Người đứng sau sự trỗi dậy của Samsung qua đời

Chia sẻ

Lee Kun-Hee, Chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics, người đã biến hãng từ một công ty nhỏ chuyên sản xuất tivi thành một gã khổng lồ toàn cầu về điện tử tiêu dùng đã qua đời ở tuổi 78.

Sự ra đi của một con người vĩ đại

Thông cáo của Samsung cho biết ông Lee đã qua đời bên các thành viên trong gia đình, bao gồm cả con trai duy nhất của ông cũng là Phó Chủ tịch của tập đoàn Samsung, Lee Jae-yong.

Samsung không công bố nguyên nhân cái chết của ông, nhưng được biết, ông Lee đã phải nhập viện từ tháng 5 năm 2014 sau một cơn đau tim.

Thông cáo của Samsung viết: “Tất cả chúng tôi tại Samsung sẽ trân trọng những kỷ niệm của ông ấy, biết ơn về hành trình mà chúng tôi đã chia sẻ cùng ông. Di sản của ông ấy sẽ mãi mãi trường tồn."

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cử các quan chức cấp cao của Tổng thống chuyển lời chia buồn tới gia đình ông Lee tại một địa điểm để tang. Trong thông điệp, ông Moon Jae-in gọi nhà tài phiệt quá cố là “một biểu tượng của thế giới kinh doanh của Hàn Quốc, người có khả năng lãnh đạo mang lại dũng khí cho các công ty của chúng tôi vào thời điểm kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra”.

Ông Lee Kun-Hee được thừa kế quyền kiểm soát công ty từ cha mình, Lee Byoung Chul và trong suốt gần 30 năm lãnh đạo của mình, ông đã giúp Samsung Electronics đã trở thành thương hiệu toàn cầu và là nhà sản xuất điện thoại thông minh, tivi và chip nhớ lớn nhất thế giới. Samsung bán điện thoại Galaxy đồng thời sản xuất màn hình và vi mạch cung cấp năng lượng cho các đối thủ lớn của mình trong đó có cả iPhone của Apple và điện thoại Android của Google.

Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh của tập đoàn số 1 Hàn Quốc này còn bao gồm đóng tàu, bảo hiểm nhân thọ, xây dựng, khách sạn, công viên giải trí và hơn thế nữa. Riêng Samsung Electronics đã chiếm 20% vốn thị trường trên sàn giao dịch chứng khoán chính của Hàn Quốc. Ông Lee ra đi đã để lại khối tài sản kếch xù, Forbes ước tính tài sản của ông là 16 tỷ USD tính đến tháng 1/2017.

Khi ông Lee nhập viện, mảng kinh doanh di động béo bở một thời của Samsung phải đối mặt với những mối đe dọa từ các nhà sản xuất mới nổi ở Trung Quốc và các nơi khác. Samsung gặp áp lực lớn trong việc phải đổi mới hoạt động kinh doanh truyền thống của mình, cải cách văn hóa phân cấp ngột ngạt và cải thiện quản trị doanh nghiệp và tính minh bạch của công ty.

Cũng như các tập đoàn gia đình khác ở Hàn Quốc, Samsung được ghi nhận là đã giúp thúc đẩy nền kinh tế của đất nước trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới từ đống đổ nát của Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Lee Kun-Hee là một nhà lãnh đạo nghiêm khắc, người tập trung vào các chiến lược có tầm nhìn lớn, những chi tiết và công việc quản lý thường ngày được ông giao cho các giám đốc dưới quyền điều hành.

Quyền lực gần như tuyệt đối của ông cho phép công ty đưa ra những quyết định táo bạo trong ngành công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, chẳng hạn như chi hàng tỷ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất chip nhớ và màn hình mới ngay cả khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 diễn ra. Những động thái mạo hiểm đó đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Samsung.

Ông Lee Kun-Hee sinh ngày 9 tháng 1 năm 1942, tại thành phố Đông Nam Daegu trong thời kỳ Nhật Bản còn là thuộc địa của bán đảo Triều Tiên. Cha của ông, Lee Byoung Chul, đã thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu ở đó vào năm 1938, và sau Chiến tranh Triều Tiên, ông đã xây dựng lại công ty thành một nhà sản xuất điện tử và thiết bị gia dụng và là công ty thương mại lớn đầu tiên của đất nước. Khi Lee Kun-Hee thừa kế quyền kiểm soát Samsung từ cha mình vào năm 1987, Samsung đang dựa vào công nghệ Nhật Bản để sản xuất TV và đang thực hiện những bước đầu tiên hướng tới xuất khẩu lò vi sóng và tủ lạnh. Năm 1993 được cho là thời điểm quyết định khi Lee Kun-Hee thực hiện những cải tổ sâu rộng đối với Samsung sau chuyến đi nước ngoài hai tháng, ông cho rằng công ty cần phải cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Trong một bài phát biểu trước các giám đốc điều hành của Samsung, ông đã đưa ra câu nói nổi tiếng: “Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của chúng ta”.

Chủ tịch Tập đoàn Samsung, Lee Kun-hee (phải) đến để tổ chức một cuộc họp báo tại trụ sở Tập đoàn Samsung ở Seoul, Hàn Quốc.Chủ tịch Tập đoàn Samsung, Lee Kun-hee (phải) trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Tập đoàn Samsung ở Seoul, Hàn Quốc.

Những nốt trầm trong sự nghiệp

Mặc dù rất thành công trên nhiều lĩnh vực nhưng con người vĩ đại ấy cũng đã phải trải qua không ít đắng cay. Một thất bại đáng chú ý là sự mở rộng của tập đoàn sang ngành công nghiệp ô tô vào những năm 1990, một phần do niềm đam mê của Lee Kun-Hee dành cho những chiếc xe hơi sang trọng. Samsung Motor gần như đã phá sản và phải bán mình cho hãng xe hơi Pháp, Renault. Công ty cũng thường xuyên bị chỉ trích vì không tôn trọng quyền lao động. Các trường hợp ung thư ở công nhân tại các nhà máy bán dẫn đã bị bỏ qua trong nhiều năm.

Cấu trúc sở hữu không rõ ràng cùng những bê bối tham nhũng với các quan chức chính phủ của tập đoàn này bị coi là điểm nóng về tham nhũng ở Hàn Quốc.

Ông Lee Kun-Hee từng bị kết án vào năm 2008 vì các giao dịch cổ phần bất hợp pháp, trốn thuế và hối lộ nhằm chuyển sự giàu có và quyền kiểm soát công ty cho ba người con của mình. Năm 1996, ông bị kết tội hối lộ một cựu tổng thống. Nhưng trong cả hai trường hợp, ông này đều tránh được án tù sau khi tòa án tuyên án treo, vào thời điểm đó, một thông lệ phổ biến đã giúp các ông trùm kinh doanh Hàn Quốc không phải ngồi tù mặc dù họ bị kết tội hối lộ.

Gần đây nhất, Samsung đã dính vào vụ bê bối bùng nổ năm 2016-2017 dẫn đến việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị lật đổ và bỏ tù.

Ông Lee Jae-yong cũng từng bị kết án 5 năm tù vào năm 2017 vì đã đưa hối lộ 8,6 tỷ won (7 triệu USD) cho bà Park và một trong những người thân tín của bà nhằm giúp đảm bảo sự hậu thuẫn của chính phủ trong việc củng cố quyền kiểm soát của ông đối với Samsung. Ông Lee Jae-yong được trả tự do vào đầu năm 2018 sau khi một tòa phúc thẩm giảm thời hạn và cho hưởng án treo. Nhưng chỉ tháng trước, các công tố viên lại truy tố ông này với tội danh tương tự, gây ra một cuộc chiến pháp lý kéo dài khác.

Đầu năm nay, Lee Jae-yong tuyên bố rằng việc chuyển giao quyền thừa kế tại Samsung sẽ kết thúc, đồng thời hứa rằng các quyền quản lý mà ông thừa kế sẽ không chuyển cho các con của mình. Ông cũng cho biết Samsung sẽ ngừng đàn áp các nỗ lực của nhân viên để tổ chức công đoàn, mặc dù các nhà hoạt động vì quyền lợi của lao động vẫn nghi ngờ sự chân thành của ông. Ông này cũng bày tỏ sự hối hận vì đã khiến dư luận lo ngại về vụ bê bối năm 2016-2017, nhưng không thừa nhận hành vi sai trái liên quan đến cáo buộc của mình.

Lee Kun-Hee đã từ chức Chủ tịch Samsung Electronics trước vụ án năm 2008. Tuy nhiên, ông đã được tổng thống ân xá vào năm 2009 và trở lại quản lý của Samsung vào năm 2010. Trong một tuyên bố của mình, Đảng Dân chủ cầm quyền nói ông Lee Kun-Hee “Là doanh nhân thành công nhất của Hàn Quốc”. Đồng thời kỳ vọng vào một “Samsung mới” sẽ sớm thành hiện thực như Phó Chủ tịch Lee Jae-yong đã hứa.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.