Không thể chủ quan trong phòng dịch Covid-19

Chia sẻ

Dù gần 70 ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, nhưng vẫn có các ca bệnh nhập cảnh từ nước ngoài vào, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Trong khi đó, không ít người dân có tâm lý chủ quan, lơ là bởi chỉ cần 1 ca Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng, hệ lụy sẽ rất khó lường.

Đoàn kiểm tra số 2 của Sở Y tế nhắc nhở người dân đeo khẩu trang phòng dịch bệnh Covid-19 khi tham gia đi dạo tại Bờ Hồ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Văn LậpĐoàn kiểm tra số 2 của Sở Y tế nhắc nhở người dân đeo khẩu trang phòng dịch bệnh Covid-19 khi tham gia đi dạo tại Bờ Hồ, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Văn Lập

Dịch Covid-19 trên toàn cầu… chưa “nguội”

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 18h ngày 9/11, toàn thế giới ghi nhận hơn 50,3 triệu ca nhiễm virus Sars-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19; trong đó 1.257.937 trường hợp tử vong. Tại nhiều quốc gia, số ca mắc mới trong ngày vẫn ở mức cao, như: Mỹ (113.302 ca/ ngày), Italy (39.811 ca/ ngày) và Ấn Độ (39.118 ca/ ngày). Trong khi châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” của thế giới với hàng chục ngàn ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, thì châu Á vẫn là khu vực ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất thế giới (14,2 triệu ca). Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vẫn có hàng ngàn ca mắc mới trong ngày như: Indonesia, Philippines và Malaysia…

Tại Việt Nam, tính riêng trong tuần từ 2- 8/11 đã ghi nhận thêm 33 trường hợp mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 1.213 người. Đây đều là những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về và được cách ly ngay sau khi tới sân bay. Cả nước hiện còn hơn 14.000 người đang cách ly chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giải pháp căn cơ là thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch

Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến hết năm 2021, tức là ít nhất hơn một năm nữa mới có vaccine phòng Covid-19. Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam hiện nay là phải tiếp tục các biện pháp phòng dịch, chung sống an toàn với dịch. Tôi rất tha thiết đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đoàn đại biểu Quốc hội và tất cả các ngành, chúng ta không thể chủ quan được. Bởi mỗi ngày trên thế giới đang có thêm nửa triệu ca nhiễm Covid-19 mới. Để tiếp tục có cuộc sống bình yên, từ trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, đến tất cả cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, chợ búa, siêu thị, nhà máy, công sở và từng người dân phải nghiêm túc tự chống dịch.

Từ trường hợp chuyên gia người Israel nhập cảnh vào Việt Nam ngày 31/10, cách ly tại khách sạn Mường Thanh Grand Centre (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được xác định mắc Covid-19 ngày 4/11 và công dân Việt Nam từ Nga trở về, nhập cảnh vào sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) ngày 31/10, được xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 ngày 5/11 cho thấy: Dù được cách ly ngay nhưng nhiều người sau một thời gian mới phát hiện mắc Covid-19.

Trước đó, họ từng tiếp xúc với nhiều người như hành khách trên cùng chuyến bay, nhân viên y tế, người làm việc tại khu vực cách ly… Chỉ cần một vài người trong số đó không nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch thì nguy cơ Covid-19 lây nhiễm ra cộng đồng khó tránh khỏi, hậu quả gây ra rất khó lường, nhất là trong bối cảnh nhiều người dân đang có tư tưởng chủ quan, lơ là với việc tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng như hiện nay.

Người dân đang “quên dần” thói quen phòng dịch

Ghi nhận của phóng viên báo PNTĐ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội như: chợ, trường học, cửa hàng tạp hóa, khu vực bên ngoài bến xe, một số khu chung cư, khu vực ăn uống, vui chơi công cộng hay trên đường phố cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị và người dân có tư tưởng chủ quan, lơ là trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: không đeo khẩu trang nơi đông người, bỏ qua việc dùng nước sát khuẩn...

Đơn cử tại quận Hoàn Kiếm, tính đến ngày 7/11, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 của quận và các phường đã tăng cường kiểm tra, xử phạt 502 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền hơn 100 triệu đồng. UBND quận còn giao cho đơn vị chức năng của quận và các phường tổ chức kiểm tra 355 lượt tại 21 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 53 nhà hàng ăn uống sử dụng nhạc, các quán nước chè vỉa hè, trong đó đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 18 cơ sở không tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19 với tổng số tiền là 128,5 triệu đồng.

Liên quan tới hoạt động triển khai công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền thông tin thêm: Qua báo cáo cho thấy các quận, huyện đều đề cập đến việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn rất bài bản, quyết liệt. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực thế còn nhiều vướng mắc, một số nơi chưa thật sự quyết liệt, như tại các bến xe. Nếu như trong khuôn viên bến xe, công tác phòng dịch rất nghiêm, người dân được yêu cầu nghiêm túc đeo khẩu trang, dung dịch khử khuẩn được lắp đặt, bố trí ở nhiều nơi… thì ngoài khuôn viên bến xe, vẫn còn nhiều người không đeo khẩu trang. Như vậy, chính quyền địa phương khu vực đó chưa có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để giải quyết dứt điểm thực trạng này.

Ngoài ra, khi kiểm tra chung cư cũng có đến hơn 50% người dân không đeo khẩu trang... “Nếu chỉ cần để lọt 1 trường hợp mắc bệnh thì mọi cố gắng phòng, chống dịch thời gian qua của chúng ta sẽ đổ bể” – Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Càng làm chặt, việc phòng dịch càng đạt hiệu quả cao

Phát biểu tại cuộc họp BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 mới đây, Phó Chủ tịch UBND Thành phố (TP) Ngô Văn Quý cũng cho biết: Ngày 28/10/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 5151/UBND-KGVX về việc tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Trong đó, UBND TP yêu cầu việc bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, tại nơi công cộng (công viên, vườn hoa, phố đi bộ, quảng trường, nhà ga, bến tàu, bến xe, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, các sự kiện văn hóa, thể thao tại nơi công cộng, sân vận động...). Tuy nhiên, tại các quận, huyện, người dân vẫn lơ là công tác phòng dịch, không đeo khẩu trang.

Bởi vậy, trước diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn nhiều phức tạp hiện nay, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang tại các chợ, bệnh viện, nơi công cộng, bến xe, phố đi bộ... Đây là biện pháp phòng, chống dịch trọng tâm hiện nay, bởi nếu TP chỉ xuất hiện một, hai ca bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Văn Quý cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã cần lên phương án để sẵn sàng đáp ứng nếu dịch bệnh xảy ra; đồng thời quản lý tốt các trường hợp nhập cảnh. “Vừa qua, công an quận Long Biên phát hiện một trường hợp nhập cảnh trái phép người Trung Quốc, đã đưa vào khu cách ly tập trung 14 ngày. Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, đối tượng này đã bỏ trốn, vì vậy cần điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Chúng ta càng làm chặt chẽ, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thì việc phòng dịch càng đạt hiệu quả cao.

Ngày 4/11/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4966/QĐ-UBND về việc thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Theo quyết định, từ ngày 5/11 đến khi kết thúc dịch, các đoàn sẽ thường xuyên tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương. Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra, các đoàn sẽ lưu ý đến vấn đề xử phạt hành vi không đeo khẩu trang ở nơi bắt buộc phải đeo theo quy định.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.