Nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ một đời kiên cường đấu tranh cho nữ quyền

Chia sẻ

Ruth Bader Ginsburg đã giữ chức thẩm phán tại Tòa án Tối cao Mỹ từ năm 1993. Người phụ nữ suốt đời chiến đấu cho nữ quyền và bình đẳng giới ở Mỹ vừa qua đời ở tuổi 87 do căn bệnh ung thư tuyến tụy di căn.

Biểu tượng của Tòa án Tối cao Mỹ

Ruth Bader Ginsburg sinh ngày 15/3/1933 tại Flatbush, một khu phố lao động nghèo tại hạt Brooklyn, thành phố New York. Bà là con gái thứ hai của vợ chồng Nathan và Celia Bader. Những biến cố liên tiếp ập đến gia đình nhỏ bé của Ginsburg khi chị gái bà qua đời lúc 6 tuổi vì căn bệnh viêm màng não quái ác, lúc đó bà mới chỉ 14 tháng tuổi.

Bất hạnh chưa dừng lại ở đó khi người mẹ của Ginsburg phải chống chọi với căn bệnh ung thư trong suốt những năm bà học trung học và qua đời ở tuổi 47 ngay trước ngày bà tốt nghiệp năm 1950. Ginsburg luôn thần tượng những hành động cao cả của mẹ mình khi bà quyết định tự đóng cánh cửa đại học của bản thân và làm công nhân tại một xưởng may để nhường cơ hội được học hành cho cậu em trai. Ngay từ khi còn nhỏ, Ginsburg đã được cha mẹ hết mực yêu thương và dạy dỗ rất nhiều về những giá trị của sự độc lập và một nền giáo dục tiến bộ.

Ginsburg luôn có thành tích học tập xuất sắc. Bà trở thành thủ khoa lớp tốt nghiệp quản lý nhà nước tại đại học Cornell năm 1954. Cũng trong năm đó, Ginsburg kết hôn cùng Martin D. Ginsburg, người bà gặp từ đại học năm nhất. Ginsburg tiếp tục theo học tiếp chuyên ngành luật tại đại học Harvard danh tiếng.
Thời gian theo học ở Harvard là một thời điểm đầy thử thách khi bà vừa học vừa làm mẹ. Lớp học có tới hơn 500 sinh viên nhưng chỉ có duy nhất 8 người là nữ. Bất chấp những khó khăn cứ dồn dập ập đến, bà xuất sắc trở thành thành viên nữ duy nhất của tạp chí luật danh tiếng Harvard Law Review.

Nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg - một đời đấu tranh vì nữ quyền.Nữ thẩm phán Ruth Bader Ginsburg - một đời đấu tranh vì nữ quyền.

Dẫu có thành tích học tập rất xuất sắc nhưng con đường tìm việc làm của Ginsburg lại gặp rất nhiều khó khăn do nạn phân biệt giới tính tại Mỹ. Ginsburg luôn quan niệm rằng, không có sự phân biệt giới tính, tất cả đều được hưởng quyền bình đẳng trước pháp luật. Bà vẫn thường mỉa mai: “Sự phân biệt giới tính “giúp” giữ cho phụ nữ không thể ở trên một cái bục cao, mà là ở trong một cái lồng”. Ginsburg từng thắng vụ kiện trước Tòa án Tối cao Mỹ liên quan tới một phần của Đạo luật An sinh Xã hội. Trong đó ưu tiên quyền lợi của phụ nữ hơn nam giới bởi nó đảm bảo quyền lợi cho người góa chồng chứ không phải người góa vợ.

Cho đến năm 1980, bà được cựu tổng thống đời thứ 39 của Mỹ là Jimmy Carter bổ nhiệm vào Tòa án Phúc thẩm Mỹ ở hạt Columbia. Bà tiếp tục cống hiến, đấu tranh cho quyền bình đẳng giới trong luật pháp tại đây cho đến năm 1993, và được tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao Mỹ. Bà có phán quyết bước ngoặt vào năm 1996 khi yêu cầu Viện Quân sự Virginia không được phép từ chối tiếp nhận phụ nữ. Năm 1999, Ruth Bader Ginsburg vinh dự nhận Giải thưởng Thurgood Marshall danh giá cho những đóng góp về bình đẳng giới và dân quyền. Những đấu tranh của bà bắt đầu được ghi nhận khi bà thành công trong việc khiến luật pháp Mỹ trở nên công bằng hơn đối với phụ nữ.

Kiên cường đấu tranhkhông mệt mỏi cho công lý

Trong suốt sự nghiệp làm Thẩm phán của mình, với quan niệm: “Phụ nữ thuộc về tất cả những vị trí có quyền ra quyết định. Họ không nên bị cho rằng thuộc về một phần ngoại lệ”. Ruth Bader Ginsburg đã để lại nhiều dấu mốc đáng chú ý. Cụ thể, vào ngày 25/6/2015, bà cùng 6 thẩm phán khác đã kiên quyết bảo vệ thành công phần quan trọng nhất của "Đạo luật Chăm sóc sức khỏe Hợp túi tiền" ban hành năm 2010, hay còn hay được gọi dưới cái tên "Đạo luật Obamacare". Các điều khoản của "Đạo luật Obamacare" cho phép chính quyền liên bang tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho người Mỹ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dù họ được điều trị ở các bệnh viên cấp bang hay thậm chí liên bang. Đạo luật này cũng được coi là một "đòn bẩy"đối với chiến thắng của Tổng thống Barack Obama.

Chỉ ngay ngày hôm sau, Tòa án Tối cao Mỹ lại tiếp tục ra một phán quyết lịch sử tiếp theo. Phán quyết gây rúng động dư luận lần thứ hai này là các phán quyết cho phép hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên khắp liên bang. Cái tên Ginsburg lại một lần nữa được xướng lên như là một người đóng vai trò tích cực trong việc đưa ra phán quyết này.

Tuy nhiên, sức khỏe của nữ thẩm phán lại trở thành một vấn đề khiến nhiều người bận tâm. Bà đã từng phải trải qua nhiều lần phẫu thuật liên quan tới các căn bệnh ung thư ruột kết, ung thư tuyến tụy và ung thư phổi. Nữ thẩm phán còn phải nhập viện vào tháng 11 năm 2018 do gãy xương sườn sau khi bị ngã ở văn phòng.

Một ngày trước khi Tòa án Tối cao nghe tranh luận trực tuyến vì Covid-19 hồi tháng 5/2020, truyền thông đưa tin bà phải nhập viện do nhiễm trùng túi mật. Chỉ hai tháng sau, Ginsburg tiết lộ bà đã phải tiến hành hóa trị vì "ung thư tái phát" ở gan, tuy nhiên kết quả vẫn rất lạc quan.

Cuối cùng, người nữ thẩm phán cả đời đấu tranh cho bình đẳng và nữ quyền đã qua đời hồi tháng 9 vừa qua do những biến chứng nặng của ung thư tuyến tụy di căn.

Đau xót trước sự ra đi của bà, Chánh án John Roberts nói: "Quốc gia của chúng ta đã mất đi một vị luật gia có tầm vóc lịch sử. Hôm nay chúng tôi tiếc thương bà, nhưng tin rằng các thế hệ tương lai sẽ luôn nhớ về Ruth Bader Ginsburg như những gì chúng tôi biết về bà - một người đấu tranh không mệt mỏi và kiên cường cho công lý".

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.