Phim về nghề giáo viên, tình thầy trò ấm áp cảm động

Chia sẻ

Trường lớp, thầy cô, tình cảm thầy trò luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những người làm nghệ thuật và có không ít những tác phẩm cảm động, khó quên ở mảng đề tài này.

Những người thầy đặc biệt

Điện ảnh thế giới có nhiều tác phẩm đáng nhớ về những người thầy đặc biệt, yêu nghề và tận tụy theo cách của riêng họ. Chẳng hạn, “Stand and Deliver” (Đứng lên và hành động) dựa trên câu chuyện có thật kể về thầy giáo dạy Toán Jaime Escalante, một giáo viên có tính cách “nổi loạn”, đã đương đầu với nhiều rào cản để biến những học sinh xuất thân từ tầng lớp lao động, tưởng như chẳng có gì để kỳ vọng nhiều, trở thành những học trò ưu tú nhất, có số điểm dự thi vượt ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người, đến mức các em học sinh bị nghi gian lận thi cử.

Hay “Dead Poets Society” (Câu lạc bộ thi ca) do diễn viên hài quá cố Robin Williams vào vai một giáo viên Ngữ văn phá bỏ mọi quy tắc thường thấy trong lớp học, khi thầy trò cũng đồng thời là bạn bè, khi giảng dạy về kiến thức cũng đồng nghĩa với bàn luận về cuộc đời.

Trong khi đó, hai tác phẩm của điện ảnh Ấn Độ đến giờ vẫn được nhiều người yêu thích, đó là “3 idiot” (Ba chàng ngốc - 2009) và “Like stars on earth” (Cậu bé đặc biệt - 2010).

Phim “Anh thầy ngôi sao”Phim “Anh thầy ngôi sao”

“3 idiot” có bối cảnh tại Học viện Cơ khí Hoàng gia ICE ở Delhi, kể về ba người bạn thân thiết với nhau ngay từ những ngày đầu bước vào trường. Họ gồm Farhan (R. Madhavan thủ vai) - người đam mê nhiếp ảnh nhưng phải học nghề kỹ sư theo nguyện vọng của cha; Raju (Sharman Joshi) - người phải học với mong muốn giúp gia đình thoát nghèo và Rancho (Aamir Khan) - anh chàng thông minh, tài năng và có niềm đam mê máy móc. Không chỉ được sống trong thế giới của tuổi trẻ, của đam mê, hoài bão, “3 idiot” còn là bản tình ca lãng mạn, những câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình và tình thầy trò.

“Like stars on earth” do Aamir Khan đạo diễn cũng về đề tài giáo dục, gửi gắm thông điệp “mọi đứa trẻ đều đặc biệt”. Bộ phim kể về cậu bé 8 tuổi Ishaan Awasthi bị chứng khó đọc, chứng bệnh vốn khá xa lạ đối với một đất nước như Ấn Độ. Ishaan từ bé đã có năng khiếu đặc biệt về hội họa nhưng chứng bệnh khó đọc cũng khiến cậu khó khăn trong việc học tập, chịu sự ghẻ lạnh từ gia đình, xã hội… cho đến khi cậu gặp thầy giáo hội họa Ram Shankar Nikumbh.

Nhắc tới đề tài trường học, thầy trò, khán giả cũng sẽ nhớ tới bộ phim truyền hình nổi tiếng “Glee”. Bối cảnh phim về một nhóm hát Glee ở một trường trung học tại Mỹ, nơi học sinh không chỉ đối mặt với các khó khăn trong học tập mà còn các vấn nạn như bị bắt nạt, bạo hành, mang thai khi còn đi học… Các vấn đề của học sinh và cách phản ứng của giáo viên với các vấn đề đó ra sao là điều mà các nhà làm phim muốn đề cập đến - khi đưa ra rất nhiều các khuôn mẫu giáo viên khác nhau. Bản thân các giáo viên cũng có các vấn đề cần đối mặt trong cuộc sống của họ. Bộ phim từng được Việt Nam làm lại năm 2017.

Nghề giáo viên trên màn ảnh Việt

Điện ảnh và truyền hình Việt cũng có những tác phẩm ấn tượng về đề tài giáo viên, tình thầy trò. Hai bộ phim truyền hình nổi tiếng được nhiều khán giả yêu thích có thể kể đến “Cầu vồng tình yêu” và “Chiến dịch trái tim bên phải”.

Trong đó, phim “Cầu vồng tình yêu” xoay quanh cô giáo trẻ Mộc Miên dạy môn Lịch sử xinh xắn, nhân hậu rất quan tâm học sinh. Bằng những bài giảng đầy tâm huyết, những cử chỉ nhẹ nhàng, ân cần, cô giáo Mộc Miên đã chiếm trọn cảm tình của rất nhiều sinh viên trong trường.

Mộc Miên yêu anh chàng giám đốc Minh Khang với kẻ kiêu ngạo, lạnh lùng. Tuy nhiên, tình yêu của hai người bị gia đình hai bên phản đối kịch liệt. Sau bao sóng gió, hai người vượt qua được mọi thử thách để đến với nhau. Bộ phim đánh dấu sự hợp tác của “cặp đôi màn ảnh” Hồng Đăng và Hồng Diễm.

Phim “3 idiot”Phim “3 idiot”

"Chiến dịch trái tim bên phải" của đạo diễn Đạo Duy Phúc là một bộ phim rất thú vị về học trò và giáo viên với những tình tiết hồn nhiên. Phim tập trung vào Hoài An (Hồ Ngọc Hà đóng) - một cô giáo trẻ mới về trường đã nhận được sự mến mộ của học sinh như một thần tượng. Thậm chí, các em học sinh còn lập một hội "hội những thành viên hâm mộ cô Hoài An". Đưa ra một cách giải thích dí dỏm về nhu cầu thần tượng vốn dĩ là nhu cầu tự nhiên của lớp trẻ, đây được cho là bộ phim hiếm hoi khai thác tốt đề tài học trò, tình cảm thầy trò.

"Thung lũng hoang vắng" và "Bao giờ cho đến tháng Mười" là hai tác phẩm điện ảnh Việt nổi tiếng về nghề giáo. Trong đó, "Thung lũng hoang vắng" của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang, kể về cuộc sống của hai cô giáo trẻ Giao và Minh đầy nhiệt huyết với các em học sinh vùng cao và ngôi trường có thầy Hiệu trưởng là thầy Tành. Thầy Tành yêu Giao, Giao lại đem hết trái tim mình giao cho anh chàng thăm dò địa chất, trớ trêu thay Minh lại thầm trộm thương mến thầy Tành. Đỉnh điểm của bộ phim khi học sinh Mị bắt gặp cảnh âu yếm giữa cô Minh và bạn trai. Và sự khó khăn của nhà trường khi các em học sinh nghỉ học hết, nhưng rồi sóng gió cũng qua, ngôi trường lại đông học sinh, các thầy cô hòa thuận với nhau hơn.

Còn, "Bao giờ cho đến tháng Mười" là một bộ phim tâm lý của đạo diễn Đặng Nhật Minh, xoay quanh nhân vật Duyên (diễn viên Lê Vân đóng) với nỗi đau khôn xiết là chồng hy sinh khi đi bộ đội, nhưng cô lại không muốn gia đình nhà chồng biết tin này đặc biệt là bố chồng đang bệnh nặng. Để an ủi bố chồng cô đã nhờ thầy giáo Khang viết thư cho ông như những bức thư của chồng cô. Nhưng không may chuyện không thể giấu kín cho đến khi bố chồng Duyên gọi điện bảo con trai về gặp ông lần cuối.

Thầy giáo Khang do diễn viên Hữu Mười đóng là một nhân vật để lại rất nhiều dấu ấn cho người xem về một người thầy giáo hiền lành, có tâm hồn sâu sắc. Bộ phim này cũng đưa tên tuổi của Hữu Mười tỏa sáng trong làng điện ảnh Việt Nam vào năm 1984.

Cả hai bộ phim "Thung lũng hoang vắng" và "Bao giờ cho đến tháng Mười" đều được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Một trong những tác phẩm điện ảnh về tình thầy trò giản dị và cảm động thời gian gần đây, có thể kể đến "Anh thầy ngôi sao" của đạo diễn Đỗ Đức Thịnh ra rạp năm 2019. Phim kể về Hoàng (Huyme) - chàng giáo viên thanh nhạc trẻ tuổi luôn nuôi mộng một ngày trở thành ca sĩ nổi tiếng nhưng sập bẫy kẻ gian, nợ nần. Anh chấp nhận đến Xóm Quí - một làng chài ngoài đảo xa - để giảng dạy.

Mới đến, Hoàng ngỡ ngàng bởi lớp học nghèo nàn và chỉ có… 5 học trò. Anh gặp những tình huống tréo ngoe bởi sự khác biệt cuộc sống ở thành phố với đảo xa. Tuy nhiên, quá trình thích nghi, Hoàng gắn bó và yêu mến các em học trò nhỏ đáng yêu. Anh cũng nhận ra tầm quan trọng của việc dạy học và ước mơ của mình có phần mù quáng. Anh trưởng thành hơn, suy nghĩ tích cực, sống ý nghĩa hơn.

Mỗi tác phẩm là một góc nhìn khác nhau mà khi xem lại, khán giả thấy nhớ về những ký ức đẹp tuổi trẻ, đồng thời ghi nhớ và trân trọng tình cảm, tâm huyết của những người thầy say mê trên con thuyền chở đạo.

NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.