41% trẻ ở thành thị mắc chứng thừa cân béo phì

Chia sẻ

Một nghiên cứu mới đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), tại khu vực thành thị, trong đó có Hà Nội, tỷ lệ trẻ bị thừa cân béo phì khoảng 41,9% và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng.

Vận động thường xuyên giúp trẻ giảm nguy cơ mắc phải chứng béo phì.Ảnh minh họa: IntVận động thường xuyên giúp trẻ giảm nguy cơ mắc phải chứng béo phì. Ảnh minh họa: Int

53% cha mẹ chưa hiểu đúng tình trạng béo phì của trẻ

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi khoảng 9,7%. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia tiến hành với 5.000 học sinh của 75 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thuộc 25 xã, phường tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước cũng cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì chung ở học sinh là 29%.

Một khảo sát của Viện Dinh dưỡng về tình hình sử dụng gần 20 loại vitamin, khoáng chất, dưỡng chất thiết yếu ở học sinh (cả thành thị và nông thôn) cũng cho thấy: Hầu hết các nhóm dưỡng chất đều không đáp ứng so với nhu cầu của trẻ, đặc biệt mức đáp ứng vitamin D là rất thấp, chỉ đạt 17,5% đối với cả 2 nhóm thành thị và nông thôn. Có những bé béo phì nhưng vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt, thiếu canxi do chế độ ăn nhiều nhưng không đầy đủ các nhóm chất.

Đáng nói, hiện có tới 53% phụ huynh khi được hỏi không nhận thức đúng tình trạng thừa cân của con em mình, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế. Thậm chí, nhiều người còn thích con béo, tăng cân, cho con ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, uống nước ngọt, bánh kẹo… khiến trẻ thừa cân nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), đây thực sự là một tình trạng đáng quan ngại. Trong đó, nguyên nhân chính là do tác động của lối sống hiện đại, khi bữa cơm gia đình đang dần bị thay thế bởi món ăn nhanh, loại thức ăn sinh năng lượng thừa đạm, đường, dầu mỡ; ăn ít rau, trái cây và ăn chưa đủ nhu cầu về sữa; thói quen ăn vặt các loại đồ ăn sẵn, nhiều phụ gia... không tốt cho cơ thể trẻ em; sự thiếu kiến thức về dinh dưỡng ở người lớn.

BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ thêm: Hiện đang có tình trạng trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ và lười vận động. Khảo sát những trẻ tới khám tại Trung tâm Điều trị béo phì và hội chứng chuyển hóa của Viện Y học ứng dụng Việt Nam (năm 2019) thấy rằng, 88% trẻ thừa cân, béo phì dành nhiều thời gian xem ti vi, sử dụng thiết bị điện tử và ít tập luyện thể dục thể thao.
Theo số liệu thống kê, thời gian vận động ở nhóm trẻ béo phì trung bình là 49 phút/ngày, trong khi ở trẻ thường là 68 phút/ngày. Ngược lại, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh, đặc biệt là xem tivi ở trẻ béo phì là hơn 82 phút/ngày (trẻ bình thường là 50 phút/ngày).

Hạn chế đồ ăn nhanh, tăng vận động

Khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng hướng tới sự phát triển toàn diện, cân đối ở trẻ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thông tin: Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, hay mắc bệnh vào thời điểm giao mùa. Đương nhiên, trẻ phải ăn đủ các chất đạm, chất béo, chất bột, đường... nhưng không ăn quá nhiều.

Ngoài ra, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia nhấn mạnh: Giai đoạn trẻ từ 6 đến 11 tuổi là thời điểm cơ thể phát triển mạnh cả về thể chất cũng như trí tuệ. Đây còn là giai đoạn tích lũy dưỡng chất để chuẩn bị cho quá trình dậy thì. Ở giai đoạn này, nếu trẻ bị thiếu hụt chất sẽ gây ảnh hưởng đến việc hoàn thiện tầm vóc cũng như trí lực khi bước vào giai đoạn trưởng thành.

Bởi vậy, ngoài việc ăn đa dạng thực phẩm, trẻ cũng cần được cung cấp đầy đủ các vi chất bằng cách ăn thêm rau xanh, hoa quả tươi, uống nước hoa quả; hạn chế các loại thực phẩm kém lành mạnh như bim bim, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga… để giúp trẻ tăng chiều cao, cân nặng, trí tuệ.

Đồng thời, “để trẻ phát triển toàn diện, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý còn cần tăng hoạt động thể lực, thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày. Trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi, trẻ lớn hơn chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần” - BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo.

Mặt khác, trẻ cần ngủ đủ giấc để hỗ trợ hệ thống miễn dịch cũng như phát triển cơ thể toàn diện; với trẻ từ 0 đến 5 tuổi ngủ đủ 11 giờ/ngày, từ 5 đến 10 tuổi ngủ đủ 10 giờ/ngày, trên 10 tuổi ngủ đủ 9 giờ/ngày…

YÊN HƯNG 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.