Vợ... “khủng”!

Chia sẻ

“Cô làm đơn ly hôn ngay, tôi ký! Loại vợ như cô càng kéo dài thì càng thống khổ! Cái thằng tôi đã hết sức chịu đựng rồi!”... Hơn 20 năm lấy Thiện, anh Đông đã nhiều trận bức xúc, nhưng chưa bao giờ anh nổi trận lôi đình, kiên quyết đòi ly hôn như hôm nay...

Càng ngẫm, Đông càng chua chát thấy lời anh Hải (một người bạn vong niên hơn anh mấy tuổi) nhận xét ngay lần đầu tiên anh đưa Thiện đến giới thiệu chuẩn bị cưới: “Nàng này xinh đây. Nhưng Đông lấy nó là khổ cả đời đấy!”. Lúc ấy, tuổi trẻ, cũng có chút thành đạt trong công việc, yêu được nàng xinh như mộng, Đông bất chấp lời bàn ra tán vào. Anh còn cãi anh Hải: “Anh nhìn thế nào ấy chứ! Bố mẹ cô ấy cán bộ nhà nước, sống tốt tính lắm. Thì con cái cũng phải... được chứ!”. “Chưa chắc! Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” – anh Hải lắc đầu.

Thế rồi, ngay sau đám cưới linh đình ít hôm, thì cô vợ xinh như mộng của Đông đã “gây hấn” với mẹ chồng, làm Đông đau buốt ruột gan. Anh vốn là cục vàng của cha mẹ, và cha mẹ cũng là bảo bối của anh. Tình yêu cha mẹ trong lòng anh không gì có thể thay thế. Vậy mà cô vợ mới cưới của anh lại cao giọng chê mẹ ngay trước mặt anh là: “Bà già nhà quê, có bữa cơm mà nấu chả ra hồn, nấu thế thì ai ăn được!”. Mẹ anh đang xếp mâm cơm chuẩn bị cho cả nhà, ngừng tay nhìn con dâu, mắt bà đỏ hoe, chắc bà đang cố kìm lại giọt nước mắt, không muốn con trai nhìn thấy mẹ khóc. Đông thực sự sốc, anh lôi vợ ra phòng khách, nói nhỏ vào tai Thiện: “Sao em lại ăn nói với mẹ như thế!”. Ngược lại với thái độ không muốn to chuyện của chồng, Thiện lại la lối om sòm: “Em nói có gì sai? Hả? Bà nấu như cám lợn thế thì nhà anh ăn, chứ đây không ăn! Nhé!”. Bốp! Đông không kìm nổi cơn giận, anh tặng cô vợ mới cưới một cái tát nổ đom đóm mắt. Thế là Thiện lu loa om sòm. Mẹ anh vội vã lau khô nước mắt, chạy từ trong bếp ra can. Bà bênh con dâu, mắng con trai tội dám đánh vợ, dòng họ nhà anh không có chuyện đàn ông đánh vợ! Nhưng bất chấp mẹ chồng bênh vực, Thiện đùng đùng vơ mấy bộ quần áo, tuyên bố “Được, anh dám đánh tôi! Tôi từ bỏ nhà này từ hôm nay, nhé!”. Mẹ Đông chạy theo níu kéo, van xin con dâu nhưng Thiện nổ xe máy phóng thẳng.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đông không ngờ người anh cưới làm vợ lại là cô gái ghê gớm đến vậy. Nhưng thà cô ta xúc phạm anh, chứ không được xúc phạm mẹ anh! Đông quyết cho cô ta “dông thẳng”, thà ly hôn ngay khi mới cưới chứ không thể chung sống với loại đàn bà này. Thế mà, Thiện mới đi có 2 ngày thì mẹ anh ra sức ép anh phải đi đón vợ về. Bà bảo anh đánh vợ là sai rồi, cần xin lỗi thì cứ xin lỗi rồi đón người ta về. Đông thưa: “Con chả biết cô ta đi đâu ở cái Hà Nội này. Bố mẹ cô ta ở quê, chắc cô ta chả về đâu”. “Mẹ không biết, con phải đi tìm vợ con về”. Đông càng cảm phục tấm lòng bao dung của mẹ. Anh vâng dạ, nhưng trong bụng nghĩ: “Cứ từ từ, suy nghĩ đã. Việc gì mình phải xin lỗi. Để xem cô ta có về quỳ gối xin lỗi mẹ không đã”. Bất ngờ, ngày thứ 4, anh Hồng, bạn thân từ hồi đại học, đến tận cơ quan tìm Đông. Thì ra Thiện xách túi đến nương nhờ nhà vợ chồng Hồng. Vợ Hồng thương phận nữ nhi, nghe Thiện khóc “bị chồng và mẹ chồng vào hùa đuổi ra khỏi nhà”, nên ép chồng đến gặp khuyên Đông đón vợ về. Tuy nhận lời với Hồng, nhưng Đông vẫn cương quyết chưa đón vội, cứ để cô ta có bài học, cho đi đủ một tuần, anh mới đến nhà bạn xin đón vợ về.

Chuyện đó cuối cùng cũng chả đem lại cho Thiện bài học nào. Chỉ có Đông là sợ mẹ khổ tâm nên cứ nhịn vợ hơn nhịn cơm sống. Và mẹ anh lặng lẽ chuyển đến nhà anh trai của Đông. Mọi chuyện cũng tạm yên vì Thiện có nói lắm, có gây chuyện gì thì Đông cũng vẫn khắc ghi lời mẹ “Một sự nhịn chín sự lành!”, anh lại bịa thêm cho hài hước “Nhịn vợ mình chứ nhịn vợ người đâu mà lo”. Cuộc sống tạm ổn khi Thiện sinh cho anh cậu quý tử đẹp như tranh. Thằng bé lấy hết nét đẹp của 2 vợ chồng, nên Đông cũng tự hào khi ai gặp cũng khen thằng cu tý. Nhưng anh thì mải mê sự nghiệp, công việc cuốn anh đi vèo vèo, con trai anh chủ yếu lớn lên theo cách dạy dỗ của mẹ nó: ích kỷ, luôn coi mình là tâm của vũ trụ, đòi gì phải được nấy. Hễ anh nghiêm với con (để dạy nó nên người như cha mẹ anh vẫn dạy, và mấy anh em anh đều học hành thành đạt cả), thì Thiện bênh con chằm chặp. Thậm chí trước mặt anh hay sau lưng anh, Thiện đều chê bố nó chả ra gì. Lạ một điều là Thiện về nhà chồng với 2 bàn tay trắng, thế mà ngang nhiên chê chồng vô tích sự, chả biết kiếm tiền, chả biết chạy chức chạy quyền, trong khi bạn bè anh lên chức lên quyền ầm ầm, rồi khao hết giải thưởng to đến giải thưởng bé, bằng khen cấp nọ cấp kia. Thiện vốn chả bằng cấp gì, lên Hà Nội vớ được anh Đông tử tế, nên anh lo cho vợ học cái tại chức, rồi xin việc cho vào cơ quan, nhưng hễ mở mồm là Thiện chê chồng... dốt. Cu tý lớn lên với mặc định trong đầu về bố khá... kém cỏi, y như mẹ nó vẽ ra. Nó không hề biết rằng bố nó là một người tài năng, học hành đến nơi đến chốn, nhiều tài lẻ, bố nó không chạy chức nhưng vẫn có chức vụ về chuyên môn, bố nó còn thường xuyên trong hội đồng đi chấm các loại giải thưởng nữa... Rồi Thiện bỏ công việc hợp đồng mà chồng xin cho, ra ngoài kinh doanh. Nhờ uy tín của Đông và Thiện cũng “dẻo mỏ”, nói phét một tấc đến giời, nên việc kinh doanh cũng gặp thời. Thiện có chút tiền, càng coi thường chồng và ra sức chiều chuộng con giai, cô mua sắm cho con thời trang điệu đà như nghệ sĩ ngay từ bé. Đông lo con mải ăn diện sẽ không chí thú học hành, Thiện át luôn. Đông dạy con lễ nghĩa, thì Thiện chao chát: “Ôi dào, hiền quá hóa đụt như bố! Cứ tưởng báu lắm đấy”.

Vợ... “khủng”! - ảnh 2Ảnh minh họa

Đông trước đây nhịn vợ vì nể mẹ, nay lại cả nể vì thương con, nên anh lại tiếp tục nhịn vợ cho qua, trong lòng vẩn vơ lo nỗi “Con hư tại mẹ”. Cuối cùng thì nỗi lo ấy đã đến. Một lần Thiện mới mua được ô tô, bèn rủ chồng con đi siêu thị mua sắm. Khi Đông đang thay quần áo, thì nghe Thiện dặn con: “Hôm nay bố mày trả tiền, nên mày cứ mua thật nhiều. Mày thích ăn thịt bò với cá hồi thì cứ mua nhiều vào bỏ tủ đá ăn dần”. Đông chán chả thèm quan tâm. Nhưng không ngờ khi Thiện lái xe trong ngõ nhà đi ra, bị quệt cái gương xe vào tường, cô xót xa vì xe mới mà bị xước gương, cu tý ráo hoảnh nói mẹ: “Ngu dốt lại còn tinh vi”. Thiện tức quá vừa lái xe vừa mắng con té tát, nó lại “bồi” thêm: “Chả đúng còn cãi!”. Đông suýt thì bạt tai cho thằng con vì hỗn láo với mẹ, nhưng anh kìm lại vì thấy giọng nó với mẹ nó chả khác gì nhau, chắc gì nó đã có lỗi, lỗi chính ở cách dạy con của Thiện. Anh xót xa hiểu rằng, con anh đã trở thành bản sao của mẹ nó mất rồi. Vậy là anh nguy cơ bị mất “của để dành”!

Cái “bản sao” này mấy hôm nay bị cơ quan cho nghỉ một tuần để kiểm điểm vì lãnh đạo giao việc mà quên làm, do mải đi phượt với đám bạn quần bò rách lem nhem. Đông biết, đã gọi con vào nhắc nhở nó rút kinh nghiệm, không ngờ Thiện lại bênh con: “Thôi đi, nó được cho nghỉ một tuần càng được ngủ bù. Anh đừng có lên lớp nữa, để yên cho nó ngủ”. Thế là Đông lại... nhịn. Mà lạ là trong lòng anh không còn thấy tức nữa, vì nó đã nguội lạnh từ lúc nào. Từ lâu rồi anh thấy nản, thôi thì theo chủ nghĩa makeno (mặc kệ nó) cho nó nhẹ cái đầu vốn đã bị mấy tay cấp trên dạng “Xuân tóc đỏ” “đì” cho chán nản rồi, chả sức đâu mà về nhà còn đôi co với vợ con. Đông đang nhịn cái cơn tức về con, nó không thành đạt, không nỗ lực, không giỏi giang như con của bạn bè anh, thì thôi anh cũng chẳng dám đòi hỏi nó. Nhưng nó lười, nó nói dối như cuội, nó ham ăn ham chơi y như mẹ nó, chả thèm học hành tử tế, giờ cũng chả thèm làm việc cho nghiêm túc nữa thì tương lai nó sẽ đi về đâu? Mà anh chỉ có mình nó.

Anh đã đau đớn về con như thế rồi. Thế mà hôm nay, Thiện sồn sồn tuyên bố trước mặt mấy anh em ruột thịt của Đông, rằng: Cô sẽ tìm một “ông Tây”, kết hôn giả để ra nước ngoài nhập quốc tịch châu Âu hoặc Huê kỳ, để sau này tuổi già sẽ được hưởng lợi từ tiền trợ cấp nhờ xã hội văn minh của họ. Còn chồng thì cô sẽ “ly hôn giả” để lại cho trông coi khối tài sản, thu tiền cho thuê nhà, chứ cái loại vô tích sự như chồng cô thì chả trông mong gì được. Cô vanh vách vạch ra ý tưởng “hoang đường”, lòng tràn đầy sung sướng vì cô nghĩ ra tuyệt chiêu kiếm tiền chuẩn bị cho tuổi già hưởng thụ. Em trai của Đông không biết nói đùa hay nói thật: “Người như chị thì không nên chỉ lấy một ông Tây, mà nên lấy hẳn 2 ông. Rồi chị kiếm cho em một cô Tây mũi lõ, em cũng học theo chị, để vợ con ở đây, em đi bán cái thân này đem tiền về nuôi vợ con. Hê hê”. Thiện tưởng được em chồng tâng bốc nên cười phớ lớ. Cô không hề biết trong lòng Đông đau đến từng khúc ruột. Thì ra vợ chồng anh đồng sàng dị mộng hơn 20 năm mà hôm nay anh mới thực sự nhận ra. Vợ anh quá... khủng! Bởi thế, anh quyết định: Ly hôn! Càng sớm càng tốt!

TRẦN HÀ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.