Người cán bộ Hội hết lòng giúp người nghiện tái hòa nhập cuộc sống

Chia sẻ

“Mình phải làm gì để giúp các đối tượng đó dứt bỏ được “cái chết trắng”, ngăn chặn tệ nạn ma tuý, giúp đỡ người nghiện trở về với gia đình và cuộc sống đời thường?”- đó là nỗi lòng trăn trở, đau đáu của chị Khuất Thị La - Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội trong suốt 9 năm làm công tác Hội Phụ nữ.

Trong gia đình, chị là người mẹ, người vợ đảm đang, tháo vát. Ngoài xã hội, chị là cán bộ Hội tích cực, nhiệt tình, sáng tạo, tâm huyết với các hoạt động chung vì cuộc sống cộng đồng, đặc biệt là công tác giúp các đối tượng cai nghiện.

Người cán bộ Hội năng động

Tháng 4/2011, chị La được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Trung. Với mong muốn các hội viên phụ nữ không chỉ ổn định về kinh tế, nâng cao thu nhập mà tinh thần luôn phải vui vẻ, phấn khởi, chị La đã luôn tìm tòi, sáng tạo, áp dụng những cách làm mới, đổi mới phương thức hoạt động… để hội viên thấy rõ được vai trò, lợi ích, từ đó tin tưởng, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động, gắn bó lâu dài với Hội.

Chị Khuất Thị La - Chủ tịch Hội LHPN phường Quang Trung - thị xã Sơn TâyChị Khuất Thị La - Chủ tịch Hội LHPN phường Quang Trung - thị xã Sơn Tây

Mặt khác, chị La đã sớm nhận ra vai trò giữ ngọn lửa ấm của người phụ nữ trong gia đình nên luôn tìm hiểu, học hỏi để tuyên truyền đến từng hội viên việc ứng dụng kỹ năng mềm trong công việc, trong các mối quan hệ và đặc biệt là vun đắp cuộc sống gia đình. Để chị em có kiến thức về tổ chức cuộc sống, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, gia đình “5 không 3 sạch”, chị đã chủ động phối hợp để tổ chức các hoạt động như tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử, kỹ năng về tổ chức cuộc sống gia đình, kiến thức nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội. Chị cùng Ban Chấp hành phối hợp với các tổ chức đoàn thể của phường tổ chức Hội thi gia đình điểm 10, gia đình văn minh hạnh phúc, tuyên truyền viên giỏi thực hiện an toàn giao thông, phát động vẽ tranh với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Trung ương Hội Phụ nữ phát động...

Phường Quang Trung cũng là cơ sở Hội đầu tiên, điểm sáng đưa các chuyên đề kiến thức kĩ năng mềm cho học sinh. Hội Phụ nữ chủ động mời các giảng viên của Trung ương, thành phố về tổ chức các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, phòng chống xâm hại trẻ em và bạo lực học đường cho học sinh. Chị La đã tự xây dựng tờ rơi làm tài liệu tuyên truyền, ra mắt mô hình “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm, thực hiện an toàn giao thông”; thực hiện phong trào thi đua gắn với cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin–Tự trọng–Trung hậu–Đảm đang”. Chị đã nghiêm túc triển khai thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử của thành phố, cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” và thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Bản thân chị đã triển khai tới các chi hội và thực hiện tốt phong trào thi đua, 5 năm liền được bình xét đạt danh hiệu “Trung hậu - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch”.

Trong cuộc sống, chị Khuất Thị La luôn xác định gia đình hạnh phúc là cơ sở để xây dựng xã hội văn minh, là chỗ dựa vững chắc cho sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ. Trong gia đình, phụ nữ không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, mà còn là người duy trì và phát triển những giá trị văn hoá gia đình, xây dựng gia đình hoà thuận thương yêu, tôn trọng, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Vì vậy, việc tuyên truyền về những giá trị gia đình được chị La hết sức quan tâm và có những sáng kiến tuyên truyền hiệu quả.

Trăn trở với công tác giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT/BCA-HLHPN giữa Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an về "Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội", thông cảm chia sẻ với các gia đình không may có con em nghiện ma tuý trên địa bàn phường, chị luôn trăn trở việc đưa những người nghiện trở lại hòa nhập với cộng đồng và làm sao để xã hội không còn kỳ thị họ. Chị La xác định rõ đây là công việc đầy khó khăn bởi nó rất phức tạp và nhạy cảm, trên thực tế, nhiều người trong xã hội còn có cái nhìn lệch lạc, xa lánh, kỳ thị với người nghiện, người đi tù về, khiến họ đã mặc cảm lại càng tự ti hơn, dẫn tới họ có thái độ không hợp tác, thậm chí tiêu cực.

Chị Khuất Thị LaChị Khuất Thị La

Từ những khó khăn đó, chị La xác định phải làm sao để thay đổi nhận thức trong cộng đồng dân cư, cũng như thay đổi thái độ, cách nhìn của mọi thành viên trong gia đình để người lầm lỗi có niềm tin vào cuộc sống. Chị đã tiến hành rà soát, lập danh sách người nghiện, người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương rồi xây dựng kế hoạch và báo cáo với Đảng ủy, UBND phường Quang Trung ra mắt mô hình "Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa bàn dân cư" có 58 thành viên tham gia, do Hội LHPN phường quản lý. Sau khi mô hình ra mắt, chị tranh thủ thời gian sớm, trưa, tối, không quản thời tiết nắng, mưa đi tiếp cận từng nhà, từng người để thăm hỏi, động viên, nắm chắc điều kiện sống, hoàn cảnh, tâm lý, độ tuổi và quá trình mắc nghiện của người nghiện để phân loại nhằm có biện pháp quản lý giúp đỡ phù hợp. Cách làm của chị là “tấn công” đa chiều, nhiều mặt, vừa mời các giảng viên về tuyên truyền các nội dung về phòng, chống ma túy, vừa phân công cán bộ hội nhận giáo dục, giúp đỡ người nghiện trong diện quản lý. Các chị đã dành nhiều thời gian, công sức kiên trì thuyết phục, vận động các đối tượng nghiện đi cai, các đối tượng cai không tái nghiện, tận tình theo sát giúp đỡ anh chị em cả về tinh thần và vật chất để tạo điều kiện cho người nghiện tham gia các biện pháp cai nghiện. Đồng thời, góp ý cho các gia đình nhận rõ tình trạng con em họ để quan tâm quản lý, giáo dục. Không những vậy, chị còn liên hệ với các cơ sở, doanh nghiệp tạo việc làm cho họ, bảo lãnh vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế làm ăn, thăm hỏi, tặng quà động viên người nghiện có nhiều tiến bộ...

Kết quả là trong 5 năm chị đã liên hệ với các cơ sở, doanh nghiệp tạo việc làm cho 11 người sau cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, 7 gia đình được bảo lãnh hỗ trợ vay vốn với số tiền 125 triệu đồng, tặng quà cho 16 người nghiện có nhiều tiến bộ, giúp thành công 18 người nghiện sau cai 2 năm không tái nghiện được ra khỏi danh sách quản lý, đặc biệt là không phát sinh người nghiện mới là người thân hội viên. Công tác tuyên truyền mà chị thực hiện cũng đã có tác động mạnh mẽ đến hội viên và nhân dân, giúp họ hiểu rõ tác hại của ma túy và dành nhiều thời gian quan tâm quản lý, giáo dục con cái, tích cực tham gia phòng, chống, phát hiện, tố giác, cung cấp thông tin về tội phạm, tệ nạn xã hội, quan trọng hơn là thay đổi dần nhận thức của hội viên và nhân dân đối với người nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật, tạo điều kiện cho họ phấn đấu lao động hòa nhập với cộng đồng.

Từ những kết quả trên, mô hình "Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa bàn dân cư" đã được Đảng ủy, UBND và Công an phường, thị xã và thành phố đánh giá đây là mô hình hoạt động thiết thực, có hiệu quả. Tập thể đã vinh dự được nhận 1 Bằng khen của Bộ Công an, 2 Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội và 4 Giấy khen của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Hội Phụ nữ phường Quang Trung giữ vững đơn vị lá cờ đầu và liên tục 8 năm liền được nhận Bằng khen của Trung ương Hội. Cá nhân chị La đã được Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tặng 3 Giấy khen về thực hiện hiệu quả Mô hình "Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa bàn dân cư", 1 Bằng khen về công tác dân vận thực hiện hiệu quả mô hình "Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa bàn dân cư" và công tác phòng chống ma túy trên địa bàn phường, được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2017…

Hiện nay, việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy sau khi tham gia các chương trình điều trị và cai nghiện phục hồi vẫn còn không ít khó khăn, nhất là vấn đề việc làm và hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, tăng cường hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm đối tượng này, chia sẻ và giúp đỡ họ ổn định cuộc sống là việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, góp phần bảo đảm an ninh - trật tự xã hội và phát triển kinh tế địa phương. Việc làm đáng trân trọng của chị Khuất Thị La - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Quang Trung đã, đang và sẽ được nhân rộng ra các địa bàn dân cư để đem lại bình yên, hạnh phúc cho các gia đình; góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Bài và ảnh: PHẠM THỊ HINH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.