Con nhà người ta

Chia sẻ

Cũng như một số bà mẹ khác, chị vẫn thường nhìn sang “con nhà người ta” rồi so sánh với con mình. Tất nhiên, kết quả luôn cho thấy, con chị yếu kém toàn tập, chẳng được một phần, dù nhỏ của… “con nhà người ta”.

1

Chẳng cần phải “ngoi” ra biển lớn, chỉ quanh quanh nhìn vào con em của hơn 30 chục cán bộ, nhân viên trong công ty, mà chị đã thấy “con nhà người ta” sao mà giỏi giang đến thế. Con cô nhân viên kế toán, vừa học giỏi, lại hát hay, khéo léo trong giao tiếp. Con cô văn thư viết văn rất hay, còn “suýt” được giải học sinh giỏi văn của quận. Anh lái xe có hai cô con gái cao 1,7m, là thành viên đội tuyển bóng rổ của trường. Cuối cùng, chị quay sang… “con nhà mình” thì chán hẳn. Ai đời con gái chị học đã bình thường, lại chẳng có năng khiếu gì nổi bật.

- Con thấy đấy, bố mẹ có con tài giỏi sao mà mát mặt. Còn con thì…

- Còn con thì sao? Mẹ lại điệp khúc “con nhà người ta” phải không? Sao mẹ không nhận “con nhà người ta” về nuôi ạ?

- Con… mẹ nói vậy để con biết mà phấn đấu. Xung quanh con có rất nhiều tấm gương đáng để học tập.

- Con không cần, con chỉ là con thôi.

Lần nào, cuộc trò chuyện giữa chị và con gái cũng kết thúc trong bế tắc như vậy. Chị không vui và con gái cũng không vui. Tự ngẫm nghĩ, chị thấy, mình chẳng kém cạnh gì cô văn thư, anh lái xe, hay chị kế toán. Chị cũng yêu con như tất cả mọi bà mẹ trên cõi đời này, cũng hết lòng hy sinh, chăm chút, đầu tư cho con học hành. Ấy vậy mà, thành quả chị nhận được lại không được như mong muốn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

2

Chị có một cô bạn thân từ thuở học phổ thông. Sau khi lên đại học, mỗi đứa mỗi trường, sau đó lại làm việc ở hai lĩnh vực khác nhau nên không còn nhiều cơ hội gắn bó. Mới rồi, tình cờ gặp lại bạn trên phố, chị mừng rỡ, kéo cô bạn vào quán café gần đó hàn huyện.

- Sao, cuộc sống của cậu sao rồi? Chồng, con ổn không? - chị hỏi

- Tiền tài của mình thì nhiều. Nhưng, mình vẫn là kẻ bất hạnh cậu ạ.

Cô bạn thân nghe chị hỏi chuyện thì òa khóc nức nở. Chị tròn mắt, vội ôm chầm lấy bạn, an ủi.

- Có chuyện gì, cậu từ từ chia sẻ. Giúp được gì cậu, mình sẽ sẵn sàng.

Nỗi “bất hạnh” mà người bạn của chị đề cập đến, xuất phát từ đứa con trai độc nhất của bạn. Bao năm làm lụng vất vả, bươn chải trên thương trường, cô bạn ít nhiều đã đem về cho gia đình một khối tài sản lớn. Nhưng có tiền thì bạn lại mất con. Con trai bạn học tới lớp 10 thì bỏ học, sau đó dạt nhà, đàn đúm với đám bạn xấu. Nó nghiện hút, cờ bạc, cai nghiện mấy lần chưa thành. Rồi nó còn lập kế đòi mẹ chia thừa kế để có thêm tiền ăn chơi. Cô bạn không đồng ý thì nó dậm dọa, đòi tự vẫn để nhà tuyệt tự.

- Mình thực sự khổ tâm, giờ không biết làm gì với đứa con này. Nhiều lúc, mình chỉ ước, giá có thể đổi tất cả số tiền mình có để lấy một đứa con tử tế mình cũng sẵn lòng. Giờ, mình đã bỏ hết công việc làm ăn, chỉ lo ở nhà quản con thôi. Mình ước, giá mình được như cậu, có hai con gái ngoan ngoãn thì hạnh phúc quá.

Con nhà người ta - ảnh 2

Nhìn người bạn khóc nức nở trong vòng tay mình, mà chị cũng bùi ngùi.

Trên đường về nhà hôm đó, chị nghĩ đến con bạn, rồi con của mình. Con gái chị không giỏi giang, xuất chúng, nhưng nó là đứa biết nghe lời, biết giúp chị việc nhà, biết lo lắng cho chị khi chị ốm đau.

Tự nhiên, chị lại thấy may mắn khi con mình không giống như “con nhà người ta”. Thôi thì từ nay, chị sẽ không so sánh con với những đứa trẻ khác nữa. Chị sẽ bằng lòng, vui vẻ với mặt mạnh, mặt yếu của “con nhà mình”.

TRẦN HUYỀN PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.