Giáo dục con bằng tình yêu thương

Chia sẻ

Thay vì quan niệm “thương cho roi cho vọt”, nhiều bậc cha mẹ đã nỗ lực trong việc tìm kiếm một phương pháp giáo dục tích cực, phù hợp để nuôi dạy con.

Mẹ con chị Nguyễn Hà (phải) cùng nhau tham gia chương trình chống rác thải nhựaMẹ con chị Nguyễn Hà (phải) cùng nhau tham gia chương trình chống rác thải nhựa

Chị Nguyễn Thanh Thủy (SN 1989, trú tại huyện Quốc Oai, Hà Nội) là mẹ của cậu con trai 5 tuổi vừa thành công trong trải nghiệm thử thách 21 ngày làm cha mẹ tốt do Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) thực hiện cho biết, trước đây, công việc của chị khá bận rộn. Hằng ngày, chị đi làm từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối mới về. Không ít lần, chị đã quát mắng, thậm chí đánh để con nghe theo ý kiến của mình. Khi biết đến chương trình trải nghiệm, chị Thủy cùng con thực hiện các thử thách mà chương trình đưa ra và nhận ra việc dạy con không phải chỉ có đòn roi mới giúp trẻ nên người.

“Chương trình này giúp tôi nhận ra, phương pháp giáo dục của mình là sai. Tôi bắt đầu học cách kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu con hơn” - chị Thúy nói.

Thử thách “21 ngày làm cha mẹ tích cực” là chương trình nhằm khuyến khích cha mẹ tìm được phương pháp giáo dục tích cực, chấm dứt các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần trẻ. Theo các chuyên gia, 21 ngày là thời gian tối thiểu để bắt đầu hình thành thói quen mới, tạo bàn đạp cần thiết để thay đổi tích cực. Cũng giống như trẻ học nên người, cha mẹ cũng cần phải học làm cha mẹ với các phương pháp giáo dục tích cực để nuôi lớn đứa trẻ bằng tình yêu thương và sự đồng hành. Các thử thách mà chương trình đưa ra như: Không nói không khi trò chuyện với trẻ, viết 10 câu chuyện của con khiến bạn tan chảy, vào bếp cùng con, không sử dụng điện thoại khi chơi cùng con, cùng con làm chiếc lọ bình tĩnh… để cha mẹ cùng tham gia chương trình có thể đưa ra các phương án giải quyết tình huống và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Chị Nguyễn Hà (SN 1989, trú tại Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) - một người mẹ đã hai lần tham gia thử thách cho biết, chị từng đánh đòn hoặc trừng phạt con rất nghiêm khắc khi con bướng bỉnh, ăn vạ. Nhưng chị nhận ra, trừng phạt con không mang lại hiệu quả tích cực. Chị đã nỗ lực tìm tòi phương pháp giáo dục khác như lắng nghe, chơi cùng con, làm bạn cùng con… và nhận ra, từ việc hiểu tâm lý trẻ, chị dễ dàng uốn nắn và thấy con ngoan hơn mỗi ngày.

Theo khảo sát của MSD năm 2019 với hơn 1.700 trẻ em tại 7 tỉnh thành phố, hơn 80% trẻ em từng chứng kiến các bạn hoặc anh, chị, em của mình bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi. Trong đó, 73,6% từng bị đánh mắng trong gia đình. Nhiều cha mẹ vẫn loay hoay tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với sự phát triển của con. Vẫn còn cha mẹ sử dụng phương pháp “thương cho roi cho vọt” với quan niệm “vì yêu con, vì giáo dục con”. Bởi họ tin rằng, làm như vậy thì trẻ mới ngoan, sớm đưa trẻ vào khuôn phép và tạo dựng thói quen tốt. Nhưng thực tế, cách giáo dục đó chỉ giải tỏa tâm lý bực bội trong lòng người lớn. Thực tế, các hình thức bạo lực mang lại hiệu quả tức thì nhưng không đem lại bài học về việc phân biệt đúng sai, sự tôn trọng thực sự.

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD cho rằng, trẻ em thường học rất nhanh từ cha mẹ và những người lớn xung quanh. Do đó, cách hiệu quả nhất để dạy dỗ con là làm gương cho con thông qua những thái độ và hành động rất đơn giản được lặp đi lặp lại mỗi ngày để con hiểu và cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, ví dụ dành thời gian lắng nghe, chia sẻ cùng con.

Chia sẻ về giáo dục tích cực, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong mọi hình thức, việc đánh đập trẻ dẫn đến tổn thương là một hình thức bạo hành nghiêm trọng. Do đó, khi phát hiện có dấu hiệu bạo lực, xâm hại trẻ trong gia đình, hàng xóm, nơi công cộng, mỗi cha mẹ, kể cả trẻ em có thể gọi điện đến Tổng đài Quốc gia về Bảo vệ trẻ em 111 để được can thiệp kịp thời.

Bài và ảnh HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.