Tội phạm mới vay tiền qua app lãi suất "cắt cổ"

Chia sẻ

Vay tiền qua app, một tín dụng đen kiểu mới đang gây nhức nhối trong xã hội với lãi suất “cắt cổ”và phí dịch vụ lên đến tới hơn 1.000%/năm. Đặc biệt các đối tượng thu hồi nợ tàn khốc bằng khủng bố tinh thần, bôi nhọ, quấy phá… Vấn đề này đang “làm nóng” nghị trường trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn chất vấn về giải pháp xử lý nạn tín dụng đen.Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn chất vấn về giải pháp xử lý nạn tín dụng đen.

Thủ tục vay qua app… quá dễ dàng, nhanh chóng

Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, công an huyện đã liên tục đưa ra những cảnh báo về một số thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức phát trên loa truyền thanh và phát hơn 20.000 tờ rơi đến tận hộ dân. Dù đã có nhiều cảnh báo song vẫn có người vay tiền qua app để rồi phải nhận hậu quả khôn lường.

Đó là trường hợp anh NVL (sinh năm 1983) ở Đông Anh ngày 23/3/2019 đã đăng ký vay 10 triệu đồng qua app “Tima”, chỉ 1 ngày sau, với thủ tục rất đơn giản là số điện thoại, CMND và địa chỉ nhà ở, 3 đối tượng cho vay đã đến xác minh bằng việc anh NVL đưa qua ngõ nhìn nhà là đã nhận được tiền vay. Với khoản vay 10 triệu đồng trong 50 ngày, sau khi trừ lãi 2 triệu đồng, phí đi lại 200.000 đồng và 200.000 đồng trả gốc cho chính ngày vay (24/3/2019), anh NVL cầm 7,6 triệu đồng; mỗi ngày tiếp theo phải trả là 200.000 đồng tiền gốc. Những ngày tiếp theo anh NVL trả bằng chuyển khoản, tổng số 2,4 triệu đồng. Đến ngày 5/4/2019, NVL không còn khả năng trả nợ nên bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin cũng như đến tận nhà đòi. Bên cạnh việc nã điện thoại, các đối tượng còn liên tục sử dụng mắm tôm, sơn bột ném vào nhà, hắt sơn lên tường nhà anh NVL. Sau 1 tuần bị đe dọa, áp lực đòi nợ của các đối tượng ngày càng tăng, anh NVL đã trình báo công an huyện Đông Anh. Ngày 12/4/2019, khi các đối tượng đang thực hiện các hành vi ném chất bẩn vào nhà anh NVL, công an huyện Đông Anh đã yêu cầu các đối tượng về trụ sở để làm rõ sự việc.

Về xử lý các đối tượng, Thượng tá Phạm Nam Thắng cho biết, hai bị can Lê Hồng Hướng (ở quận Tây Hồ), Trịnh Ngọc Minh (quê ở Thanh Hóa) cho anh NVL vay số tiền 10 triệu đồng trong 50 ngày với lãi suất 146% thu lời 2 triệu đồng, do vậy không cấu thành tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Còn về hành vi của ba đối tượng Lê Hồng Hướng, Trịnh Ngọc Minh và Nguyễn Hoài Sơn đã đe dọa, uy hiếp tinh thần anh NVL nhằm mục đích đòi nợ đủ yếu tố cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”, áp dụng theo khoản 1, Điều 170 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng đã phải nhận hình phạt đích đáng với các mức án: Lê Hồng Hướng 30 tháng tù, Trịnh Ngọc Minh 12 tháng tù và Nguyễn Hoài Sơn 12 tháng tù.

Hình thức tín dụng đen kiểu mới

Thượng tá Phạm Nam Thắng cho rằng, vay tiền qua app là hình thức tín dụng đen kiểu mới với hình thức giao dịch qua các app, mạng xã hội, số tiền vay không lớn, chủ yếu ở mức 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng song các kiểu đòi nợ chúng kết hợp cả điện thoại, mạng xã hội và các hành vi trực tiếp uy hiếp, đe dọa. Những hành vi này còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội ở địa phương, vì vậy cần xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông AnhThượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh

Cũng theo Thượng tá Phạm Nam Thắng, ngoài vay tiền qua app, các đối tượng xấu còn sử dụng mạng xã hội, chiếm tài khoản facebook, zalo để giả danh người thân lừa đảo vay mượn và chuyển tiền với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng… Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa và truy tố xử lý nghiêm nên số vụ lừa đảo qua mạng ở Đông Anh cũng giảm nhiều qua các năm như: Năm 2017 có 10 vụ, năm 2018 có 8 vụ, năm 2019 có 2 vụ, năm 2020 có 2 vụ.

Về việc trình báo của người dân, đối với trường hợp vay tiền qua app vì người vay chủ động lên mạng vay nên khi bị đòi nợ bằng các hình thức khủng bố gia đình thường không trình báo mà tự giải quyết. Để không bị rơi vào bẫy của tín dụng đen qua mạng cũng như lừa đảo vay mượn, chuyển tiền qua mạng, Thượng tá Phạm Nam Thắng cảnh báo, người dân nên thận trọng với các giao dịch qua mạng, đặc biệt là vay tiền với thủ tục nhanh chóng kẻo vướng vào hậu quả khôn lường.

Cần sửa quy định để trị chiêu “lách luật”

Về bẫy tín dụng đen kiểu mới thời công nghệ với các chiêu thức và thủ đoạn đòi nợ tinh vi, tàn khốc hơn rất nhiều so với kiểu tín dụng đen truyền thống cũng "làm nóng" nghị trường Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội và trước đó là cơ quan chức năng cũng có nhiều cảnh báo về hậu quả của việc quá thả lỏng cơ chế cho vay này.

“Thời gian qua ngành Công an đã rất quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm tín dụng đen, nhưng vẫn còn những vấn đề tồn tại mà nếu như không có giải pháp hữu hiệu thì loại hình tội phạm này vẫn hiện hữu như một tất yếu khách quan. Mục đích vay trong dân rất đa dạng, nhiều trường hợp không thể đáp ứng tiêu chí của ngân hàng; trong khi các ngân hàng phải mất hàng giờ, thậm chí nhiều ngày xét duyệt thì với tín dụng đen chỉ cần vài phút là có thể cho vay”. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), thời gian qua sau khi bị cơ quan chức năng truy quét, triệt phá quyết liệt, kiểu tín dụng đen truyền thống với chiêu thức đòi nợ là tạt sơn, ném chất bẩn vào nhà người vay đã giảm, nhưng gần đây lại nổi lên tình trạng cho vay qua mạng hay còn gọi là cho vay qua các ứng dụng điện thoại di động (app), trong đó nhiều ứng dụng cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” và thủ đoạn đòi nợ tàn khốc hơn rất nhiều. Trên thực tế đã có hàng chục nghìn người dính vào bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu đồng để tiêu dùng. Có những nạn nhân cho biết ban đầu chỉ vay 8 triệu đồng của hai ứng dụng và khi đến hạn không có tiền trả, nhân viên của ứng dụng giới thiệu cho ứng dụng mới để vay trả nợ. Sau vài tháng từ chỗ chỉ vay 8 triệu đồng đã thành vay nợ hơn 200 triệu đồng để trả nợ. Từ chỗ chỉ vay của hai ứng dụng (app), đến nay đã phải vay của 64 ứng dụng với số tiền lãi và tiền phạt tăng theo cấp số nhân hàng ngày.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nêu lên những đau khổ mà các nạn nhân phải trải qua với cách đòi nợ còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen truyền thống. Đó là cách khủng bố tinh thần của người vay, từ gọi điện thoại truy lùng suốt ngày đêm với những lời lẽ thô tục, độc ác đến sử dụng mạng xã hội để phát tán hình ảnh người vay để làm nhục họ. Các đối tượng còn gọi điện cho tất cả những người có trong danh bạ điện thoại để bêu riếu người vay nhằm gây sức ép trả nợ, thậm chí có những cháu nhỏ là con cái của người vay cũng bị khủng bố tinh thần khiến các cháu xấu hổ, không dám tới trường. Có những trường hợp cha đi vay tiền, nhưng con bị lập bàn thờ trên mạng xã hội hết sức độc ác và có người vì không chịu nổi áp lực này đã tự tìm đến cái chết để giải thoát như các trường hợp ở Kiên Giang, Tiền Giang và Tây Ninh thời gian qua.

Lý giải về tín dụng đen kiểu mới hoành hành thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, do các đối tượng đã có những thủ đoạn lách luật. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, một trong những yếu tố cấu thành tội cho vay nặng lãi là phải vượt mức trần lãi suất pháp luật quy định. Tuy nhiên, các đối tượng lách luật bằng cách để lãi suất luôn ở dưới mức trần pháp luật quy định, còn lại là dồn vào tiền phí và tiền phạt vi phạm.

Cũng theo quy định của pháp luật hiện hành, pháp luật chỉ khống chế mức trần lãi suất, không khống chế mức trần đối với tiền phạt vi phạm. Mức tiền phạt vi phạm là do các bên tự thỏa thuận và công an các địa phương đã truy quét nhiều nhóm cho vay qua ứng dụng, trong đó có những vụ số tiền phạt và số tiền lãi lên đến hơn 1.000%/năm. Đây cũng là điểm khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý các vụ việc liên quan đến tín dụng đen công nghệ.

Để phòng, chống loại hình tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen công nghệ để người dân chủ động phòng tránh. Các cơ quan tố tụng Trung ương khẩn trương tổng kết những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật trong xử lý loại tội phạm này và kiến nghị Quốc hội sửa các quy định của pháp luật có liên quan. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có các khoản vay nhỏ với thủ tục xét duyệt vay nhanh chóng, thuận lợi, giúp người dân có nhu cầu, dễ dàng tiếp cận được các khoản tín dụng này.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.