“Đau đầu” vi phạm bản quyền trên Internet

Chia sẻ

Trong thời đại số, đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giải trí thế giới có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ trực tiếp sang trực tuyến. Online chính là “cửa sống” của nghệ thuật thế giới suốt gần một năm qua. Tuy nhiên, vấn nạn vi phạm bản quyền trên mạng lại khiến làng nghệ thuật “đau đầu”...

Các trang phim miễn phí gây bức xúc vì vi phạm bản quyềnCác trang phim miễn phí gây bức xúc vì vi phạm bản quyền

Đẩy mạnh chuyển đổi số, vi phạm bản quyền càng tăng

Ở Việt Nam, với hơn 70% người dân sử dụng internet, việc thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật trực tuyến khá phổ biến, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh. Các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ đã nhanh chóng chuyển hướng, giới thiệu các tác phẩm trực tuyến. Trong lĩnh vực biểu diễn, nhiều nhà hát, nghệ sĩ cũng liên tục có các chương trình phát trực tuyến, truyền hình trực tiếp; lập kênh Youtube chia sẻ những chương trình biểu diễn đặc sắc để đông đảo khán giả thưởng thức như: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… Tất cả tạo nên một thị trường giải trí sôi động trên mạng.

Tuy nhiên, mặt trái là vấn đề vi phạm bản quyền trực tuyến trở thành vấn nạn mà các nhà sản xuất, các đơn vị biểu diễn, sáng tạo, các nghệ sĩ… phải đối mặt.

Thống kê từ cuối tháng 6/2020 đến nay cho thấy, hàng chục website chuyên chiếu phim lậu đã bị chặn tên miền tại Việt Nam, nhiều phim bị gỡ khỏi website vì bị tố vi phạm bản quyền. Nhưng, việc làm này chỉ như “muối bỏ bể”. Vì cứ một trang web bị chặn thì ngay lập tức xuất hiện trang web khác thay thế, một phim bị gỡ khỏi trang này cũng nhanh chóng được đăng tải lên một trang khác.

Dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lên ngôi, lượng người nghe nhạc, tải nhạc trực tuyến khá lớn. Các ca sĩ hiện nay cũng đã chuyển dịch theo hướng làm MV đăng lên mạng, thu hút khán giả, sống bằng view chứ không ai ra đĩa CD, DVD. Cũng vì việc phát hành quá dễ như vậy nên liên tục diễn ra các vụ việc đạo, nhái, ăn cắp, xài chùa... tác phẩm âm nhạc, khiến nhạc sĩ, chủ sở hữu tác phẩm và công chúng bức xúc, các vụ kiện cáo ngày càng phức tạp.

Mới đây, dư luận xôn xao khi TikTok sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing (dịch vụ âm nhạc trực tuyến của VNG) mà không có sự đồng ý của phía công ty Việt Nam. Công ty VNG đã có đơn gửi lên Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu TikTok bồi thường thiệt hại hơn 221 tỉ đồng (9,5 triệu USD)...

Theo nhạc sĩ Lê Minh Sơn, hiện nay có hàng triệu bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam là nạn nhân của vi phạm bản quyền. Ông thống kê có tới hơn 200 bài hát của mình đang bị “xài chùa”, bị gom vào những kho riêng để kinh doanh, khai thác quảng cáo. Đáng nói là khi bài hát được sử dụng, các nhạc sĩ còn không hề được biết, chưa nói tới trả tác quyền!

Làm sao để bảo đảm quyền lợi cho giới sáng tạo?

Với xu hướng nghệ thuật online phát triển mạnh, các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ hy vọng đây là cú hích tiếp cận đông đảo khán giả trong thời đại mới. Tuy nhiên hiện các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể giải quyết được nạn vi phạm bản quyền, vấn đề “cốt tử” để nghệ thuật trực tuyến có thể phát triển mạnh mẽ.

Chẳng hạn, khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, nhu cầu thưởng thức tác phẩm trực tuyến tăng, nhưng nghệ sĩ lại không được hưởng lợi từ bản quyền các tác phẩm này, vì vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra tràn lan. Các nhà phát hành phim, nhạc trực tuyến cho rằng, vi phạm bản quyền sẽ ảnh hưởng rất lớn, nhất là nhà cung cấp dịch vụ có bản quyền, không chỉ mất doanh thu mà quan trọng nhất là bên bán bản quyền sẽ không bán nữa. Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý cứng rắn, về lâu dài sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu với các nhà cung cấp nội dung quốc tế.

Có thể thấy, nạn vi phạm bản quyền chỉ có thể giải quyết khi có sự quan tâm, vào cuộc và chung tay của các bên liên quan. Công nghệ thông tin và internet tạo ra cơ hội tiếp cận, chia sẻ rất nhanh chóng, rộng rãi các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, quản lý nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền liên quan đối với tác phẩm nghệ thuật như: đẩy mạnh, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo; nâng cao năng lực thể chế trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, nghệ sĩ phải nâng cao ý thức, cần đấu tranh quyết liệt với nạn vi phạm bản quyền, có ý thức tôn trọng bản quyền tác giả. Và đặc biệt, công chúng có vai trò quyết định trong việc “xóa” nạn vi phạm bản quyền. Khi nào công chúng còn thích xem "chùa", khi đó sẽ còn vi phạm bản quyền.

Bài và ảnh: NGỌC NHI

Tin cùng chuyên mục

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ra mắt bộ sách quý nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Sáng 16/4, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tri thức Văn hóa Sách Việt Nam (VIETNAMBOOK) tổ chức ra mắt bộ sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024). Đây cũng đồng thời là một trong những sự kiện chính nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024.
Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Theo NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật cho biết, chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối ngày 6/5 tại thành phố Điện Biên Phủ được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác định là điểm nhấn của chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

Bộ sưu tập áo dài đầu tiên về phong cảnh đền Hùng được xác lập kỷ lục Việt Nam

(PNTĐ) - Tối 14/4, tại Chương trình Biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản” được tổ chức tại Khu di tích Lễ hội Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Vietking đã trao Chứng nhận xác lập kỷ lục cho Bộ sưu tập áo dài "Về với cội nguồn", lấy cảm hứng từ Lễ hội Đền Hùng, tạo nên bức tranh phong cảnh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trên nền lụa đầu tiên tại Việt Nam của nhà thiết kế Thoa Trần.