Tiếng ru của bà ngoại

Chia sẻ

Từ lúc lọt lòng mẹ, người cháu tiếp xúc đầu tiên là cha rồi đến ngoại. Cha kể, mẹ sinh mổ nên phải nằm phòng hậu phẫu, con ra đời cha đón tay rồi trao lại cho ngoại để lo cho mẹ.

Tiếng ru của bà ngoại - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Ngoại ấp ủ cháu ngay trong ngày đầu tiên chào đời, và rồi ôm ấp suốt cả tuổi thơ ấu khi cha mẹ cháu phải mưu sinh nơi đất khách quê người. Tròn 1 tuổi cháu được gửi về ở hẳn với ngoại. Những tháng ngày thiếu vắng cha mẹ, mỗi đêm, ngoại dùng lời ru để dỗ cháu vào giấc ngủ. Tiếng ngoại trầm ấm, da diết kéo giấc ngủ nhanh đến với cháu. Lúc còn nhỏ cháu chưa có nhiều nhận thức, hiểu biết về ý nghĩa của những câu hát ru của ngoại, chỉ cảm nhận được sự êm ái, yêu thương ấm áp trong đó.

Cháu lớn hơn, biết thắc mắc về những lời của các bài hát ru của ngoại. Vậy là mỗi buổi tối, ngoại không chỉ hát ru cho cháu nghe mà còn phải là “cô giáo” giảng giải ngữ nghĩa của từng bài hát ru. “Ầu ơ, công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Con ơi muốn nên thân người/Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha”... “Công cha, nghĩa mẹ là gì, hả ngoại?”, “Sao anh em lại như chân với tay, ngoại ơi?”... Những câu hỏi cháu đặt ra, những câu trả lời lại của ngoại hàng đêm giống như những bài học đạo đức đầu đời của cháu.

Cháu dần lớn, lưng ngoại còng thêm. Thời gian trôi đi, đứa cháu dại khờ đã trưởng thành đi học, đi làm xa nhà. Nhưng lần nào về thăm ngoại cũng nũng nịu nằm bên ngoại đòi ngoại hát ru cho cháu ngủ. Và, mỗi lần nghe lại lời hát ru của ngoại, cảm giác ấm áp yêu thương cứ lan tỏa, gợi nhớ gợi thương về một tuổi thơ thấm đẫm tình yêu của ngoại.

Trưởng thành lấy chồng, làm mẹ, cháu mang lời hát ru của ngoại truyền cho từ những năm tháng ấu thơ để ru con mình. Những lần hiếm hoi đến chơi, nghe cháu hát ru con, ngoại mỉm cười bảo lời ru thì đúng nhưng hát ru còn cần có cái hồn, cái tình trong đó thì đứa bé mới nhanh ngủ và ngủ ngon. Rồi, ngoại lại ầu ơ ru chắt ngủ, tiếng ru vẫn da diết, ngọt ngào đến lạ, bất chấp thời gian, không gian.

Tóc ngoại bạc trắng, lưng ngoại còng rạp trước thời gian, cháu chẳng thể cưỡng lại được quy luật cuộc sống để giữ ngoại mạnh khỏe, sống mãi bên con cháu. Ngày đưa tiễn ngoại, gió chiều hiu hắt, tiếng hát ru đâu đó văng vẳng trong không gian: "Ầu ơ, gió đưa cây cải về trời..." .

HUYỀN LY

Tin cùng chuyên mục

Mâm cơm đãi khách

Mâm cơm đãi khách

(PNTĐ) - Những mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đôi khi không đến từ chuyện lớn, mà chỉ là cách lau nhà, nêm nếm món ăn hay một câu nói vô tình. Nhưng rồi, chính một bữa cơm lại có thể giúp mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt khác.
Cháu mới là người có lỗi

Cháu mới là người có lỗi

(PNTĐ) - Vào bữa cơm, bà nội vô tình đánh rơi bát, cơm vương vãi khắp bàn. Minh trước khi đứng lên lấy khăn lau bàn đã kịp trách bà: “Trời ơi, bà làm sao vậy, đổ hết rồi”.
Nhà vắng người giúp việc

Nhà vắng người giúp việc

(PNTĐ) - Mấy hôm nay, Mai mong cô giúp việc như mong mẹ về chợ. Vậy mà tối nay cô giúp việc lại nhắn tin báo: “Tôi xin phép lên muộn thêm mấy ngày nữa vì ở quê chưa xong việc nhà, cô thông cảm nhé”.
Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

Khi công nghệ số “thắp lửa” hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Những màn hình cảm ứng, mã QR, ứng dụng điện tử hay những “tin thật - tin giả” trở thành chủ đề hàng ngày trong các gia đình ở Hà Nội. Từ phong trào “Bình dân học vụ số”, điện thoại không đơn thuần chỉ là để chụp ảnh, gọi điện, mà còn mở ra một không gian, nơi các thế hệ trong gia đình xóa dần khoảng cách, cùng nhau bước trên nhịp cầu số hóa.