Có thể chia di sản trước thời hạn trong di chúc không?

Chia sẻ

Ông tôi mất có để lại di chúc. Trong đó chỉ rõ số tiền trong tài khoản ngân hàng của ông được chia đều cho các con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, ngoại và thời điểm chia số tiền này là khi đứa cháu cuối cùng tốt nghiệp đại học hoặc xin được việc làm.

Câu hỏi:

Ông tôi mất có để lại di chúc. Trong đó chỉ rõ số tiền trong tài khoản ngân hàng của ông được chia đều cho các con đẻ, con dâu, con rể, cháu nội, ngoại và thời điểm chia số tiền này là khi đứa cháu cuối cùng tốt nghiệp đại học hoặc xin được việc làm. 
Bởi vì, ông muốn sử dụng số tiền lãi để nuôi các cháu ăn học. Hiện nay gia đình tôi (tất cả những người thừa kế di sản của ông) đang không biết có thể thỏa thuận chia di sản của ông trước thời hạn hay không? Xin quý Báo giải đáp hộ. Xin cám ơn rất nhiều!

Phạm Thị Tám (Hoàng Mai, Hà Nội)

Có thể chia di sản trước thời hạn trong di chúc không? - ảnh 1

Trả lời

Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; Phân định phần di sản cho từng người thừa kế; Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng; Giao nghĩa vụ cho người thừa kế; Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản. Tóm lại, di chúc hợp pháp thể hiện quyền định đoạt của cá nhân đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc được quy định tại khoản 1 Điều 656 của Bộ luật này. Bao gồm:

“a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản”.

Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản. Việc phân chia di sản, theo khoản 1 Điều 659 của Bộ luật này, “được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tóm lại, vì pháp luật bảo vệ quyền định đoạt của chủ sở hữu, trường hợp này là người để lại di sản, những người thừa kế có thể thỏa thuận các nội dung nêu trên nhưng phải thực hiện đúng ý chí của người để lại di chúc.

Thêm nữa, Điều 661 còn quy định về việc hạn chế phân chia di sản. Cụ thể, “trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 3 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 3 năm”.

Cho nên, những người thừa kế trong gia đình bạn bắt buộc phải chờ đến khi người cháu cuối cùng của ông tốt nghiệp đại học hoặc xin được việc làm thì mới được phân chia số tiền trong tài khoản ngân hàng là di sản của ông.

Luật sư: HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.