Nghệ nhân Hoàng Thị Khương – Sống trọn với đam mê

Chia sẻ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề thêu tay nghệ thuật nên dù đôi chân không lành lặn, ngay từ khi còn nhỏ, chị Hoàng Thị Khương đã nỗ lực rèn luyện đôi tay thật khéo, đưa từng đường kim mũi chỉ để tạo nên những bức tranh nghệ thuật được đánh giá cao.

Không chỉ lo sinh kế cho bản thân, chị Khương còn đau đáu giữ nghề, truyền nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật. 

Nghe chuyện lạ về người làm nghề thêu mà cứ thêu được bức tranh nào đẹp, được giải trong các cuộc thi hay được khách trả giá cao là giữ lại, không bán, chúng tôi tìm về làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín gặp chị Hoàng Thị Khương để nghe chuyện đời, chuyện nghề và lý giải về những bức tranh quý.

Nghệ nhân cũng là họa sĩ

Đón chúng tôi vào gian nhà chừng hơn 60m2 vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi sản xuất, kiêm nơi ăn chốn ở của chị Hoàng Thị Khương, sinh năm 1966, chị Khương khoe: “Chị được ra ở riêng chỗ này là nhà của em trai đấy. Chị cố gắng làm để sau này mở phòng tranh”. Chị Khương say sưa giới thiệu từng bức tranh quý được treo trên tường, xếp quanh nhà, không đủ chỗ chị gấp gọn xếp cất vào tủ. Chỉ vào bức tranh “Sơn thủy hữu tình” kích cỡ 1,3x2m, chị Khương cho biết bức tranh này có được một vị khách người Nhật 2 lần đến trả giá 500 triệu đồng mà chị không bán vì “ước mơ mở phòng tranh”.

Nghệ nhân Hoàng Thị KhươngNghệ nhân Hoàng Thị Khương

Để làm ra bức tranh này, chị đã kỳ công chọn chỉ tốt và thêu trong 4 năm (2001-2005). Bức “Mã đáo thành công” với kích thước nhỏ hơn thì chị thêu trong 8 tháng có giá gần 100 triệu đồng. Bức ảnh Bác Hồ kích thước 50x70cm tương tự như bức này chị đã bán với giá 20 triệu đồng… Chị Khương chỉ cho chúng tôi thấy sự tỉ mỉ của từng đường kim mũi chỉ trong bức “Mã đáo thành công”. “Nhìn kỹ vào chi tiết nhỏ như những sợi cỏ này, phải mất nhiều công thêu nền rồi thêu tỉa sao cho cỏ mềm phối màu để đạt tự nhiên nhất; như đuôi ngựa phải kỳ công tỉa nhiều lớp để tạo vồng và chiều sâu tự nhiên”. Theo chị Khương, đối với mỗi bức tranh thêu nghệ thuật, khó nhất là phải kiên trì trong từng chi tiết nhỏ và phải có con mắt nghệ sĩ, có kiến thức hội họa và thổi hồn vào tác phẩm.

Ai đó nói chị “gàn” sao mà ôm khư khư hơn 100 bức tranh trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn? Chị Khương buồn buồn kể, năm nay do dịch Covid-19 nên không bán được như mọi năm, chị cũng đã phải bán 1 bức tranh được giải dự thi. Như những năm trước, mỗi năm chị bán được chừng 200 bức tranh, trong đó chị luôn ưu tiên tranh của thợ. Thợ của chị đa số là người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn nên chị luôn ưu tiên bán cho họ có công. Đặc biệt, có những bức chị phải bán giá lỗ mà tiền thu về chỉ để trả cho thợ.

Hiện nay, chị Khương đang duy trì 10 thợ làm tại nhà chị thường xuyên và nhiều người nhận về làm khoán. Tính thu nhập ngày công của thợ đều khó, vì chủ yếu là người làm tranh thủ lúc nông nhàn, khi có việc gia đình thì nghỉ, khi tranh đắt hàng, các chị lại thêu ngày thêu đêm. Mỗi bức tranh thêu nhỏ có giá từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên, những bức độc đáo kỳ công giá cao hơn như bức “Mẹ” kích cỡ 20x30cm khách người Đức đã mua giá 10 triệu đồng.

Kiên trì không bỏ cuộc

Người phụ nữ bước đi tập tễnh bởi một bên chân bị teo vẫn nhanh nhẹn di chuyển và nhẹ nhàng kể về cái khó: “Giờ chị phải lo sao bán được các bức tranh của thợ”. Chị Khương trăn trở không phải cho riêng mình mà cho những người đồng hành, cộng sự của mình. Chị bảo, vì mình không phải lo cho ai. Thời trẻ, chị mặc cảm về đôi chân khuyết tật nên không lập gia đình với ai, chị không muốn là gánh nặng cho gia đình. “Chị sống một mình nên dành trọn thời gian, suy nghĩ cho các tác phẩm”. Ấy vậy mà nhiều năm nay chị vẫn được gia đình hỗ trợ bởi những khi chị chuyên tâm làm tranh đặc biệt để dự thi hay để thực hiện “ước mơ phòng tranh” là chị lại nhờ cậy chị gái, em trai.

Nhờ nền tảng nghề truyền thống của gia đình, sự động viên của bạn bè, nhất là những người thợ luôn đồng hành, năm 2013, chị Khương đã mạnh dạn thành lập Công ty TNHH thêu tranh nghệ thuật Hoàng Thị Khương. Chị đã giao dịch hợp đồng với đối tác được thuận lợi và mang về nhiều đơn hàng cho người lao động ở địa phương làm. Năm 2015, chị Khương được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Tranh thêu của chị có nhiều chủ đề phong phú như: Truyền thống quê hương về hoa, về cây, về chim, về cá…; danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa của Việt Nam như: Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám…; tranh thêu mô phỏng tranh của các họa sỹ nổi tiếng thế giới; tranh thêu hình Bác Hồ, về mẹ, chân dung theo khách đặt...

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương – Sống trọn với đam mê - ảnh 2

Cơ sở thêu tay của nghệ nhân Hoàng Thị KhươngCơ sở thêu tay của nghệ nhân Hoàng Thị Khương

Đức tính quan trọng của người thợ để thêu lên được bức tranh đẹp theo chị Khương là sự cần cù, kiên trì, tỉ mỉ, cẩn thận và không thể làm ẩu được. Không ít lần chị phải tháo cả nửa bức tranh để thêu lại chỉ vì chưa ưng màu. Chị bảo “mất nhiều công, nhiều chỉ nhưng tháo ra cũng là để tự rèn mình phải chú tâm hơn”. Theo chị Khương, những bức tranh thêu nghệ thuật khó nhất là phối màu, tỉa từng chi tiết nhỏ sao cho sống động. Nhìn tranh thêu của chị Khương, bức nào bức ấy đều toát lên một tình yêu quê hương và trân trọng cuộc sống đượm văn hóa dung dị.

Không chỉ với các tác phẩm của mình mà với những người thợ, với những người học nghề, chị Khương đều hướng dẫn tận tình và cũng yêu cầu người học phải nghiêm túc, chuyên tâm học từng bước, rèn luyện sao cho nắm chắc kỹ thuật. Có những người khuyết tật ở nơi xa đến học, chị đều dạy miễn phí và tạo điều kiện vừa học vừa làm ra sản phẩm để có thu nhập. Bên cạnh những người thật sự muốn làm nghề thì học rất chăm chú còn có một số người, nhất là bạn trẻ học chưa chuyên cần nên học nửa chừng hoặc qua loa thì không theo nghề được. Nghề thêu không hề khó mà cũng đòi hỏi một thái độ nghiêm túc và làm nghề tốt thì còn phải thật sự dành tâm huyết với nghề. “Mình cứ yêu nghề, nghề không phụ mình đâu”- chị Khương chia sẻ. Chị đã được đi Hàn Quốc, đi nhiều tỉnh thành trong cả nước để giới thiệu sản phẩm, dạy nghề và chia sẻ kinh nghiệm tại các hội chợ, triển lãm, các hội thảo, hội nghị về làng nghề, về người khuyết tật… Qua các buổi giao lưu ấy, chị Khương được tiếp thêm năng lượng và học được nhiều kiến thức, kỹ năng, về hội họa, nghệ thuật và kinh doanh của những nghệ nhân, các họa sĩ, doanh nhân… Từ đó, chị cũng nâng cao trình độ của mình hơn. “Tôi luôn học hỏi mọi người, từ những góp ý, những nhận xét của khách hàng đến các chuyên gia hay sinh viên trường mỹ thuật… chỉ khi nào không làm nghề nữa tôi mới ngừng học; và chỉ khi nào không còn hơi thở nữa tôi mới ngừng thêu” - nghệ nhân Hoàng Thị Khương khẳng định.

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương luôn đau đáu với nghề, đã và đang dành trọn thời gian, công sức, tâm huyết để duy trì, bảo tồn và mong muốn phát triển nghề truyền thống quý báu. Có lẽ chị Khương được sinh ra để sống trọn với đam mê, thực hiện sứ mệnh của người nghệ sĩ tài hoa vẽ tranh nghệ thuật bằng cây kim sợi chỉ.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Muộn màng

Muộn màng

(PNTĐ) - Thay đồ xong, nhìn vào gương, khuôn mặt vui tươi, chị khẽ mỉm cười thì chuông cửa vang lên. Vừa mở cổng ra chị sững sờ bởi trước mặt chị là người chồng đã ly thân gần một năm nay kể từ ngày anh xách va ly đi theo cái mà anh gọi là tiếng gọi tình yêu.
Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

Các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội: Tập trung thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ

(PNTĐ) - Phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, hướng tới các hoạt động cơ sở, trong quý II/2024, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, cuộc vận động; tích cực hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và tập trung tổ chức, hoàn thành tốt việc thực hiện đánh giá Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.