Sẽ bãi bỏ quy định xử phạt sinh con thứ ba?

Chia sẻ

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) vừa đưa ra đề xuất bãi bỏ các quy định xử phạt sinh con thứ ba, đồng thời khuyến khích người dân kết hôn sớm và sinh đủ 2 con ở vùng mức sinh thấp để đảm bảo mức sinh thay thế.

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo Cung cấp thông tin định hướng mới của chương trình dân số Việt Nam do Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế tổ chức vừa qua.

Dân giàu đang… ngại đẻ

Từ năm 2006, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế, trung bình mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con. Tuy nhiên, sau 14 năm duy trì mức sinh thay thế, mới đây, báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ cho thấy, cả nước có đến 21 tỉnh thành, đều là địa phương có mức sống khá giả, có điều kiện chăm sóc trẻ nhưng lại có mức sinh dưới mức sinh thay thế như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Tại các tỉnh này, trung bình mỗi bà mẹ sinh dưới 2 con, trong đó, TP.HCM có năm xuống 1,24 con/bà mẹ, thấp nhất cả nước.

Theo ông Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục DS - KHHGĐ, nguyên nhân của tình trạng này là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ở một bộ phận người dân ngày càng cao. Tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế mạnh mẽ dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ. Hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập tại các khu công nghiệp, khu kinh tế dẫn đến việc nhiều cặp vợ chồng ngại đẻ.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nếu mức sinh xuống quá thấp thì rất khó vận động để khuyến sinh trở lại (Ảnh: H.N)Theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nếu mức sinh xuống quá thấp thì rất khó vận động để khuyến sinh trở lại (Ảnh: H.N)

Hà Nội là một trong 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế có quy mô dân số 19%. Trong giai đoạn từ 2021-2030, Hà Nội cần duy trì mức sinh thay thế, đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để rà soát, từng bước bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, từng bước ban hành thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con áp dụng cho các gia đình, cộng đồng tại địa phương.

Bên cạnh đó, một số bạn trẻ có trình độ học vấn cao, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ, không thích sinh nhiều con. Tình trạng nạo phá thai tại khu vực tư nhân phát triển mạnh nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới hậu quả vô sinh thứ phát...

“Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn” - ông Sơn lo ngại.

Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 588 phê duyệt chương trình điều chỉnh mức sinh, phù hợp độ tuổi sinh sản, trong đó đã có những hướng dẫn được cho là rất mới, rất đột phá như: Vận động nam nữ thanh niên kết hôn và sinh con trước tuổi 30, có chính sách hỗ trợ về giá nhà hoặc cho các gia đình trẻ ở các tỉnh thành có mức sinh thấp vay tiền mua nhà ở xã hội... Sau hơn 6 tháng phê duyệt chương trình này, đến nay có một số tỉnh thành đã có kế hoạch thực hiện riêng.

Cụ thể như TP.HCM, địa phương sinh ít nhất nước đang rất tích cực trong chính sách vận động khuyến sinh. Tuy nhiên nhìn chung ở cả 21 tỉnh thành có mức sinh thấp thì chính sách khuyến sinh cụ thể - như gia đình trẻ được vay bao nhiêu tiền hay được giảm bao nhiêu khi mua nhà ở xã hội - chưa nhiều, chưa rõ ràng.

Không để mức sinh xuống thấp

Với quy mô dân số hiện nay, thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con" hiện đã không còn phù hợp. Những năm trước đây công tác dân số tập trung nhằm ổn định quy mô dân số, dân số nước ta hiện khoảng 96 triệu người và dự báo đạt 104 triệu vào năm 2030. Tuy nhiên giai đoạn tới tập trung vào chất lượng dân số, giảm chênh lệch giới tính khi sinh, vận động mỗi gia đình sinh đủ 2 con. Trong bối cảnh hiện nay, thông điệp mới của ngành dân số là khuyến khích "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con" để đảm bảo sự phát triển xã hội, khuyến khích nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, kinh nghiệm các quốc gia lân cận như Hàn Quốc, Nhật, Singapore… cho thấy nếu mức sinh xuống quá thấp thì rất khó vận động để khuyến sinh trở lại. "Như Hàn Quốc đã có thống kê cho thấy mức sinh đã giảm xuống dưới 1 con/bà mẹ, đây là mức sinh quá thấp, làm ảnh hưởng đến nhiều chỉ số: già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lực lượng lao động..." – ông Tú cho biết.

Tới đây Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các quy định công tác dân số - KHHGĐ đảm bảo thực hiện điều chỉnh đúng với đặc thù của địa phương mình. Trong đó, để giải quyết bài toán khó khăn trong việc nâng mức sinh tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số - KHHGĐ sẽ triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con.

Sinh đủ hai con ở vùng mức sinh thấp để đảm bảo mức sinh thay thế (Ảnh minh họa)Sinh đủ hai con ở vùng mức sinh thấp để đảm bảo mức sinh thay thế (Ảnh minh họa)

33 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có mức sinh cao (mức sinh xấp xỉ 3 con/bà mẹ), chiếm 42% quy mô dân số. Đây đều là khu vực có điều kiện sống còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và gần đây quay lại ở Đồng bằng sông Hồng. Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Do đó, thời gian tới, 33 tỉnh, thành có mức sinh cao cần tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích để người dân sinh ít con; khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên, “dừng lại ở hai con để nuôi dạy con tốt”...

“Ở địa phương đã đạt MSTT và có mức sinh thấp, trước mắt cần: Rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con; từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ hai con; đồng thời có chính sách không khuyến khích kết hôn muộn, sinh con muộn và sinh ít con”.

Triển khai các giải pháp tổng hợp, đồng bộ và hiệu quả để khuyến khích người dân sinh đủ hai con. Đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3+… Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như: hỗ trợ, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn thực hiện các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục… chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ hai con tại địa phương.

Phá thai ảnh hưởng đến chất lượng sinh đẻ của phụ nữ

Hiện nay, tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Việt Nam có xu hướng tăng hơn, tuổi có quan hệ tình dục lần đầu lại trẻ hơn, nguy cơ có thai ngoài ý muốn và kéo theo nguy cơ vô sinh thứ phát. Ngoài ra, nhiều phụ nữ không lập gia đình và quyết định làm mẹ đơn thân, đây là xu hướng đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam và tương tự tình hình trên thế giới.

Theo thống kê, 42/100 phụ nữ đã từng trải qua thủ thuật phá thai trong đời. Trong đó, tỷ lệ ở khu vực thành thị là 19,6% và ở khu vực nông thôn là 16,5%. Trong số phụ nữ từng phá thai, 73,1% đã từng phá thai một lần, 21,8% đã từng phá thai 2 lần và 5,1% đã từng phá thai ít nhất 3 lần trong đời. Độ tuổi trung bình phụ nữ khi phá thai lần đầu là 26 tuổi và ở thành thị cao hơn một chút (27 tuổi). Tỷ lệ phá thai ở lần mang thai đầu cao nhất ở nhóm tuổi 25-29 (33,8%), tiếp theo là nhóm tuổi 20-24 (26,6%). Nạo phá thai ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ, thậm chí vô sinh…

Cũng theo nghiên cứu, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam là gần 8%. Trong đó tỷ lệ vô sinh thứ phát đang phát triển mạnh, chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh và gia tăng hơn các năm trước khoảng 15-20%. Đặc biệt, độ tuổi mắc vô sinh thứ phát cũng trẻ hóa theo mỗi năm. Vô sinh, hiếm muộn không phải nguyên nhân xuất phát hoàn toàn từ nữ giới, các báo cáo chỉ ra rằng: 40% nguyên nhân từ phụ nữ, 30% từ nam giới và 30% từ nguyên nhân khác. Một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát là do nạo phá thai.

Nguyên nhân dẫn đến nạo phá thai cao là do nguồn lực của chương trình DS-KHHGĐ sụt giảm, từ năm 2011 nhà nước không còn cung cấp miễn phí phương tiện tránh thai, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này còn hạn chế nên dẫn đến sự kém đa dạng sản phẩm tránh thai… khiến người dân không dễ tiếp cận trên thị trường phương tiện tránh thai, hoặc tiếp cận nhưng không có nhiều sự lựa chọn về phương pháp sử dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến mang thai ngoài ý muốn trở nên phổ biến, đẩy mức phá thai ngoài ý muốn tăng.

Ông Sơn đề xuất thời gian tới, do nhu cầu dịch vụ KHHGĐ của người dân ngày càng đa dạng và đòi hỏi chất lượng dịch vụ ngày càng cao, vì vậy, hệ thống cung ứng dịch vụ KHHGĐ cần phải đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đa dạng, dễ tiếp cận, chất lượng cao với mức chi phí phù hợp cho từng nhóm đối tượng. Đồng thời, để phổ cập tiếp cận và đảm bảo tình bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ KHHGĐ cho mọi người dân, cần tập trung hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người dân vùng khó khăn có mức sinh cao thực hiện dịch vụ KHHGĐ.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, việc hỗ trợ tỉnh Điện Biên đầu tư công trình trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ không những thể hiện tấm lòng của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với đồng bào, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, mà còn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác của 2 tỉnh, Thành phố trong thời gian tới, nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp với trọng tâm thảo luận về kinh tế số

(PNTĐ) - Sáng nay 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.