Đổ lỗi cho nạn nhân là tội ác!

Chia sẻ

Vụ việc thầy giáo D.V.L hiện đang công tác tại một trường THCS ở TX.Dĩ An (Bình Dương) mới đây bị Công an quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) bắt giữ khẩn cấp để điều tra về hành vi hiếp dâm nữ sinh 12 tuổi gây xôn xao dư luận. Tội ác không dừng lại ở đó, bởi sau khi sự việc xảy ra, trên mạng xã hội xuất hiện một số bình luận, ý kiến đổ lỗi cho nạn nhân.

Các ý kiến cho rằng nữ sinh này đi khách sạn đến 2 lần nên không thể gọi là hiếp dâm. "Mới 12 tuổi mà thế thì không phải dạng vừa. Vậy mới bảo có con gái phải biết dạy, biết giữ", một ý kiến bày tỏ. Một ý kiến khác: “Bạn này tự nguyện, đi đến 2 lần mà.  Vậy mới bảo có con gái phải biết dạy, biết giữ. Bản năng đàn ông thì ai chả thế”.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhìn nhận về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định những ý kiến chỉ trích, đổ lỗi cho nạn nhân có thể hiểu là một dạng "bắt nạt trên mạng" khá phổ biến hiện nay. Hành vi bắt nạt trên mạng xã hội xảy ra tương đối phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, đời sống, sức khỏe của nạn nhân, trong đó không ít nạn nhân là người chưa thành niên. "Có thể hiểu hành vi bắt nạt là hành vi đe dọa, uy hiếp, xúc phạm người khác khiến người khác phải lo lắng, sợ hãi để thỏa mãn nhu cầu động cơ cá nhân hoặc để thực hiện các mục đích khác. Nạn nhân sẽ cảm thấy bị làm phiền, bị tấn công trên môi trường mạng và có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, đến sinh hoạt đến đời sống nên những người này cần phải có sự trợ giúp của bạn bè, gia đình, cơ quan chức năng", Luật sư Đặng Văn Cường nói.

Hành vi bắt nạt trên mạng xã hội, nhất là với trẻ em, không chỉ là một tội ác, mà còn là hiểm họaHành vi bắt nạt trên mạng xã hội, nhất là với trẻ em, không chỉ là một tội ác, mà còn là hiểm họa

Chuyên gia pháp lý này cho rằng, hành vi bắt nạt trên mạng xã hội có thể là cơ sở để phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng đoạt tài sản, cưỡng dâm, hiếp dâm, vu khống làm nhục người khác, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của người khác. Trong những trường hợp cần thiết thì bên trình báo với cơ quan chức năng để xử lý đối tượng theo quy định pháp luật. Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ, việc xem xét xử lý các hành vi vi phạm luật an ninh mạng là cần thiết để giảm thiểu tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội, giảm thiểu các hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh.

"Với các hành vi bắt nạt người khác trên không gian mạng vi phạm quy định tại điều 8, điều 16, điều 18 luật an ninh mạng thì sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Mức phạt có thể lên đến 20.000.000 đồng. Còn đối với hành vi bắt nạt kèm theo yêu cầu về tài sản hoặc yêu cầu quan hệ tình dục thì có thể xem xét xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản, cưỡng dâm, hiếp dâm... tùy vào những hành vi và hậu quả vụ thể", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

LS Đặng Văn Cường cho biết, pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi quan hệ tình dục đối với người dưới 16 tuổi. Người nào đã thành niên mà quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi dù có tự nguyện thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. "Còn đối với hành vi quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi thì dù có tự nguyện thì hành vi vẫn bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi bởi tính chất nghiêm trọng về đạo đức và đối với sức khỏe của nạn nhân", Luật sư Đặng Văn Cường phân tích. Do vậy, trong vụ việc nêu trên, trường hợp đối tượng đe dọa uy hiếp nạn nhân để thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn thì chỉ là yếu tố làm nghiêm trọng hơn mức độ nguy hiểm của hành vi. Còn trường hợp đối tượng tự nguyện quan hệ tình dục với người dưới 13 tuổi thì cũng sẽ bị xử lý về hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015". Do vậy, việc đổ lỗi cho một cháu bé chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm hồn là điều không thể chấp nhận được.

Thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường bị xâm hại là một thực trạng đáng báo động. Lý giải về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, chuyên gia tâm lý, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng sự phát triển của xã hội kéo theo những tác động thiếu kiểm soát. Cụ thể, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng internet, mạng xã hội, điện thoại trở thành kênh tác động có tầm ảnh hưởng và đẩy hành vi con người quá nhanh, chính chúng ta chưa kiểm soát hết. Song song đó, không thể trách những bậc phụ huynh phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hàng ngày hàng bữa để nuôi chính mình và dành hết khả năng kinh tế để giúp con trưởng thành.

"Rõ ràng, không ít gia đình đã chạy đua với cuộc sống và bị chính con mình bỏ lại sau lưng nên chúng ta không thể đồng hành hay dõi theo để giáo dục và điều chỉnh. Và, điều quan trọng không thể không thừa nhận đó là vấn đề giáo dục giới tính cho học sinh thực hiện có quyết tâm nhưng chưa đủ, chưa sát, chưa tới và vì thế hệ lụy là điều có thể nhận thấy", PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, để ngăn ngừa các sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, việc các em trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng về an toàn cá nhân là rất cần thiết. Trẻ nhỏ cần được chỉ dẫn cách tìm người giúp đỡ, nếu trẻ bị sờ mó thô lỗ. Bạn cần nói với trẻ rằng mọi người luôn sẵn sàng bảo vệ trẻ khi trẻ bị đe doạ. Nhiều kẻ lạm dụng tình dục thường dụ dỗ, đe doạ hay ép buộc để trẻ không nói ra cho ai biết.

Cha mẹ cần dạy trẻ biết không nên sợ những lời đe doạ. Hãy tạo niềm tin rằng bố mẹ có thể giúp trẻ giải quyết mọi sự sợ hãi hay đau đớn. Bên cạnh việc dạy con biết cách tự bảo vệ mình, cha mẹ cũng phải luôn biết rõ con đang ở đâu, với ai. Nhưng phải khéo léo và cẩn trọng đừng để trẻ có cảm giác cha mẹ đang quản lý mình quá gắt gao, mà hãy tạo cho trẻ thói quen và niềm tin là cần báo tin mình đang ở đâu để cha mẹ yên tâm.

"Thực tế cho thấy việc giáo dục giới tính cần được thực hiện ngay trong chính gia đình. Nói chuyện về giới tính cho con cần nhất vẫn là thái độ nghiêm túc khi đối diện vấn đề giới tính nhưng đừng quá trầm trọng và căng thẳng. Kế đến vẫn là sự chia sẻ chân tình và cụ thể, sau nữa là tỏ ra thân thiện để cùng nhau bộc bạch mà không phải chỉ là dạy bảo...", PGS. TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Ngưng đổ lỗi cho nạn nhân, nhưng cũng đừng im lặng. Xâm hại một đứa bé chẳng khác nào hủy hoại cả đời của một con người. Gần 70% trẻ em Việt Nam từng bị bạo hành, quấy rối, xâm hại, và con số thống kê này mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

CHI MAI

 
 

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.