Rổ rá cạp lại, sao phải chê?

Chia sẻ

Những cuộc hôn nhân hình thành khi cả 2 người trong cuộc đều đã qua một “cầu”, các cụ ta vẫn quen gọi là “rổ rá cạp lại”.

Thành ngữ này có nghĩa đen quả là rất hình tượng: Rổ rá đã gẫy, đã bung mới phải cạp lại. Và chỉ hỏng cái cạp, còn phần chính (để đựng) vẫn tốt, vẫn dùng được, người ta mới cạp lại. Nếu phần này bị thủng, bị rách thì phải vá, đan lại. Người tiến thêm bước nữa có thể rơi vào một trong những hoàn cảnh hoặc là chia tay người cũ, hoặc là goá bụa. Dẫu ở vào hoàn cảnh nào, việc muốn “xây lại tổ ấm” là hoàn toàn chính đáng, cần thiết, được luật pháp thừa nhận, bảo vệ nếu cuộc ly hôn trước đó đã được toà án chứng thực, chấp nhận.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhưng ở nước ta từ lâu và đến nay vẫn tồn tại một thực tế: Pháp luật là một chuyện, còn dư luận, tập quán xã hội lại là chuyện khác. Một hiện tượng xâm phạm Luật Hôn nhân và gia đình không phải là cá biệt đã xảy ra ở cả nông thôn lẫn thành thị. Đó là việc có nhiều người (là con, em, thành viên trong gia đình, họ hàng, có khi cả hàng xóm) đã ngăn cản, hoặc cấm đoán người thân của mình được trải qua cảm xúc hạnh phúc lứa đôi một lần nữa, mặc dù điều đó hợp pháp. Nhất là những đứa con đã trưởng thành thường hay cản trở cha mẹ mình đi bước nữa. Lập luận của họ thường là: Bố hoặc mẹ đã già rồi, không còn sống được bao lâu nữa mà lại đi “bày đặt” yêu đương, con cháu đầy nhà, đâu có thiếu thốn tình cảm. Cưới lần nữa chỉ tổ thiên hạ cười chê. Rồi thì mỗi bên đều có con riêng, phiền hà. Những người con này chỉ xuất phát từ lòng ích kỷ mà không nghĩ rằng, mình đã gây khó, làm cho cha, mẹ họ buồn. Rất nhiều người chỉ vì sợ bị san sẻ tài sản của cha mẹ mà không muốn bố/mẹ tái hôn. Họ đã không biết rằng từ xưa ông cha ta đã nói rất chí lý: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Họ không muốn cha mẹ có bạn đời, có người chia vui sẻ buồn, tối lửa tắt đèn, đêm ngày nâng giấc trong khi bản thân họ có cuộc sống riêng mà chưa tròn trách nhiệm, quan tâm đến bố mẹ.

Ông A năm nay đã 65 tuổi nhưng còn khoẻ mạnh. Ông có 3 người con đều đã trưởng thành, yên bề gia thất. Hai người con gái chung sống cùng nhà chồng thì không nói làm gì. Đứa con trai quanh năm ngày tháng công cán xa nhà. Người con dâu cũng mải làm ăn vào Nam ra Bắc, đến nỗi con nhỏ cũng phải gửi bên ông bà ngoại. Chỉ còn một mình ông vò võ trông nom ngôi nhà 3 tầng, quá rộng rãi khiến ông thấy mình càng lẻ bóng. Đến khi ông có ý định “đi bước nữa” với một phụ nữ 50 tuổi goá chồng thì cả 6 đứa con đều phản ứng dữ dội. Họ đã bàn nhau kiếm cho ông một “ô-sin” là đứa cháu họ xa ở nhà quê chừng 14-15 tuổi ra giặt giũ, cơm nước cho ông. Các con tìm cách phá mối quan hệ của ông bằng việc hễ nhận ra giọng người phụ nữ kia gọi điện thoại đến là nói ông không có nhà hoặc trả lời thẳng thừng: “Lại bà đấy à? Bố tôi không rỗi hơi như bà mà đang phải làm công tác ở phường. Bà thông cảm”. Thế là đôi bạn già vì sự tự ái đã chẳng dám đến với nhau.

Ảnh minh họa,Ảnh minh họa,

Một câu chuyện khác: Bà T, 52 tuổi nhưng trông còn rất trẻ trung. Bà có 2 người con: Con trai lớn 27 tuổi đã có vợ, con gái út 20 tuổi đang là sinh viên. Khi đứa nhỏ đang ẵm ngửa, chồng bà qua đời bởi một tai nạn giao thông. Bao năm qua, bà tần tảo một mình nuôi con khôn lớn, học hành đầy đủ. Là một phụ nữ có nhan sắc, bà luôn được cánh đàn ông để ý, trong đó có cả những người chưa vợ, có địa vị, kinh tế ngỏ ý sẵn sàng cưu mang 3 mẹ con, coi 2 đứa trẻ như con đẻ. Nhưng bà chỉ cám ơn và khước từ. Không phải bà đã nguội lạnh tình yêu, không còn nhu cầu đôi lứa mà chỉ vì bà thương con còn nhỏ, sợ chúng sẽ bị dượng ghẻ lạnh, mặc dù khi yêu, đàn ông ai cũng dễ dàng hứa đủ điều. Bà muốn dồn hết tình cảm cho 2 đứa con, không muốn chia sẻ, ít nhất là đến khi chúng trưởng thành. Nay đứa con trai đã có vợ và một con trai kháu khỉnh, công tác ổn định, đứa con gái đang là sinh viên năm thứ 3 một trường đại học lớn, bà tự cho phép mình nghĩ đến việc đi bước nữa. Một người đàn ông hơn bà 7 tuổi, goá vợ nhiều năm, cũng đã để ý tới bà từ lâu, giờ bà có ý cùng ông kết tóc. Đứa con trai và con dâu không tỏ thái độ gì, không ra phản đối, cũng không hẳn ủng hộ. Còn đứa con gái thì phản ứng quyết liệt. Quan điểm của cô con gái là mẹ không cần phải lấy ai nữa, có các con thương mẹ là đủ rồi. Chị dâu hiện tại đang tốt với mẹ, sau này cô cũng sẽ chọn người chồng biết thương mẹ như mẹ đẻ. Mẹ không phải làm bất cứ việc gì, đã có các con “hầu”. Con gái chị còn nói rõ nếu mẹ cứ lấy chồng, nó sẽ bỏ học, tự đi làm nuôi thân, không phiền đến mẹ và “ông ấy”. Thương con và sợ nó nói là làm, bà đành thất hứa với người bạn nam.

Con cái đã phương trưởng ra mặt ngăn cản cha mẹ tái hôn tuy không ít nhưng chưa phổ biến bằng hiện tượng phớt lờ sự kiện đó, tỏ ý ghẻ lạnh “tẩy chay” dì ghẻ hoặc cha dượng, khiến họ dẫu đã cố gắng ứng xử tốt cũng phải buồn phiền, nản lòng. Và từ khi cuộc hôn nhân sau diễn ra, những người con kiểu này đã thờ ơ vô trách nhiệm với cha mẹ mặc dù các đấng sinh thành của họ đã già, bởi họ nghĩ: Cha mẹ họ đã có người khác quan tâm chăm sóc, không cần gì đến họ nữa.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thật cảm động: Con cái do thương bố mẹ sống đơn lẻ mà động viên đi bước nữa, thậm chí còn chủ động kiếm tìm “đối tác” cho các cụ. N là một nữ sinh viên chỉ còn cha, mẹ cô đã mất được 5 năm. Thấy cô giáo dạy môn chính của mình đã ly hôn với chồng từ lâu, hiện đang nuôi một bé trai 15 tuổi, cô bèn tế nhị tìm hiểu thì được biết chồng cũ của cô giáo vừa rượu chè vừa thô lỗ, lại còn không thuỷ chung nên cô đã chủ động chia tay. Nhận ra cô giáo và cha mình có nhiều điểm phù hợp, N đã chủ động làm thân với cô, quý mến đứa con trai của cô, dần dần dẫn đến việc cô đã giới thiệu cha mình với cô giáo. Và cuối cùng cuộc hôn nhân đã thành. Cô giáo đồng thời là mẹ kế. Gia đình họ rất hoà thuận. Ai biết cũng phải tấm tắc chiêm ngưỡng.

“Rổ rá cạp lại” là chuyện tưởng như bình thường, hợp lý được pháp luật bảo vệ, vậy mà lắm nỗi phức tạp, éo le. Chỉ có lòng hiếu thảo, nhân hậu, vị tha thực sự của những người con mới khiến các bậc cha mẹ cô đơn có cơ hội tìm lại hạnh phúc giữa cuộc đời này. Chẳng ai muốn hôn nhân của mình phải kéo đến tập 2, tập 3. Ai mà không mơ cưới một lần, duy nhất một chồng, một vợ. Thế nên với những người “dám” tìm một hạnh phúc mới, thay vì nói "rổ rá cạp lại", ta hãy bao dung và chúc phúc cho họ trước “hạnh phúc lần nữa”. 

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.