Yêu nghề hơn tất cả và nỗi niềm riêng với nghiệp trồng người

Chia sẻ

Gắn bó và theo đuổi bộ môn múa từ thuở bé, NSND Kiều Lê luôn cháy hết mình với nghề, để sáng tạo thêm nhiều tác phẩm đặc sắc, đồng thời tiếp tục ươm mầm, nuôi dưỡng đam mê cho nhiều thế hệ học trò.

Chương trình Chương trình "Vũ điệu trên mây" tái hiện không gian văn hóa Tây Bắc do NSND Kiều Lê làm biên đạo múaChúng tôi gặp NSND Kiều Lê trong một buổi chiều mùa đông se lạnh, khi chị vừa kết thúc buổi dạy tại Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Người nghệ sĩ ấy đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu, trìu mến.

Vào thăm phòng làm việc của chị tại Khoa Múa, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chúng tôi ấn tượng với không gian ấm cúng, mùi thơm từ lọ hoa tươi, cây cảnh và rất nhiều bằng khen của nữ nghệ sĩ được treo ngay ngắn, trang trọng trên tường.

NSND Kiều Lê chậm rãi tâm sự với chúng tôi về chuyện nghề, về những trăn trở trong công tác đào tạo ươm mầm cho thế hệ trẻ có đam mê và mong muốn theo đuổi bộ môn nghệ thuật múa.Buổi tập luyện của sinh viên khoa MúaBuổi tập luyện của sinh viên khoa Múa (Ảnh: NVCC)

Dành trọn trái tim với nghề múa

NSND Kiều Lê vốn là con “nhà nòi”, sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật có bố là nghệ sĩ saxophone, mẹ là diễn viên múa. Ngay từ bé, chị đã có cơ hội tiếp xúc, tham gia nhiều chương trình văn nghệ. Chính vì vậy dòng máu nghệ thuật cứ từ từ ngấm sâu, nuôi dưỡng và bồi đắp niềm đam mê với múa của nữ nghệ sĩ. Khi lớn lên chị lại thêm yêu và quyết tâm gắn bó với nghề.

Kiều Lê tâm sự, khi bản thân quyết định theo đuổi bộ môn múa thì nhận được sự ủng hộ từ mẹ, nhưng bố lại không muốn chị theo con đường nghệ thuật đầy chông gai này vì sợ con gái phải khổ.

Thế nên người bố đã không ít lần ngăn cấm cô con gái nhỏ. Nhưng chị lại không hề nao lòng mà cố gắng thiết phục. Thậm chí Kiều Lê và bố còn có “bản cam kết” riêng trước khi đi học trường múa với nội dung: “Con đi học phải ngoan, học giỏi, vất vả phải vượt qua và đạt được mức độ nào đó với nghề chứ không bỏ ngang giữa chừng…”.

Lời cam kết ấy như một “cú hích” giúp NSND Kiều Lê có động lực, kiên trì và nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê. Chính quyết tâm dám sống chết với nghề đã giúp nữ nghệ sĩ không ngừng gặt hái được những thành công.

Tại Liên hoan múa quốc tế năm 2014 diễn ra ở Huế, tác phẩm múa “Cánh cò bay lả bay la” do Kiều Lê dàn dựng đoạt Huy chương Vàng, để lại ấn tượng sâu sắc với giới chuyên môn quốc tế.

Hay mới nhất là chương trình nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” được tổ chức ở Sa Pa (Lào Cai) do Kiều Lê biên đạo đã tạo được tiếng vang lớn, gây ấn tượng với người xem trong từng khoảnh khắc.

Những tác phẩm múa mà nghệ sĩ biên đạo đều lấy cảm hứng từ chất liệu cuộc sống con người, đặc trưng văn hóa ở những vùng đất mà chị đã đi qua, từ đó chọn lọc đưa vào những sáng tạo của mình. Bởi vậy mà hầu hết tác phẩm múa của NSND Kiều Lê đều mang hướng dân gian đương đại, đem lại cho khán giả cảm giác gần gũi, sống động như cuốn theo dòng chảy âm thanh và ngôn ngữ cơ thể của người diễn viên.

Người “nghiện” việc, “say” nghềCán bộ giảng viên trong khoa luôn cố gắng trau dồi bản thân để truyền đạt cho sinh viên những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiếtCán bộ giảng viên trong khoa luôn cố gắng trau dồi bản thân để truyền đạt cho sinh viên những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết (Ảnh: NVCC)

“Có lúc tôi dành thời gian cho công việc nhiều hơn cả cho gia đình, bởi làm nghệ thuật không giống với những công việc khác. Nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ phải toàn tâm toàn ý với nghề, bắt tay ngay vào công việc khi có ý tưởng hay nhiệm vụ. Nhưng ngược lại gia đình lại là hậu phương vững chắc, luôn ở phía sau ủng hộ và giúp tôi yên tâm trên con đường sáng tạo”, NSND Kiều Lê chia sẻ.

Vì đam mê, say đắm với nghề, NSND Kiều Lê tự nhận là người “nghiện” công việc, sẵn sàng đi bất kì bất kỳ đâu và sáng tạo bất kỳ lúc nào để phục vụ công việc.

Để gắn bó được với nghề, người nghệ sĩ đã phải đưa ra nhiều sự lựa chọn khó khăn. Thậm chí, có người phải đổ cả máu, mồ hôi nước mắt hay mang trong mình những vết thương lòng khó nói. Nhưng vì quá yêu, quá đam mê cuối cùng họ vẫn chọn cống hiến cho nghề.

“Có lần khi đang tập luyện với những động tác đưa mình lên cao, tôi đã bị ngã xuống đất do bạn diễn đuối sức vì trước đó biểu diễn nhiều tác phẩm. Tôi phải khâu nhiều mũi ở đầu gối, nằm viện khoảng 2 tuần. May mắn không bị nội thương bên trong. Trên người tôi có vô số vết thương thậm chí để lại sẹo. Tai nạn với nghệ sĩ múa là chuyện hết sức bình thường. Nhưng vì sự đam mê, người nghệ sĩ đều tự chữa lành hết mọi thứ”, NSND Kiều Lê trải lòng.

Chúng tôi được chị cho xem vết sẹo dài mãi không thể mất ở đầu gối mà sống mũi thấy cay cay. Cuộc đời người nghệ sĩ quả nhiên không chỉ là những hào quang trên sân khấu mà có cả quá trình tập luyện vô cùng cực khổ.

Tuy nhiên, nghệ thuật múa lại có quyền năng, quyến rũ mãnh liệt với người nghệ sĩ. Kiều Lê đến với múa vì đam mê, khát khao cháy bỏng được cống hiến. Người nghệ sĩ ấy đã trải qua bao nhiêu vất vả, khó khăn, tập luyện ngày đêm, trên người có vô số vết thương.

Người nghệ sĩ ấy còn canh cánh khôn nguôi nỗi lo “thất nghiệp”, khi hết tuổi biểu diễn, khi sức khỏe không đáp ứng nổi những đòi hỏi khắc nghiệt của nghề múa.

NSND Kiều Lê mỉm cười, nhẹ nhàng nói: “Khi đến với múa là đã có sẵn trong mình niềm đam mê mãnh liệt với nghề, yêu nghề hơn cả mạng sống. Nhiều khi tôi cũng khá nản lòng nhưng vẫn không thể nào “ly dị” nổi, thỉnh thoảng chỉ dám “ly thân”, cho mình những phút nghỉ ngơi ngắn ngủi để tái tạo lại công việc sáng tạo, đem đến cho công chúng những tác phẩm mới hơn và không muốn lặp lại chính bản thân mình”.

Khác so với vẻ ngoài nhẹ nhàng, mảnh mai, trong trái tim người nghệ sĩ ấy luôn hừng hực tình yêu với nghề, khát khao cống hiến cháy bỏng vì nghệ thuật.
Và mỗi ngày Kiều Lê tiếp tục nỗ lực không biết mệt mỏi, để tìm ra những đề tài, cách thể hiện mới mẻ để đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng.
Đau đáu nỗi niềm với nghiệp trồng người.Chân dung NSND Kiều LêChân dung NSND Kiều Lê (Ảnh: NVCC)

Gắn bó dưới mái trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội hơn 20 năm, NSND Kiều Lê, hiện là Chủ nhiệm Khoa Múa, đã giành được nhiều thành tích xuất sắc, ẵm nhiều giải thưởng đáng nể.

Với nghiệp sư phạm, nhiều năm dạy biên đạo múa, chị luôn tìm cách truyền cảm hứng, dạy học trò bằng chính những trải nghiệm thực tế của chính mình qua mỗi tác phẩm.

Và hơn bao giờ hết, nữ nghệ sĩ tài năng ấy vẫn luôn quan tâm, theo sát từng bước trưởng thành của biết bao thế hệ học trò.

“Tôi đảm nhận việc giảng dạy ở nhà trường từ ngay những ngày đầu tháng lập Khoa Múa. Và đến nay, công việc chính của tôi vẫn gắn liền với công tác đào tạo, giảng dạy các bạn sinh viên, diễn viên múa cũng như nghề biên đạo múa. Ngoài ra tôi tham gia sáng tác những tác phẩm phục vụ trong và ngoài quân đội.

Theo thời gian, nghệ thuật mỗi ngày sẽ phát triển và có sự thay đổi, đòi hỏi bản thân tôi phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Chính những chuyến đi trải nghiệm là cơ hội để tôi trau dồi bản thân từ đó tạo ra sự mới mẻ trong các tác phẩm”, NSND Kiều Lê chia sẻ.

NSND Kiều Lê cho biết, đằng sau những thành công trên sân khấu, cả người học đến giảng viên hướng dẫn phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách và cả những nỗi đau trong quá trình tập luyện.

Vậy nên, yêu cầu tiên quyết đối với sinh viên khi đến với bộ môn nghệ thuật múa là dám thử thách bản thân, không ngại khó, ngại khổ và giữ lửa được đam mê với nghề.

Theo NSND Kiều Lê, đối với công tác đào tạo, nghệ thuật múa luôn chú trọng vào kỹ năng nghề nghiệp. Bởi với nghề múa, mọi năng lực, kỹ năng đều biểu lộ một cách khách quan qua các động tác, kĩ thuật, phong thái và tư duy sáng tạo.
Vậy nên những người thầy, người cô phải lao động miệt mài, sát sao dìu dắt hàng ngày, hàng giờ rèn rũa tỉ mỉ cho các học trò. Thậm chí phải hướng dẫn từng thế tay, thế chân, từng chi tiết động tác, ngôn ngữ, nét biểu cảm trên khuôn mặt.

Hơn nữa, thầy cô giáo phải là “đầu tàu” dẫn dắt, là bằng chứng sống cho các học trò, giúp họ hiểu được rằng, chỉ có nỗ lực hết mình mới đạt được thành công trong nghề múa. Từ đó giúp sinh viên thêm tin yêu và gắn bó với nghề.
“Để truyền cho học trò lòng đam mê với nghề thì bản thân tôi cũng phải say mê, cháy hết mình với nghề. Bên cạnh đó, các thầy cô trong Khoa Múa luôn đặt mình vào vị trí của sinh viên để hiểu, yêu thương, đồng cảm chia sẻ và hiểu hoàn cảnh của học trò. Có như vậy công tác đào tạo mới thực sự hiệu quả”, NSND Kiều Lê cho biết thêm.

Mỗi năm, có nhiều học trò Khoa Múa ra trường, song một số em vẫn “bộn bề trăm ngả”, khi chưa tìm được nơi để cống hiến. Nhiều sinh viên múa phải xoay sở làm việc, từ chạy show ngắn hạn đến kinh doanh nhỏ lẻ vì gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” hay đối mặt với cạnh tranh, cám dỗ của xã hội.

“Đây vẫn luôn là nỗi lo của những người làm công tác đào tạo nghệ thuật như chúng tôi”, NSND Kiều Lê tâm sự. “Bởi vậy, những định hướng đúng đắn trong công tác đào tạo của nhà trường, của khoa sẽ là hành trang cần thiết giúp các thế hệ học trò có khả năng hội nhập và thích ứng với thực tiễn của đời sống xã hội khi ra trường”.

Lê Nhung, Trần Trang, Lò Toản

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.