"Đánh thức" cụm di tích Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa

Chia sẻ

Ngày 18/11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã khai mạc cuộc trưng bày “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa”, nhằm giới thiệu lịch sử phát hiện, nghiên cứu và kết quả khai quật di tích Bãi Cọi, đặc biệt là kết quả của 3 lần khai quật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì.

Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11.

Bảo tàng LSQG và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc xử lý tại hiện trường khai quật  Ảnh: T.LBảo tàng LSQG và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc xử lý tại hiện trường khai quật Ảnh: T.L

Với gần 150 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, trưng bày cung cấp những tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn sơ sử miền Trung Việt Nam và ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học. Trưng bày “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đến hết tháng 4/2021.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhấn mạnh: Trưng bày là dịp để công chúng có thêm nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị của di sản Bãi Cọi trong diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam, cũng như ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các nhà khảo cổ học trong việc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc…

Họp báo khai mạc trưng bày Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóaHọp báo khai mạc trưng bày Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa sáng ngày 18/11.

Trưng bày “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” gồm 3 phần: “Bãi Cọi - Hành trình khám phá”; “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hoá”; hợp tác quốc tế giữa giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

Ban Tổ chức cho biết: Di tích khảo cổ học Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) được phát hiện năm 1974. Đến nay Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt thám sát và khai quật.

Trải qua hơn ba thập kỷ bị “lãng quên”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đã “đánh thức” cụm di tích Bãi Cọi bằng các cuộc khai quật khảo cổ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, mang đặc trưng của 2 nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng. Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Vì vậy, di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời sơ sử ở Việt Nam, từ hơn 2.000 năm trước.

Di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời Sơ sử ở Việt Nam.Di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời Sơ sử ở Việt Nam.

Nội dung trưng bày đảm bảo tính khoa học, các hiện vật, tài liệu được lựa chọn kỹ mang tính điển hình, chứa đựng nhiều thông tin; hình thức trưng bày mang tính đa dạng, phong phú, hấp dẫn, có tính thẩm mỹ cao. Sử dụng phương tiện kỹ thuật tổng hợp, hiện đại và thủ pháp nghệ thuật, sắp xếp các hiện vật theo sưu tập loại hình, chất liệu; kết hợp với việc dàn dựng không gian tái hiện hiện trường khai quật nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, nhu cầu tuyên truyền, giáo dục di sản cho đông đảo công chúng.

Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là một quần thể mộ táng được phân bố trên một diện tích rộng lớn với 2 loại hình mộ chính là mộ chum và mộ huyệt đất được chôn xen kẽ. Điểm lý thú, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích Bãi Cọi là việc các mộ chum (Sa Huỳnh) chứa các hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn, ngược lại trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại không hiếm gặp các hiện vật mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh và cả hiện vật thuộc văn hoá đồ sắt Trung Quốc. Với vị trí, tính chất đặc biệt đó, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích Khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia.

MAI TRANG

 

Tin cùng chuyên mục