẫn gọi là làng chứ chưa thành phố, thành đường đông đúc, các ông bà phải đi nhặt rau cho lợn ăn ở ngoài đồng, ngoài kênh, có khi rủ nhau be bờ tát cá như ở các vùng quê xa khác.

Đến tuổi cập kê, theo lệ thường thời ấy các anh trai trong, ngoài làng rủ nhau dập dìu tới tán tỉnh. Bà ngoại và các bà bạn khác rất đông người qua kẻ lại nhưng nhà bà nội tôi vẫn im ắng chẳng mấy ai tới chơi. Hỏi ra mới biết, bà nội tôi khi ấy chẳng ưng ai, ai tới cũng nói hôm nay bận việc này, việc kia không tiếp. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, nhiều anh tự ái thề bồi không bao giờ thèm tới lần thứ tư, có chàng ức chế còn giao hẹn: “Nhà nó là cái thá gì, nếu thằng này mà không vào được thì thách thằng nào vào”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Các bà bạn bà nội nghe vậy hoảng quá, chạy tới hỏi han thì bà nội vẫn mải mê lo làm ăn, ngơ ngác không biết gì cả. Khi được mách, bà nội cười phá lên bảo: “Tao nói thế thì càng tốt cho người ta chứ mắc gì lại đi trách giận. Tao chưa ưng, chưa phải duyên phải số họ càng đỡ mất thời gian tới đây, đi tìm nơi khác phù hợp chẳng tốt hơn à?”. Các bà bạn khuyên khéo: “Đàn bà con gái có thì, dù ưng hay không chưa nói chuyện làm sao mà hiểu, cứ tiếp người ta, mất gì đâu vài ba chén nước! Có anh này, anh kia người ta thấy mình đắt mối rồi mới có anh khấm khá đến tìm. Lẳng lặng như này người hiểu thì cho là mình kênh kiệu, cậy vẻ ngoài nhan sắc làm cao, người không hiểu lại nghĩ mày bị bệnh gì, bị làm sao mà không ai đến…”. Bao nhiêu lời khuyên chân thành nhưng bà nội vẫn cứ ý mình, mình quyết, mải mê công việc, chăm chút cho gia đình và gom nhặt vốn riêng.

Chẳng hiểu có ai bùa ngải vì ghanh ghét hay vì những lời thách thức lúc tức giận hay không mà quả là có những người bà nội ưng nhưng không thể nào đến được với nhau. Mọi người lại có chuyện nói ra nói vào, còn bà nội vẫn tỉnh như không.

Trong khi đó, ông nội ở quê xa lên làm thợ mộc rồi đi tìm một nơi “cắm dùi” tạm. Ông tìm kiếm mãi thì thuê được ngôi nhà bỏ không ở làng bà nội. Nhiều nhà có con gái thấy ông vẻ ngoài đẹp đẽ, lại có tài, cần cù kiếm tiền, không ham rượu chè, không chơi bài bạc, tu chí làm ăn đánh tiếng xa gần muốn gả con cho. Nhưng phải duyên phải số thế nào ông lại cứ để ý đến cô Duyên, là tên bà nội tôi, khi ấy cũng đã đứng tuổi rồi. Nhiều người gièm pha, chê bôi, nói xấu lắm, thế mà ông vẫn cứ tìm cách tiếp cận bằng việc nhận làm đồ mộc cho gia đình bà nội. Làm đồ thì ít mà ông cứ đi tới đi lui, hôm vào đo cái này, hôm lại chỉnh cái kia, rồi còn ướm xem có vừa vặn hay không để có thêm cơ hội tiếp xúc với cô Duyên. Hai người ban đầu đều tỏ ra giữ ý, giữ tứ nhưng trời đã se mối, gia đình bà nội ai cũng vun vào. Ông nội nhanh ý đưa bố lên gặp mặt. Đám cưới nhanh chóng diễn ra. Sau này, ông nội luôn nói rằng: “Thành công nhất trong đời ông là… lấy được bà làm vợ”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Như thể để bù đắp cho những tháng ngày chờ đợi, hai ông bà lấy nhau rồi đẻ liền tù tì… 6 người con. Một mình bà vừa chợ búa bán cái rau, cái mắm, làm củ dưa, vại cà bán ở cạnh gian hàng ông thuê, vừa giặt giũ cơm nước vừa trông nom con cái. Rồi khi đứa lớn trông được đứa bé thì hàng mộc của ông lớn mạnh dần. Có thợ, có thuyền bà lại làm hàng cơm vừa bán cho thợ, vừa bán cơm bình dân. Cứ thế ông bà nuôi các con ăn học, trưởng thành. Bà vẫn đẹp người đẹp nết, trong nhà ngoài ngõ ai cũng thương mến cái nết ăn ở, cái sự đối đãi và cái tài thu vén. Ông nội mải mê công việc và trong niềm tự hào, hãnh diện, hạnh phúc về vợ, về con ông sáng tạo thêm nhiều món hàng đẹp, ngày càng đắt khách giúp gia đình khấm khá dần lên.

Rồi con cái khôn lớn, trưởng thành, các nhà quanh vùng, khách hàng từ xa tới đều mong muốn kết thông gia. Ai cũng khen được làm con dâu, con rể bà Duyên là nhất. Ông bà tâm lý, lại thương con quý cháu, từ người làm tới xóm giềng không ai không thương mến, quý trọng. Mẹ tôi là con bà bạn thân, từ nhỏ nghe chuyện bà nội đã quý mến, lớn lên hay sang chơi thì để ý tới bố tôi là con thứ hai của bà nội. Nhưng chưa phải số, bố tôi yêu người khác - một cô bạn cùng học đến hai ba năm. Khi cô kia theo gia đình ra nước ngoài bố mới để ý tới mẹ tôi. Mẹ tôi cứ hờn giận, ngấm ngầm trách cứ mãi cái chuyện làm người đến sau đó.

Nhưng với bà nội - “Em Tấm” của ông, thì mẹ tôi nhất mực yêu quý, cung kính. Vì bà như nhìn thấu rõ ngọn nguồn mọi việc, suốt những ngày bố tôi yêu bạn học, biết được nỗi buồn khổ và tình cảm thầm kín của mẹ, bà nội luôn giữ mẹ ở bên, động viên, phân tích. Và đúng như bà nói, cô bạn của bố tôi là con nhà giàu, gia đình định cư ở nước ngoài nên sớm muộn cũng phải theo sự sắp xếp chung, không thể một mình một ý được. Mẹ tôi đã đợi chờ trong sự bao bọc của bà nội và nhờ thế mới có gia đình tôi đầm ấm, hạnh phúc, đủ đầy như hôm nay.
Câu chuyện về bà nội- “Em Tấm” của ông còn nhiều lắm, cứ ngồi kể chắc mãi cũng không hết…

BẠC KHAO LAN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.