Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV: Thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật

Chia sẻ

(PNTĐ) – Chiều 17/11, tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã thông tin, Quốc hội đã thông qua 7 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật.

Quang cảnh họp báoQuang cảnh buổi họp báo

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã diễn ra từ ngày 20/10 đến 17/11. Kỳ họp diễn ra trong thời gian 18 ngày, được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, đồng thuận cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp, kết quả như sau: Quốc hội đã thông qua 7 luật,13 nghị quyết, cho ý kiến về 4 dự án luật. Đồng thời, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII (chất vấn và trả lời chất vấn); xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách, nhân sự; thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xem xét các báo cáo kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng và một số báo cáo quan trọng khác.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường được sửa đổi nhằm tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm nguyên tắc mọi người dân được sống trong môi trường trong lành. Luật gồm 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật hiện hành).

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;được sửa đổi nhằm đổi mới; gồm 8 chương, 74 điều (giảm 06 điều so với Luật hiện hành).

Luật Cư trú được sửa đổi nhằm tiếp tục thể chế hóa quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Luật gồm 7 chương, 38 điều (tăng 1 chương, giảm 3 điều so với Luật hiện hành). Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sang quản lý điện tử bằng việc sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú có sự kết nối, liên thông trên toàn quốc thông qua việc sử dụng số định danh cá nhân gắn với từng công dân.

Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới trong tình hình mới. Luật gồm 6 chương, 36 điều quy định về: chính sách của Nhà nước, nguyên tắc, lực lượng thực thi nhiệm vụ, hoạt động cơ bản về biên phòng; lực lượng bộ đội biên phòng; trách nhiệm, chế độ, chính sách của cơ quan, tổ chức, công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về biên phòng,...

Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương 52 điều quy định về: nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; việc ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế theo trình tự, thủ tục rút gọn,...

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới. Luật đã sửa đổi, bổ sung 71 điều, bỏ 3 điều và sửa đổi về kỹ thuật liên quan đến 10 điều khác của Luật hiện hành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, góp phần chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.

Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được ban hành nhằm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền Thành phố trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nghị quyết Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tại kỳ họp, các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến là:Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Theo dó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án trên; sẽ chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Quốc hội đã quyết định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Quốc hội đã đề ra.

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021,Quốc hội đã quyết định tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng, tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng, mức bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP; tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 608.569 tỷ đồng; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 (như: tăng bội chi ngân sách trung ương 133.500 tỷ đồng, bổ sung dự toán thu, chi ngân sách nhà nước của một số bộ, ngành, địa phương,...). Đồng thời, giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2021.

Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021,Quốc hội đã quyết định tổng số thu ngân sách trung ương là 739.401 tỷ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 603.929 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách trung ương là 1.058.271 tỷ đồng, trong đó, dự toán 350.804 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Sau khi xem xét các báo cáo kết quả thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại đã được nêu để thực hiện các mục tiêu, cân đối lớn, nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội đánh giá cao cố gắng của Chính phủ, các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 100/2015/QH13.

Quốc hội đã đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng: 1.131,22 ha rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 312,95 ha; rừng sản xuất: 661,08 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 157,19 ha); 431,76 ha rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận (trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 100,63 ha; rừng sản xuất: 309,48 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 21,65 ha). Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và sớm ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án.

 Quốc hội đã quyết định ngày chủ nhật, 23/05/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc hội đã phê chuẩn việc: Miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, chức vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng; Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với các ông: Trần Hồng Hà, Phạm Quốc Hưng, Ngô Hồng Phúc. Quốc hội đã bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

Giải đáp những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động

(PNTĐ) -Ngày 24/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đan Phượng tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề "Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động"; với sự tham dự của hơn 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) huyện Đan Phượng.
Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Hơn 600 điểm cầu tổ chức tập huấn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PNTĐ) - Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức lớp tập huấn việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định liên quan bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy đến 610 điểm cầu cơ sở. Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố dự và phát biểu chỉ đạo.