“Cảm ơn tổ chức Hội đã giúp tôi trưởng thành hơn”

Chia sẻ

“Hơn 18 năm gắn bó với công tác Hội, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn với tổ chức Hội. Nhưng đối với tôi, dù là niềm vui hay nỗi buồn thì đều rất đáng trân trọng, bởi lẽ đó là bài học giúp tôi hoàn thiện bản thân hơn mà không một trường lớp nào rèn luyện được.

Hiện, tôi đang đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ, tôi thầm cảm ơn các bác, các cô, các chị em tại cơ sở Hội đã luôn tin tưởng, đồng hành trong công tác Hội giúp tôi từng ngày trưởng thành hơn”. 

Ngay sau khi Thành hội phát động cuộc thi viết “Tự hào tôi là cán bộ Hội Phụ nữ” năm 2020, tôi vô cùng xúc động. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên tôi, cũng như nhiều chị em cán bộ Hội có dịp được chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm của bản thân với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Quả thực, với tôi khi đặt bút viết những kỷ niệm, những công việc về Hội, tâm trạng tôi cứ rối bời. Cứ thế, nhiều kỷ niệm công tác Hội của tôi lại ùa về.

Chị Đỗ Thị Hồng LanChị Đỗ Thị Hồng Lan

Tôi vẫn nhớ rất rõ ngày đầu tiên “gia nhập” mái nhà chung của tổ chức Hội. Khoảng 7h 30 ngày 15/4/2002, tôi tới làm việc buổi đầu tiên tại cơ quan Hội LHPN quận Tây Hồ, lúc đó có 1 đồng chí Chủ tịch, 1 đồng chí là cán bộ chuyên trách (vắng 1 đồng chí Phó Chủ tịch vì đang đi học Trung cấp lý luận chính trị). Các chị nhìn tôi với gương mặt thân thiện và đồng chí Chủ tịch Hội giới thiệu đôi nét về cơ quan và công việc của Hội. Hôm sau, tôi đến cơ quan và bắt đầu nhận nhiệm vụ hoàn toàn mới. Đó là tôi làm công tác phát hành báo Hội (báo Phụ nữ Thủ đô). Tôi cùng với 1 đồng chí cán bộ cơ quan đi nhận báo tại tòa soạn 72 Quán Sứ với số báo khoảng hơn 600 tuần báo, gần 200 tập san, sau đó, chúng tôi cùng nhau đếm và chia tới từng đơn vị cơ sở Hội vào thứ Ba hàng tuần.

Việc phát hành Báo tưởng chừng đơn giản nhưng đã giúp tôi có cơ hội gặp gỡ tiếp xúc với các bác, các chị trong các chi hội. Tôi được nghe các bác kể những việc làm tại các chi hội: Từ việc giúp phụ nữ phát triển kinh tế, vay vốn đến công tác vệ sinh môi trường tại khu dân cư… Nhất là ý nghĩa của việc đọc và làm theo báo Hội, việc đưa báo Hội đến với chị em hội viên nhằm giúp chị em có thêm kiến thức, kỹ năng trong công việc và cuộc sống... Một kỷ niệm khó quên trong quá trình tôi làm nhiệm vụ phát hành Báo. Hồi đó, vào khoảng 4 giờ chiều mà trời thì vẫn đổ mưa nhưng để đảm bảo thời gian nhất là những tin tức, những bài viết hay trên báo được kịp thời chuyển đến tay các cô, các bác hội viên, tôi quyết định dù trời mưa mình cũng phải đi phát hành báo cho kịp. Với suy nghĩ “Mình ướt còn thay đồ được chứ không để báo ướt”, nên ngay sau khi che đậy báo cẩn thận bằng chính áo mưa của mình, tôi quyết định lái xe chở báo tới cơ sở, đồng thời nhanh chóng di chuyển qua đoạn đường ngập úng trên một số con phố, may sao, báo đã đến tay người đọc đảm bảo đúng thời gian yêu cầu. Những lần sau đó, công việc phát hành báo do tôi đảm nhận đều suôn sẻ.

Chị Đỗ Thị Hồng Lan cùng các cô, các chị phụ nữ phường Xuân La thực hiện mô hình chi hội sử dụng làn khi đi chợChị Đỗ Thị Hồng Lan cùng các cô, các chị phụ nữ phường Xuân La thực hiện mô hình chi hội sử dụng làn khi đi chợ

Sau một thời gian, ngoài nhiệm vụ phát hành báo Phụ nữ Thủ đô theo định kỳ hàng tuần, tôi được lãnh đạo phân công thêm công việc văn thư, tổng hợp sổ 5 chương trình công tác Hội, xin lịch hội trường tổ chức các kỳ họp, hội nghị… Những công việc này, lại giúp tôi được tiếp xúc gần hơn với các cô, các bác tại cơ sở Hội. Cứ thế theo từng năm, tôi đã trưởng thành hơn trong công tác Hội Phụ nữ. Tôi đã mạnh dạn đưa ra ý kiến, chứng kiến của mình để tham góp tại các kỳ họp cơ quan hay các hội nghị.

Và gần đây nhất, một công việc ý nghĩa và tâm đắc đối với tôi đó là năm 2017, tôi đã tham mưu với lãnh đạo trong việc thực hiện mô hình “Đổi phế liệu giữ màu xanh”. Thời gian đầu triển khai thật khó khăn, vất vả vì cơ sở và cán bộ Hội chưa thông và chưa ủng hộ, sau đó tôi thống nhất trong thường trực quyết tâm làm điểm tại 1 cơ sở Hội, rất may là đồng chí Chủ tịch Hội phường Bưởi rất ủng hộ mô hình này. Đầu tiên chúng tôi đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn trong đội ngũ cán bộ chi, tổ hiểu ý nghĩa thực hiện phân loại rác sinh hoạt với hình thức thu gom chai nhựa, giấy… đem bán để lấy kinh phí cho hoạt động Hội. Theo đó, sáng thứ 7 các bác, các chị thu gom phế liệu tới điểm tập kết tại nhà văn hóa khu dân cư để bán. Lúc đầu, số tiền bán phế liệu của chị em chỉ hơn 100.000 đồng, có chi hội thu được hơn 200.000 đồng. Nhưng nhờ chị em cán bộ Hội tuyên truyền vận động rất tốt, sự ủng hộ của đội ngũ BCH, BTV, cán bộ chi hội trưởng và hội viên, nhân dân hưởng ứng nhiệt tình cho nên mô hình ngày được đông đảo mọi người tới thu gom tới tận nhà các đồng chí chi hội trưởng. Sau này kinh phí từ nguồn đổi phế liệu của Hội PN phường đạt cả năm là hơn 14 triệu. Các chị thống nhất đầu tư kinh phí cây xanh, góc xanh tại các khu dân cư. Kể từ đó, mô hình này đã được cấp ủy khu dân cư đồng tình và ủng hộ vì đã chứng kiến các chị thu gom lấy nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa, khu dân cư Xanh – Sạch – Đẹp.

Chị Đỗ Thị Hồng Lan tham gia buổi tập huấn nghiệp vụ dành cho cán bộ Hội.Chị Đỗ Thị Hồng Lan tham gia buổi tập huấn nghiệp vụ dành cho cán bộ Hội.

Bên cạnh mô hình của phường Bưởi, trong những lần tới các chi, tổ phụ nữ tham dự sinh hoạt và nắm bắt tình hình tại phường Xuân La tôi rất ấn tượng với mô hình “Sử dụng làn đi chợ” của chị em nơi đây đang triển khai. Thấy rất ý nghĩa và thiết thực với tình hình thực tế, tôi đã mạnh dạn đề xuất phường Xuân La gắn việc đan làn với phong trào “Nói không với túi nilong”, phong trào “Phòng chống rác thải nhựa”… Và sau khi tiếp cận với các cô, các chị đan làn, từ nguồn vật liệu tái chế thành vật phẩm có ích và thân thiện với môi trường từ đó tôi trăn trở để tìm ra tên của mô hình, sau một thời gian ngắn tôi trao đổi với đồng chí Chủ tịch phường Xuân La và trực tiếp tôi đề xuất tên của mô hình đó là mô hình 3T với ý nghĩa “Tái chế - Tiết kiệm - Thân thiện” ý nghĩa của 6 từ là: Tái chế từ nguồn dây buộc hàng và tiết kiệm vì nguồn dây đó là đi lượm, thu gom từ các công trình xây dựng không phải đầu tư kinh phí sau đó cán bộ, hội viên phụ nữ phường Xuân La sẽ đan làn thành vật phẩm có ích thân thiện với môi trường. Rất may là đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Xuân La đồng ý với cái tên là mô hình “3T” và đồng chí Chủ tịch tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả được các ngành ghi nhận và lan tỏa trong địa bàn quận Tây Hồ và tại cộng đồng. Một số đơn vị đã học hỏi kỹ thuật đan làn như tỉnh Điện Biên, các phường bạn… Tháng 10/2019 mô hình “3T” đã được Hội LHPN Thành phố Hà Nội chọn làm mô hình điểm với tên là mô hình “Chi hội sử dụng làn khi đi chợ”.

Những việc tôi đã và đang làm không những giúp tôi từng ngày trưởng thành hơn mà còn thu hút chị em hội viên phụ nữ trong quận tích cực tham gia hoạt động Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Và đến giờ, nếu có ai đó hỏi nghề nghiệp của tôi là gì, tôi tự hào và trả lời “Tôi là cán bộ Hội Phụ nữ”.

ĐỖ THỊ HỒNG LAN
Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.