“Mạnh tay” với tin giả trên mạng xã hội

Chia sẻ

Trong khi cả nước đang hướng về miền Trung để chung tay góp sức chia sẻ cùng đồng bào vượt qua bão lũ thì trên mạng xã hội (MXH) có những kẻ xấu lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh gây bão tin giả, gây nhiễu loạn để câu view, câu like, lợi dụng lòng trắc ẩn hòng lừa tiền từ thiện.

Trong thời gian ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ cho người dân miền Trung đã có nhiều thông tin giả danh ca sĩ kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi cá nhân.Trong thời gian ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ cho người dân miền Trung đã có nhiều thông tin giả danh ca sĩ kêu gọi từ thiện nhằm trục lợi cá nhân. (Ảnh: Int)

Tin giả hoành hành

Ngày 28/10, khi bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Nam Trung bộ thì nhiều diễn đàn MXH đã đăng tải clip một người thanh niên đứng trên nóc nhà nhảy múa với chú thích liên quan đến bão “Dùng công lực đẩy lùi bão số 9” thu hút nhiều lượt view, share (chia sẻ). Trong khi thực tế đây là một người Ấn Độ và không liên quan gì đến bão số 9 ở Việt Nam. Trước đó, nhiều fanpage đã chia sẻ thông tin về cơn bão số 8 là một siêu bão cấp 17 sẽ đổ bộ vào miền Trung khiến người dân hoang mang. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đã ngay lập tức khẳng định đây là tin giả.

Bên cạnh thông tin về mưa bão, những hình ảnh về người dân gặp đau thương mất mát cũng bị tin giả lộng hành. Đó là hình ảnh người phụ nữ ôm con trong lớp bùn đất với câu chuyện một gia đình bị chôn vùi do sạt lở đất ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt view, chia sẻ. Sự thật đó lại là ảnh chụp bức tượng tạc hai mẹ con được phát hiện sau vụ động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008. Hình ảnh cậu bé bao phủ toàn thân bùn đất ở Thái Lan cũng bị đối tượng tung tin gắn vào miền Trung…

Luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, để nhận diện fanpage của người nổi tiếng hay cơ quan báo chí thường có dấu tích xanh để xác thực. Người dùng MXH cũng cần kiểm tra kỹ nội dung, tham khảo nội dung tương tự trên trang báo chí chính thống để nhận biết tin thật hay giả. Thông thường, tin giả, video cắt ghép nội dung thường có bố cục lộn xộn, viết sai chính tả… Trường hợp người dùng MXH phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng như: Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và báo với đội ngũ kiểm duyệt MXH như facebook, Youtube để xử lý kịp thời, tránh chia sẻ thông tin sai sự thật.

Hàng loạt thông tin giả còn giả danh tài khoản facebook của người nổi tiếng để kêu gọi từ thiện, cứu trợ người dân nhằm trục lợi cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như trường hợp tài khoản facebook của ca sỹ Thủy Tiên bị giả mạo để kêu gọi chuyển tiền ủng hộ khiến cư dân mạng được phen bức xúc. Ca sĩ Thủy Tiên bị lợi dụng danh nghĩa bởi một người có tên facebook giống hệt để kêu gọi các mạnh thường quân chuyển tiền từ thiện vào tài khoản có tên Lê Thị Ngân. Hơn nữa, tài khoản giả mạo này còn chạy quảng cáo để tiếp cận nhiều người nữa. Ngay khi phát hiện, ca sĩ Thủy Tiên đã lên tiếng với tài khoản giả mạo này "sẽ nhờ pháp luật can thiệp, nếu bạn Ngân không gỡ post". Ca sĩ cũng nhấn mạnh, nếu phạm tội lừa đảo người này có thể bị xử lý hình sự và nhận hình phạt tù.

Một trường hợp khác cũng lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng là ca sĩ Mỹ Tâm là tài khoản facebook Huấn Hoa Hồng (Bùi Xuân Huấn) đã cắt ghép video của VTV24 để đăng tin giả. Cụ thể, ngày 23/10, tài khoản này đăng một bản tin video cắt ghép từ chương trình thời sự của VTV24 về hình ảnh ca sỹ Mỹ Tâm cùng Bùi Xuân Huấn trao quà cho người dân ở miền Trung. (Video này hiện nay đã bị gỡ bỏ). Theo đó, Bùi Xuân Huấn thường xuyên livestream cảnh đi phát mỳ tôm ở Quảng Bình, Quảng Trị và kêu gọi mọi người chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để hỗ trợ đồng bào miền Trung.

Ngày 24/10, đối tượng này còn công khai đã nhận được hơn 150 triệu đồng. Ngày 25 và 26/10, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã triệu tập Huấn để xác minh, làm rõ việc đăng tải, tán phát lan truyền thông tin giả mạo bản tin Chuyển động 24h trên trang facebook có tên “Huấn Hoa Hồng”. Huấn đã thừa nhận hành vi của mình là sai, làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam. Cục An ninh chính trị nội bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp này không chỉ đăng tin giả để đánh bóng tên tuổi mà còn liên quan đến việc huy động tiền từ thiện với đồng bào đang gặp lũ lụt. Ngay cả trong trường hợp các tài khoản Facebook chia sẻ thông tin chỉ để câu like thì việc đưa thông tin sai lệch cũng gây ảnh hưởng đến tuyên truyền và gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu trợ.

Cần thông thái khi đăng, chia sẻ

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách – Công ty luật Hồng Bách và Cộng sự, cá nhân nào tung tin giả mạo trên MXH trong tình hình bão lũ đang có diễn biến phức tạp và đồng bào miền Trung đang chịu nhiều mất mát, đau thương thì xã hội cần lên án bởi hành vi đó không phù hợp với chuẩn mực đạo đức của dân tộc ta mà còn vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm minh.

Theo đó, nếu hành vi tung tin giả, mạo danh những người có ảnh hưởng xã hội, những người nổi tiếng sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng; nếu hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội và hội tụ đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 7 năm, phạt tiền từ 20 đến 200 triệu đồng.

Facebook Huấn Hoa Hồng cắt ghép video của VTV24 để đăng tin giả.Facebook Huấn Hoa Hồng cắt ghép video của VTV24 để đăng tin giả. (Ảnh: Int)

Việt Nam là 1 trong 10 nước đứng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội với gần 64 triệu tài khoản facebook và gần 35 triệu tài khoản YouTube. Đây thực sự là phương thức tiếp cận đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả để các đối tượng xấu phát tán những thông tin giả. Nhiều đối tượng còn nhẫn tâm xúc phạm đến danh dự và sự hi sinh cao quý của những người lính đã ngã xuống để bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, thậm chí giả mạo các cơ quan chức năng để phát tán tin giả nhằm thực hiện mưu đồ đen tối. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến (Đoàn Hà Nội)

Nếu người nào đã đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản tiền từ thiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tình tiết tăng nặng định khung nếu người có hành vi phạm tội lợi dụng tình hình thiên tai lũ lụt để chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt quy định có thể lên tới 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), thời gian qua, Bộ đã yêu cầu các MXH thực hiện các yêu cầu của cơ quan quản lý về việc chặn, gỡ các tài khoản giả mạo, bài viết xuyên tạc, đưa thông tin sai lệch, quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng. Bình quân mỗi tháng có gần 12.000 thông tin đề cập tới tin giả, tạo ra gần 20 triệu lượt xem, chủ yếu trên các MXH như facebook, YouTube. Các cơ quan chức năng đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật; hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả bị xử lý, 22 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền là 222,5 triệu đồng.

Bộ TT-TT cho rằng, thông tin vi phạm đã được kịp thời phát hiện và xử lý, ngăn chặn từ nguồn phát tán. Cụ thể, từ cuối năm 2018 đến nay, facebook đã gỡ 286 tài khoản giả mạo, trong đó 50 tài khoản giả mạo các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, còn lại là tuyên truyền tin giả mạo, xấu độc kích động chống phá Nhà nước, gỡ hơn 2.786 bài viết phát ngôn gây thù hận, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Tính đến đầu tháng 10/2020, facebook đã gỡ gần 2.036 bài viết, tăng 500% so với năm 2019, tỷ lệ gỡ chặn 95%. Riêng trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19, facebook đã gỡ 11 tài khoản giả mạo Bộ Y tế; 141 bài viết đưa tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh và virus corona (thông tin sai về dịch Covid-19 gỡ 100%).

Cũng theo Bộ TT-TT, việc xử lý, ngăn chặn thông tin giả, tin xấu độc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, giải pháp kỹ thuật hiện có vẫn chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên facebook và Youtube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng dư luận trong nước.

Hơn nữa, việc cung cấp thông tin về một số vụ việc nhạy cảm, phức tạp của một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa chủ động, chưa kịp thời, gây khó khăn cho đấu tranh trường hợp tung tin giả trên MXH. Các cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn khi yêu cầu doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam do sự can thiệp, tạo áp lực của các tổ chức nước ngoài.

Để xử lý nghiêm minh các trường hợp tung tin giả, vu khống, Bộ TT-TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020 bổ sung cụ thể, chi tiết hóa nhiều hành vi vi phạm trên môi trường mạng, tăng hình thức và các mức xử phạt (mức phạt tăng từ 10 - 20% so với quy định trước đây), áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…

Thời gian tới, Bộ TT-TT tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật nhằm yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng, xử lý tin giả, tin xấu độc; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn. Bộ TT-TT cũng khuyến cáo người sử dụng MXH không nên vội vàng mà hãy cảnh giác trước khi đăng hay chia sẻ thông tin trên các fanpage không tin cậy, chưa có kiểm chứng nguồn thông tin.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.