Cha mẹ già khuyết nửa: Sống đơn thân hay tái hôn?

Chia sẻ

Nên tái hôn hay tiếp tục cuộc sống đơn thân mới hạnh phúc là vấn đề đang đặt ra với bộ phận cha mẹ già đang sống cảnh khuyết nửa. Trong xu hướng hiện đại, con cái ngày càng sống độc lập với cha mẹ. Từ tâm sự cần tư vấn của hội viên CLB Tâm Giao, Báo Phụ nữ Thủ đô mở diễn đàn mời bạn đọc tham gia thảo luận vấn đề này.

Cha mẹ già khuyết nửa: Sống đơn thân hay tái hôn? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Tái hôn để sống hạnh phúc

Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư, vợ tôi qua đời khiến tôi thành người đàn ông góa vợ ở tuổi 60. Chúng tôi có hai con trai đều đã lấy vợ, mua nhà ở riêng. Sau khi vợ mất, tôi vẫn sống một mình không dọn về sống chung với con cháu, bởi ngay từ đầu các con tôi vẫn muốn sống độc lập, không muốn sống chung với cha mẹ. Tôi là cán bộ quân đội về hưu, thu nhập từ lương hưu và tiền cho thuê cửa hàng rất khá và ổn định (nhà tôi ở mặt phố có tầng một cho thuê). Do vậy, về vấn đề kinh tế, tôi không phải phụ thuộc con cái, rất tự do thoải mái. Các con tôi làm ăn đủ sống nên tôi cũng không phải phụ giúp thêm cho chúng.

Với cha mẹ già khuyết nửa, tái hôn tuổi xế chiều sẽ bất hạnh? Nếu sống cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” thì hạnh phúc có hệ lụy nào nảy sinh, liệu có hay không niềm hạnh phúc lứa đôi tuổi già? Liệu con cái thuận tình chấp nhận?... là những vấn đề chúng tôi gợi mở để bạn đọc thảo luận. Các ý kiến thảo luận xin gửi về chuyên mục Hôn nhân Gia đình (Báo Phụ nữ Thủ đô, số 7 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội), hoặc email: baophunuthudo@gmail.com. Ý kiến được đăng tải sẽ được tòa soạn trả nhuận bút theo quy định.

Thời gian đầu sau khi vợ mất, tôi tự tìm niềm vui trong cuộc sống bằng cách tham gia các CLB, hội nhóm ở tổ dân phố, khu dân cư, hay nhóm bạn bè, đồng nghiệp hưu trí. Thời đại dịch vụ gia đình phát triển nên việc ăn uống, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, tôi đều thuê giúp việc theo giờ. Hôm nào không thích cơm giúp việc nấu thì ăn uống hàng quán bên ngoài với bạn bè. Cuộc sống nhiều hoạt động hội nhóm cuốn hút hàng ngày nên tôi vẫn vui vẻ, dù có đôi chút cô đơn khi thiếu hơi ấm của người vợ bên cạnh.

Tuy nhiên, càng về sau cuộc sống khuyết nửa không còn ổn như tôi vẫn nghĩ. Sau 5 năm sống cảnh đơn thân, tôi bắt đầu thấm thía nỗi cô đơn khi thiếu người bạn đời bên cạnh. Mọi niềm vui tìm được ngoài xã hội chỉ trong chốc lát, khi trở về căn nhà vắng vẻ, đối diện với nỗi cô đơn hàng đêm, tôi bắt đầu thấy sợ cuộc sống tuổi già một mình. Đặc biệt, tôi vẫn còn nhu cầu sinh lý nên rất cần một người vợ để mang lại niềm hạnh phúc này. Vì thế, tôi muốn tái hôn để cuộc sống hạnh phúc hơn.

Hay bất hạnh vì “đèo bòng” ở tuổi xế chiều?

Tuy nhiên, khi đưa vấn đề này ra, tôi gặp phải sự phản đối từ các con. Chúng cho rằng ở tuổi tôi, sống đơn thân sẽ hạnh phúc hơn là tái hôn. Việc “đèo bòng” ở tuổi xế chiều không chỉ khiến cuộc sống của tôi sinh nhiều hệ lụy, mà còn khiến con cháu phải “lao tâm khổ tứ” về sau này.

Con trai cả tôi phân tích, nếu muốn giải quyết vấn đề sinh lý, tôi có thể tìm bạn tri kỷ để chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Bình thường, ai ở nhà người nấy. Khi nào muốn “yêu nhau” thì chúng tôi có thể gặp gỡ, nếu muốn vui vẻ hơn, có thể đưa nhau đi du lịch đâu đó. Sau những cuộc vui bên nhau, chúng tôi lại quay về nhà mình, với con cháu, giữ nguyên “trật tự” trong cuộc sống của mỗi gia đình. Nó bảo hiện nay, bố mẹ già chấp nhận sống cảnh “tình nhân” ấy rất nhiều, không cần cưới hỏi, hôn thú ràng buộc phức tạp.

Con trai thứ của tôi cũng phân tích khi tôi tới giai đoạn hết nhu cầu sinh lý, cuộc sống chỉ cần có người nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc khi đau ốm. Những việc này thì có thể thuê người làm được, tôi không phải lo lắng. Như vậy, cuộc sống tuổi già của tôi sẽ hạnh phúc và ổn định hơn là “đèo bòng” thêm một người phụ nữ. Nếu lấy người trẻ thì nảy sinh chuyện con cái, cuộc sống sẽ bất hạnh hơn với cảnh “cha già con cọc”, lấy người trạc tuổi mình thì liệu có khỏe mạnh để chăm sóc tôi hay là tôi lại phải chăm sóc lại họ. Đó là chưa kể đến vấn đề tài sản thừa kế liên quan đến con cái sau này khi mà cả hai đều có con riêng, con chung.

Những phân tích của các con khiến tôi vô cùng bối rối. Rõ ràng cuộc sống khuyết nửa hiện nay không hạnh phúc, tôi đang cần một người vợ bên cạnh để chia sẻ. Nhưng, như lý lẽ của các con, điều đó sẽ mang lại cho tôi bất hạnh nhiều hơn là hạnh phúc. Vậy, cuộc sống của những người vợ, người chồng khuyết nửa bạn đời như tôi, về già nên sống đơn thân hay tái hôn thì mới thật sự hạnh phúc?

NUYỄN ĐÌNH QUÂN 

Tin cùng chuyên mục

Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.