Đừng để con gái bị xem là... bát nước đổ đi!

Chia sẻ

Gần 15 năm nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành vấn đề nóng của Việt Nam. Từ các chiến dịch truyền thông, nghiên cứu, khảo sát về cả khoa học lẫn đời sống xã hội, đều khẳng định một điều, "gốc rễ" của vấn đề này chính là tâm lý ưa thích và coi trọng con trai hơn con gái đang còn cắm rất sâu trong tư tưởng của người Việt.

 Con gái "vô dụng" đến thế sao?

"Em năm nay 30 tuổi, mới kết hôn hơn 2 năm và có 1 cô con gái. Từ lúc em sinh con gái, bố mẹ chồng em dù không nói ra nhưng tỏ vẻ không vui. Mỗi lần nhà có việc, vợ chồng em cho con về quê, ông bà cũng không chăm bẵm cháu mà hay giục vợ chồng em phải nhanh đẻ tiếp để ông bà sớm có cháu đích tôn dù con gái em chưa đầy 1 tuổi. Bố chồng em còn nói bóng gió “phải đẻ đến khi nào có con trai thì thôi”. Dường như trong mắt ông bà, chỉ có cháu trai mới là cháu".

Đây là câu chuyện của một gia đình trẻ, giữa thời hiện đại. Và còn rất nhiều quan điểm lạc hậu khác "hạ bệ" vai trò, vị trí của người phụ nữ và trẻ em gái. Có thể kể đến như: bố mẹ già phải sống với con trai cả. Chỉ con trai mới có thể phụng dưỡng bố mẹ khi về già. Con gái xuất giá là con người ta, là “bát nước đổ đi”. Hay nếu người đàn ông chỉ có con gái thì khi ăn cỗ chỉ được ngồi ở mâm dưới và không có tiếng nói trong dòng họ... Rồi nội trợ là việc của phụ nữ, không phải của nam giới. Hay phụ nữ chỉ quanh quẩn bếp núc, không được tham gia vào những công việc quan trọng...

Nhiều vụ bạo lực trong gia đình liên quan đến việc phải đẻ con trai vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Việc gây sức ép để người vợ phải mang thai rồi phá thai hết lần này đến lần khác cho đến khi nào đẻ được con trai là một trong những dạng bạo lực gia đình khủng khiếp nhất. 

Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) cho rằng: Xét về Luật, thì những người đàn ông như vậy đã vi phạm pháp luật. Xét về yếu tố gia đình, hạnh phúc cá nhân thì chính những người đàn ông đó đã không biết làm như thế nào để có thể hạnh phúc thực sự. Họ đuổi theo những quan niệm đã sai lầm và lỗi thời. Họ không chỉ làm tổn thương những thành viên khác trong gia đình, làm tổn thương người mà lẽ ra cùng họ gây dựng tình yêu và hạnh phúc, họ còn làm tổn thương chính bản thân mình. Vẫn cùng hoàn cảnh đó người hiểu biết sẽ sống vui vẻ, đầy đủ về kinh tế, khỏe mạnh về thân thể và hạnh phúc trong tâm hồn. Chỉ cần có quan niệm sai là tự đẩy mình và gia đình vào địa ngục. 

Cũng từ nhu cầu muốn sinh con trai, mà đã có một con số giật mình: Đến 98% phụ nữ biết được giới tính của con trước khi sinh bằng nhiều cách khác nhau. Tình trạng tiết lộ giới tính thai nhi vẫn còn ở các cơ sở siêu âm, chuyên sản, phụ khoa, theo PGS.TS.BS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, "đó vẫn là một sự thật". "Họ bị ám ảnh bởi những quan niệm về giới tính. Do vậy, theo tôi việc thực hiện chính sách hay cam kết vẫn khó để triệt để. Cốt yếu là trong xã hội chúng ta vẫn chưa xóa được quan niệm về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Hay nói cách khác nhiều người vẫn nghĩ gia đình không có đàn ông như không có trụ cột, trọng nam khinh nữ....", BS Cường cho biết.

Chỉ với từng ấy sự thật đang hiển hiện ngoài xã hội, có thể thấy, bất bình đẳng với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn, và với đủ hình thức. Có lẽ nào, kể cả chưa sinh ra, khi chỉ cần biết được giới tính thôi, thì trẻ em gái và phụ nữ đã bị xem nhẹ đến vậy?

"Trọng nam khinh nữ" và những tác động đến mất cân bằng giới tính khi sinh

Các em gái xứng đáng được có vai trò và vị trí bình đẳng với các em traiCác em gái xứng đáng được có vai trò và vị trí bình đẳng với các em trai (Ảnh minh họa, nguồn: UNICEF)

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho rằng: Tư tưởng trọng nam khinh nữ, ưa thích con trai hơn con gái là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), bên cạnh một số nguyên nhân khác như: Quy mô gia đình nhỏ, sự hỗ trợ của công nghệ...

Mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam lại diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức cao và nghiêm trọng. Tỷ số này đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 114,8 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2018. Năm 2019, tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao là 111,5 bé trai/100 bé gái.

Trong Báo cáo Dân số thế giới năm nay của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi.

Bà Hà Thị Quỳnh Anh cho rằng, thiếu hụt phụ nữ nên nam giới sẽ khó có thể tìm được bạn đời để có thể kết hôn khi đến tuổi trưởng thành, điều này sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng hôn nhân. Đặc biệt là những nam giới từ nhóm yếu thế hơn như nam giới có trình độ học vấn thấp từ những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, nam giới khuyết tật càng dễ bị đẩy vào tình trạng dễ tổn thương hơn.

Bên cạnh đó thì phụ nữ cũng bị ảnh hưởng trước tiên về mặt thể chất và tinh thần vì áp lực phải sinh được con trai cho gia đình nhà chồng. Đồng thời các vấn đề xã hội cũng có thể phát sinh do thiếu hụt phụ nữ, chẳng hạn như mua bán phụ nữ và trẻ em gái, tảo hôn, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Điều này dẫn đến mất an toàn trật tự xã hội. Đồng thời việc thiếu hụt phụ nữ cũng dẫn đến thay đổi quy mô lực lượng lao động và từ đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Cần mạnh mẽ loại bỏ những định kiến về giới còn tồn tại

Để thay đổi tư tưởng ưa thích con trai đã tồn tại từ bao đời nay, phải có cách tiếp cận cụ thể. Trước tiên và điều quan trọng nhất đó là tập trung vào những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi những quan niệm xã hội, xóa bỏ những định kiến về giới còn tồn tại trong xã hội, xây dựng những chuẩn mực mới về giới. Những chiến dịch truyền thông này cần phải tập trung vào giới trẻ, đặc biệt là nam giới. 

Bên cạnh những hoạt động truyền thông thì việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, triển khai các chương trình về bình đẳng giới cũng vô cùng quan trọng. Ví dụ, như các chính sách con gái cũng được thừa kế bình đẳng như con trai, vợ chồng cùng đứng tên trên sổ đỏ....Đồng thời việc xây dựng và thực hiện các chính sách về bảo trợ xã hội cho người già cũng cần được ưu tiên, nhằm giảm áp lực cho các cặp vợ chồng phải có con trai để chăm sóc mình khi về già.

"Đến nay chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào về hậu quả của MCBGTKS ở Việt Nam, tuy nhiên, từ các số liệu được tính toán cho thấy rằng hiện nay ở Việt Nam có 40,800 bé gái không được sinh ra. Và nếu MCBGTKS không được giải quyết thì trong vòng 30 năm nữa dự đoán Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Kinh nghiệm từ Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy rằng, việc thiếu hụt nam giới sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nam giới mà còn cả phụ nữ. Ví dụ, nảy sinh vấn đề mua bán phụ nữ và trẻ em gái vì mục đích bóc lột tình dục, kết hôn sớm, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái....", bà Quỳnh Anh cảnh báo.

Còn bà Nguyễn Vân Anh thì đề xuất: Trong giáo dục, cần phải có hệ thống kiến thức được lồng ghép trong tất cả các môn liên quan đến bình đẳng giới. Trẻ em phải được dạy từ khi còn học mẫu giáo về bình đẳng nam nữ. Trong hệ thống sách giáo khoa, những người biên soạn đều phải có kiến thức về nhạy cảm giới để không góp phần củng cố định kiến giới. Hệ thống dịch vụ xã hội công như nhà trẻ, chăm sóc người già cần được hoàn thiện để giảm gánh nặng cho cả nam và nữ. Các chính sách hưu trí, tỷ lệ lãnh đạo nữ cũng cần được cân nhắc những yếu tố liên quan tới bình đẳng giới. 

CHI MAI

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.