Bất bình đẳng đa chiều ở Việt Nam: Đang có sự chênh lệch lớn

Chia sẻ

Có sự chênh lệch lớn giữa các nhóm dân cư khác nhau về khu vực địa lý, vùng kinh tế - xã hội và dân tộc về khả năng thực hiện quyền được tiếp cận nền giáo dục chất lượng, quyền được sống khỏe mạnh, khả năng tiếp cận cơ sở vật chất, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng. Phát hiện từ Nghiên cứu về Bất bình đẳng đa chiều ở Việt Nam vừa được công bố.

Nghiên cứu này được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) với sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU), thông qua sự điều phối của tổ chức Oxfam Việt Nam. Ngày 5/11, tổ chức Oxfam phối hợp cùng MDRI đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Nghiên cứu bất bình đẳng đa chiều ở Việt Nam. So sánh với các nghiên cứu trước đây, báo cáo nghiên cứu này nỗ lực tìm hiểu sâu xa về xu hướng bất bình đẳng trên 3 lĩnh vực của cuộc sống gồm: Cuộc sống và sức khỏe; Giáo dục và học tập; Sự tham gia, sự ảnh hưởng và tiếng nói.

Bất bình đẳng về cuộc sống và sức khỏe: Tồn tại dai dẳng

Báo cáo cho thấy, bất bình đẳng trong lĩnh vực cuộc sống và sức khỏe thường liên quan tới đặc điểm nhân khẩu học. Có 4 nguyên nhân chính được nhận diện: Bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận chăm sóc y tế chất lượng; Bất bình đẳng trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe trẻ em; Bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch, công trình vệ sinh cải tiến và nguồn dinh dưỡng tốt; Các chuẩn mực văn hóa xã hội tiêu cực làm tăng nguy cơ về sức khỏe.

Các diễn giả nhóm nghiên cứu và khách mời trao đổi các vấn đề trong nghiên cứu tại Hội thảoCác diễn giả nhóm nghiên cứu và khách mời trao đổi các vấn đề trong nghiên cứu tại Hội thảo

Lĩnh vực đầu tiên được phân tích là khả năng tận hưởng tuổi già và tránh được nguy cơ tử vong sớm. Lĩnh vực này bao gồm khía cạnh bất bình đẳng về sức khỏe từ góc độ thể chất và tinh thần giữa các nhóm dân cư. Việc đánh giá một cách có hệ thống các chỉ tiêu trong lĩnh vực này cho thấy có sự chênh lệch lớn, tồn tại dai dẳng giữa các hộ gia đình có thu nhập cao từ thành thị, hoặc có trình độ học vấn cao khi so sánh với nhóm dân tộc thiểu số (DTTS), phụ nữ, những nhóm sống ở khu vực nông thôn.

Ví dụ, tỷ lệ khuyết tật của nhóm DTTS (17%) có xu hướng cao hơn nhóm dân tộc Kinh (13%). Hay, nhóm 20% dân số nghèo nhất có tỷ lệ người khuyết tật cao gấp gần 4 lần nhóm 20% dân số giàu nhất.

Tương tự, chênh lệch dai dẳng về tỷ lệ tử vong và tuổi thọ vẫn tồn tại theo khu vực địa lý và dân tộc. Thực tế, tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi của khu vực Tây Nguyên cao gấp gần 3 lần khu vực Đông Nam Bộ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực nông thôn cao gấp đôi thành thị.

Ngoài ra, việc tiếp cận cơ sở y tế có chất lượng cũng vẫn còn sự bất bình đẳng rõ rệt. Số lần khám bệnh trung bình hàng năm của một người Kinh có thể cao hơn tới 18 lần so với một người H’Mông. Việc tiếp cận cơ sở y tế có chất lượng tiếp tục có sự chênh lệch giữa những nhóm có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau.

Ví dụ, số lần khám bệnh trung bình hàng năm tại các cơ sở y tế có chất lượng của 20% dân số giàu nhất cao hơn khoảng 1,6 lần so với 20% dân số nghèo. Sự chênh lệch đáng kể này gắn với nhận thức, khả năng chi trả và các yêu tố liên quan đến khả năng tiếp cận bệnh viện. Chi tiêu hàng năm dành cho y tế của một người Kinh cao gấp 15 lần so với một người H’ Mông.

Bất bình đẳng về giáo dục và học tập

Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về phổ cập giáo dục và trung học cơ sở nhưng báo cáo Nghiên cứu về “Bất bình đẳng đa chiều ở Việt Nam” cho thấy tiếp cận giáo dục mầm mon, giáo dục cơ sở và bậc cao hơn vẫn không đồng đều giữa các nhóm dân tộc, vùng địa lý cũng như giữa các hộ có hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

Ví dụ: Trẻ em Khơ Me có tỷ lệ học mẫu giáo thấp nhất chưa tới 50%, và tỷ lệ này gấp đôi ở nhóm dân tộc khác như người Thái. Tình trạng bất bình đẳng lại tiếp tục được ghi nhận ở những bậc học cao hơn. Tỷ lệ đi học cao đẳng và đại học trong độ tuổi từ 18-22 có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm dân tộc. Tỷ lệ này cao nhất ở dân tộc Kinh (46%), người Khơ Me, người Dao chỉ dưới 10%. Đáng chú ý, tỷ lệ đi học ở các cấp bậc của nữ giới cao hơn nam giới và sự chênh lệch giữa hai giới có xu hướng mở rộng ở những bậc học cao hơn.

Các đại biểu tham dựtrao đổi tạiHội thảoCác đại biểu tham dự trao đổi tại Hội thảo

Bất bình đẳng trong giáo dục và học tập thường có mối liên hệ với các đặc điểm bối cảnh gia đình. Nhóm nghiên cứu chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng gồm: Bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng; Các chuẩn mực văn hóa xã hội tiêu cực có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục và học tập; nhu cầu giáo dục đặc biệt chưa được đáp ứng; Bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các cơ hội phát triển trẻ thơ trong những năm đầu đời; Bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận các cơ hội hướng nghiệp, đào tạo dạy nghề, học việc; Bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận sách báo, công nghệ và internet.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, bất bình đẳng về giáo dục vẫn còn tồn tại vì liên quan mật thiết đến bất bình đẳng trong những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Bất bình đẳng trong giáo dục càng làm trầm trọng hóa những bất bình đẳng ở lĩnh vực khác, tạo thêm nhiều rào cản cho một số nhóm dân cư nhất định có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận thị trường lao động.

Bất bình đẳng trong sự tham gia, sự ảnh hưởng và tiếng nói

Nghiên cứu định lượng lẫn định tính của báo cáo cho thấy có sự tồn tại sự chênh lệch khác sâu sắc giữa nam giới và nữ giới, giữa hộ nghèo với trình độ học vấn thấp với hộ giàu, sống ở thành thị và có trình độ học vấn cao.

Ví dụ: Khi được hỏi về tên của Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm có một sự khác biệt lớn giữa sự hiểu biết của nam giới và nữ giới, chỉ có 32% phụ nữ có thể nêu tên Thủ tướng trong khi 70% nam giới làm được điều này. So với nam giới thì nữ giới có mức độ quan tâm đến chính trị thấp hơn và có tỷ lệ tham gia bầu cử thấp.

Ngoài bầu cử, việc người dân tham gia các cuộc họp với đại diện quần chúng, hoặc lãnh đạo địa phương là tiền đề góp phần giúp người dân hiểu được vai trò và ảnh hưởng của mình. Đồng thời tạo động lực giúp người dân chủ động đóng góp ý kiến xây dựng chính sách địa phương và chính sách quốc gia. Nhưng, tỷ lệ nam giới đi họp thường cao gần gấp đôi nữ giới.

Bất bình đẳng trong sự tham gia, tạo ảnh hưởng và đóng góp ý kiến bị chi phối bởi sự mất cân bằng về quyền lực giữa các nhóm dân cư. Có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng này được chỉ ra gồm: Sự tồn tại của các chuẩn mực xã hội và văn hóa cản trở sự tham gia của phụ nữ; Thiếu hiệu quả trong việc khuyến khích sự tham gia dân chủ của tất cả các nhóm dân cư. Thiếu hiệu quả trong việc thực thi pháp luật nhằm đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa tham nhũng.

Các chuyên gia cho rằng, bất bình đẳng trong sự tham gia có thể lặp lại, tiếp diễn và tạo ra vòng lặp lại chu kỳ của bất bình đẳng. Vì những nhóm yếu thế hoặc dễ bị tổn thương không có đủ cơ hội để tham gia vào quá trình ra quyết định quan trọng tại địa phương, dẫn đến bất bình đẳng kéo dài qua nhiều thế hệ.
Tại Hội thảo, ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng MDRI (đại diện nhóm nghiên cứu) cho biết: Dựa trên các kết quả phân tích, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị chính sách có liên quan nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm dân cư như: Cần thực thi các chính sách phân bổ lại thu nhập và hỗ trợ người nghèo; Thiết kế những chính sách hoặc chương trình đặc thù dành riêng cho nhóm yếu thế chịu tác động bởi bất bình đẳng, cụ thể là nhóm DTTD, và hộ nông dân quy mô nhỏ từ vùng sâu, vùng xa; Thực thi chính sách đảm bảo tiếp cận y tế toàn dân và nâng cao chất lượng dịch vụ sức khỏe ở những khu vực có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là khu vực sinh sống của cộng đồng DTTS; Triển khai chính sách đẩy mạnh giáo dục ở khu vực có hoàn cảnh khó khăn, cải thiện tiếp cận nguồn nước uống sạch ở học đường và tại hộ gia đình…

Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về phát triển kinh tế trong vòng 30 năm qua. Tuy nhiên ngày càng có nhiều lo ngại về bất bình đẳng gia tăng trên nhiều bình diện của cuộc sống. Đặc biệt về cơ hội và tiếng nói đối với một số nhóm dân cư. Trong khi đó, vẫn còn khoảng trống trong phân tích đa chiều để có cái nhìn toàn diện và có chiều sâu về bất bình đẳng. Nghiên cứu “Bất bình đẳng đa chiều ở Việt Nam” là nỗ lực tiên phong trong việc đánh giá bất bình đẳng đa chiều trên những lĩnh vực quan trọng: Cuộc sống và sức khỏe, giáo dục và học tập, sự tham gia, sự ảnh hưởng và tiếng nói.

(Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam)

 HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.