Hãy học cách chấp nhận nhau

Chia sẻ

Mỗi người phải biết chấp nhận nhau, lựa nhau mà chung sống, không nên khắt khe quá mức. Chỉ nhắc anh và các cháu để ý mẹ cháu, sợ nhất là tham gia mấy cái đạo linh tinh, về nhà thay đổi tính nết, bắt chồng con sinh hoạt giống mình hoặc bị lừa đảo gì đó thôi, còn tham gia hội nhóm gì cũng được, vui là được…

Với dáng đi vẫn còn mang chút “oai phong lẫm liệt” của một thời làm cán bộ có tầm cỡ, ông Hùng được một cô gái lái xe riêng đến văn phòng tư vấn của chúng tôi. Vừa bước vào, ông đã bắt tay khắp tất cả mọi người, rồi vào việc luôn:

- Báo cáo các anh, các chị. Tôi là Hùng, nguyên cán bộ cấp vụ trưởng, về hưu 5 năm rồi. Cũng định chỉ gọi điện thoại nói chuyện cho nhanh, nhưng cũng muốn đến thăm chỗ làm việc của các anh, các chị, tiện thể hỏi ý kiến xem nên “xử lý bà vợ” của tôi như thế nào. Tôi và các cháu rất bức xúc. Hôm nay tôi đến đây có con dâu đi cùng, cháu lái xe đưa tôi đi. Câu chuyện của bà ấy nhà tôi, con dâu tôi cũng phản đối kinh khủng, nó là người tìm địa chỉ và đưa tôi đến với các anh, các chị. Rất mong các anh, các chị cho ý kiến, xem có nên ly hôn hay có biện pháp mạnh với bà ấy thế nào, không cứ thế này, hỏng to…

Sau khi rót chén nước mời ông Hùng và cô con dâu, chuyên viên tư vấn đáp lời:

- Vâng, xin anh và cháu cứ uống nước, rồi cho chúng tôi biết thông tin chi tiết về sự việc, về câu chuyện khiến anh và các cháu nhà anh bức xúc. Chúng tôi hiểu, chuyện liên quan đến bà xã của anh, nhưng cụ thể thế nào?

- Chuyện thế này – ông Hùng không chần chừ, kể luôn – Tôi năm nay 65, bà ấy nhà tôi cũng 62 rồi. Nhà tôi có 2 cháu trai, đều xây dựng gia đình riêng. Cháu lớn đi du học, lấy vợ và định cư ở Ba Lan. Cháu bé, giờ cũng làm ở cơ quan trước đây tôi từng làm, và đây là “vợ nó”, các cháu ở với chúng tôi. Bà xã nhà tôi trước kia làm “cửa hàng mậu dịch”, đến khi xóa bỏ bao cấp, hệ thống cửa hàng mậu dịch cũng không trụ được nữa thì tôi xin cho bà ấy về một cơ quan, chỉ là làm văn thư – văn phòng thôi. Lương của bà ấy “gọi là có”, còn tôi lương cao, cũng có thu nhập thêm từ các dự án, đề tài khoa học, nên cuộc sống gia đình đảm bảo, các cháu được học hành tử tế. Những năm tôi còn đi làm, bà ấy thực sự là người vợ tốt, ngoài đi làm hành chính ở cơ quan đều dành trọn vẹn thời gian, công sức chăm sóc chồng con. Bà ấy đảm đang, khéo léo, chi tiêu có kế hoạch, đối nội, đối ngoại tốt. Vậy mà sau khi nghỉ hưu được vài năm, bà ấy trở nên khó bảo, không thể chấp nhận được. Cuộc sống vợ chồng già về hưu mà cứ đảo lộn hết cả lên. Đánh không đánh được, mắng không mắng được, nói nhẹ thì bà ấy cái lý, cãi cùn, không nói thì ngày càng “hư hỏng” to…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy vị khách có tuổi là đàn ông, nhưng cũng kể câu chuyện theo kiểu lòng vòng, mãi chưa thấy vấn đề cốt lõi, nên chuyên viên tư vấn lại nhắc:

- Vâng, xin anh đi thẳng vào vấn đề. Chị ấy hư hỏng là sao? Ăn tiêu vô tội vạ, chơi hụi, chơi họ mất tiền, cá cược, lô đề, cặp bồ hay sao anh?

- Không, tất cả những điều anh hỏi đều không đúng – người khách nam nói - Bà ấy nhà tôi bây giờ không chịu ở nhà, không chịu cơm nước phục vụ chồng con, suốt ngày đi tham gia mấy cái hội linh tinh như “Hội Hoàng gia” (Già Hoang, tức già hay đi hoang, đi bụi đấy ạ!), “Hội chị em thích đi du lịch bụi”, “Câu lạc bộ dưỡng sinh và tâm linh”. Chỗ sinh hoạt của các bà ấy không cố định. Khi thì ở một quán cà phê rộng rãi, khi thì ở công viên. Ăn uống thì đóng góp, mà cũng chủ yếu là ăn uống linh tinh, ăn chay là chính. Buổi sáng và buổi chiều thì ngồi lê la ở công viên, bật nhạc, ngồi tĩnh tâm hay thiền thiếc gì đó, cứ bảo là để “thu hút năng lượng vũ trụ vào cơ thể” để chữa bệnh, để khỏe người, để bất tử. Nhiều hôm đi mấy ngày đêm mới về. Tôi thì không biết nấu ăn, toàn phải ăn cơm bụi. Hôm nào con dâu nấu thì tôi mới được bữa ăn ngon lành ở nhà, còn không, có bữa phải gặm bánh mì. Có hôm tôi nhắc nhở, bà ấy bảo thế này: “Cả đời tôi vất vả hầu hạ bố con ông rồi, giờ tôi chẳng phải hầu ai nữa. Ông còn khỏe, nấu mà ăn, tôi cũng chẳng cần ăn, ăn linh tinh cũng được, vui khỏe là chính”. Đấy, vợ con thế anh bảo có chán không? Không lẽ lại ly hôn? Vợ chồng mà sống xa cách, mỗi người một nguồn vui, vợ không nấu cho chồng ăn nữa, thì hỏi cái nhà có còn là cái nhà nữa hay không?

- Vâng, tôi đã hiểu câu chuyện của anh. Tôi muốn hỏi thêm, chị ấy có phải đóng góp tốn kém cho mấy cái hội chị ấy tham gia không? Chị ấy có bị dụ dỗ mua hàng giá rẻ, mấy câu lạc bộ kiểu bán hàng đa cấp lừa đảo hay bị lôi kéo vào những trò mê tín dị đoan, tham gia những “đạo lạ” không? Anh có phát hiện thấy những nhóm, hội mà chị ấy tham gia có “dấu hiệu lừa đảo” hay vi phạm pháp luật không anh?

- Không, hoàn toàn không – người đàn ông khẳng định luôn – Không có gì lừa đảo, tốn kém hay vi phạm pháp luật, chỉ có điều là nó vô bổ, mất thời gian, làm cho mấy người tham gia mê muội, bỏ bê cả nhà cửa, chồng con, việc nhà, đảo lộn cả nếp sống từ bao năm nay nền nếp…

- Thế cuộc sống của anh bây giờ thế nào? Hàng ngày anh làm những việc gì? – chuyên viên tư vấn hỏi thêm.

- Báo cáo anh. Tôi vẫn khỏe mạnh, cũng không làm thêm gì cả. Hàng ngày buổi sáng tôi đi bộ, uống cà phê, ăn sáng. Xong đến khoảng 8 giờ, 8 rưỡi là về nhà đọc báo, xem tin tức trên ti vi, chăm mấy chậu hoa, cây cảnh cho vui. Lâu lâu, được anh em cơ quan cũ mời tham gia hội đồng chấm nghiệm thu đề tài, hoặc tham gia một số công việc của Hội người cao tuổi ở khu dân cư…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấy câu chuyện của vị khách đến đây có thể tạm dừng khai thác, chuyển sang phân tích, chốt lại vấn đề, nên chuyên viên trao đổi ngắn gọn:

- Thật ra câu chuyện không có gì nghiêm trọng như anh và các cháu đánh giá. Bà xã nhà anh là người phụ nữ còn khỏe mạnh, có lối sống tích cực, mong có nhiều hoạt động giao lưu, rèn luyện sức khỏe, tự tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống. Đây là điều chúng tôi cũng thường tư vấn, khuyến khích những người có tuổi, dù là phụ nữ hay nam giới cũng vậy. Cả đời vất vả vì con cháu, vì gia đình, nay có thể “buông” một chút, sống cho riêng mình, chiều chuộng bản thân, thỏa mãn những sở thích mà trước đây vì nhiều lý do chưa thể thực hiện... cũng tốt. Anh cũng có nhiều việc riêng của mình, anh chị không hề có một hoạt động hay sở thích chung nào, vậy không lẽ anh mong chị cứ quanh quẩn ở nhà, ngày đi chợ và lo cho anh hai bữa cơm hay sao? Anh vẫn giữ quan niệm rằng vợ phải phục vụ chồng, mà không nghĩ đến tuổi hưu rồi, ai còn sức khỏe, ai có thời gian, ai có điều kiện thì làm việc nhà, san sẻ để người kia còn có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Sao anh không cùng chị ấy xây dựng một “thời gian biểu hoạt động chung”, chẳng hạn, buổi sáng cùng nhau đi bộ, cùng nhau ăn sáng, ai ăn xôi thì ăn, ai thích mì thì ăn. Cùng nhau dạo siêu thị, bàn với nhau trưa nay ăn gì, cùng mua, cùng nấu. Sao anh không thử cùng chị ấy tham gia mấy cái hội, nhóm của chị ấy, biết đâu anh cũng thấy vui, có ích lợi? Hình như anh vẫn coi mình là người chồng có quyền lực, người vợ phải có nghĩa vụ chăm sóc tận tụy, chứ không phải sống như đôi bạn già, yêu thương, thông cảm, chia sẻ. Có đúng vậy không?

Nghe chuyên viên tư vấn nói đến đây, cô con dâu của ông khách từ đầu đến giờ chỉ lắng nghe, lúc này liền tham gia:

- Đúng quá ạ, hay quá ạ! Cháu cũng bảo bố cháu là kệ mẹ cháu, mẹ cháu làm gì thấy vui là được, miễn không ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, tiền bạc. Có mỗi bữa cơm, bố cháu thích, chúng cháu đi làm cũng có thể order (đặt hàng), rồi cho người ta ship (mang đến) cho bố cháu, đơn giản ấy mà. Thật ra mẹ cháu cũng không có nhiều việc để làm ở nhà. Hai đứa con nhà cháu học bán trú ở trường suốt ngày, cũng không phải nhờ ông bà nhiều. Chúng cháu nghĩ bố mẹ cháu còn khỏe, nhà ít việc, cũng chẳng cần thuê người giúp việc làm gì, vừa tốn tiền không cần thiết, vừa có người lạ ở cùng, cũng mất tự do. Mai kia, khi bố mẹ cháu có tuổi, lại yếu sức khỏe, sẽ tính sau…

- Hay quá – chuyên viên tư vấn nói – con dâu anh nói đúng đấy. Bây giờ cứ chấp nhận cuộc sống như thế này, có sao lắm đâu, mỗi người phải biết chấp nhận nhau, lựa nhau mà chung sống, không nên khắt khe quá mức. Chỉ nhắc anh và các cháu để ý mẹ cháu, sợ nhất là tham gia mấy cái đạo linh tinh, về nhà thay đổi tính nết, bắt chồng con sinh hoạt giống mình hoặc bị lừa đảo gì đó thôi, còn tham gia hội nhóm gì cũng được, vui là được…

Tiễn hai bố con vị khách ra về, tôi cứ nghĩ trong lòng rằng có lẽ người phụ nữ ấy cũng cam chịu sống với người chồng gia trưởng bao năm nay, giờ đến lúc chị ấy nhận thức lại, muốn “bung ra một chút” cho dễ thở. Khi người ta không tìm thấy niềm vui chia sẻ trong gia đình, người ta sẽ đi tìm niềm vui ấy ở bên ngoài, đó là quy luật mà!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐDOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.