Dự thảo nêu được mục tiêu tổng quát phát triển đất nước

Chia sẻ

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, nội dung súc tích, gắn lý luận với thực tiễn, phản ánh khách quan, chân thực, có nhiều điểm mới.

Theo đó, các nội dung và bố cục văn kiện phù hợp, thể hiện tính tổng quát, đã đánh giá được kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới; đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 cùng một số quan điểm chiến lược của Đảng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng.

Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng ta có đường lối đúng đắn, kiên định, vững vàng trong lãnh đạo, đã giữ vững ổn định chính trị, duy trì được tốc độ tăng trưởng, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Nội dung đánh giá khách quan, phản ánh đúng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII trên toàn diện các lĩnh vực với những bài học kinh nghiệm được rút ra là hết sức thiết thực, đồng thời cũng nhất trí với những hạn chế, khuyết điểm mà Trung ương đã nêu trong báo cáo.

Một góc khu đô thị tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội (Ảnh: Int.).Một góc khu đô thị tại quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội (Ảnh: Int.).

Tôi nhất trí với những nhận định, đánh giá về kinh tế đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 được nêu trong Dự thảo Báo cáo. Đồng thời nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách về văn hóa, xã hội, các biện pháp giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, chính sách tiền lương, hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, xây dựng nền văn hóa, đạo đức con người Việt Nam, người có công, bảo hiểm, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, đồng bào các dân tộc thiểu số... Các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu được nêu trong Dự thảo Báo cáo.

Về hạn chế, khuyết điểm: Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung, đánh giá sâu hơn những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục và đào tạo, môi trường của đất nước, để nhìn nhận đúng mức nền kinh tế của đất nước và cần bổ sung nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, để thấy rõ vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.

Đề nghị Bộ Chính trị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu, đồng thời phải đôn đốc kết hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cần nêu rõ và tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng và quần chúng nhân dân để nâng cao hơn nữa nhận thức của mọi người về nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đó có tư duy, ứng xử và hành động đúng trên các lĩnh vực của cuộc sống.

Tại mục 6 Cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí (trang 96) có đánh giá “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa…”. Tuy nhiên dư luận nhân dân vẫn còn băn khoăn trước tình hình “lâm tặc”, “cát sỏi tặc”, cán bộ tham nhũng vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương chưa được giải quyết dứt điểm.
Đề nghị bổ sung thêm về diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đây cũng là một trong những vấn đề đặt ra nhiều thách thức lớn cho phát triển nhanh và bền vững của nước ta trong thời gian tới.

Để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong giai đoạn 2021-2025, đa số các ý kiến đóng góp đều nhất trí lựa chọn phương án 2 bảo đảm tính bao quát và khả thi, cụ thể: “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao”. Cần có các chế tài mạnh để bảo vệ tài nguyên môi trường, chấm dứt tình trạng chảy máu tài nguyên quốc gia.

Đặc biệt, tiêu chí của Nhà nước về "Nông thôn mới kiểu mẫu" và có cơ chế khuyến khích mạnh mẽ để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Nâng cao vai trò và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ công chức có chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Kiên quyết xử lý đối tượng tham nhũng là những người có chức, có quyền, có vị trí cao trong xã hội; Tiếp tục tăng cường khuyến khích, động viên, khen thưởng xứng đáng đối với cá nhân, tập thể và các cơ quan thông tin tuyên truyền trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

TRẦN VĂN PHẤN

Bí thư Đảng ủy xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục