Phố cổ nở hoa từ bàn tay Hội Phụ nữ

Chia sẻ

Không chỉ xây dựng tuyến phố hoa, những ngày nắng nóng, tiết trời hanh khô, lượng bụi đường tăng cao, các nhà mặt phố tuy bận kinh doanh buôn bán nhưng đều dành thời gian bắc dây, lấy nước, phun rửa vỉa hè.

Sáng thứ 7 cuối tuần, trong tiết trời se lạnh cuối thu đầu đông với sắc nắng hanh vàng đặc trưng, tôi tản bộ dọc theo những con phố cổ, có chữ đầu là “Hàng”: Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường… của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để cảm nhận vẻ đẹp của Thủ đô trong những ngày đẹp nhất của năm.

Trước mắt tôi là một bức tranh sinh hoạt đời thường sống động đa sắc mầu, các tầng lớp nhân dân từ bà con tiểu thương, các bác cựu chiến binh, nam phụ lão ấu phường Hàng Đào đang sôi nổi thi đua tổng vệ sinh, cọ rửa đường phố, khơi thông cống rãnh, hủy bỏ các vật dụng phế thải… góp phần xây dựng cảnh quan đô thị văn minh sáng - xanh - sạch - đẹp. Bà Lê Mỹ Hương - Chủ tịch Hội LHPN phường Hàng Đào, tổng chỉ huy buổi lao động cho hay: Đây là việc làm đã trở thành nền nếp của chị em phụ nữ phường diễn ra vào các buổi sáng “thứ 7 vì môi trường” hằng tuần; góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô, chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 90 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.

Lãnh đạo Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Đảng ủy phường Hàng Đào cùng cán bộ, hội viên Hội LHPN phường nghiệm thu công trình “Tuyến phố nở hoa”Lãnh đạo Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Đảng ủy phường Hàng Đào cùng cán bộ, hội viên Hội LHPN phường nghiệm thu công trình “Tuyến phố nở hoa”

Không khí lao động “thời Covid-19” có đặc thù riêng, ai cũng đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe cho mình và cả cộng đồng. Thái độ lao động hoàn toàn tự giác, xuất phát từ tình yêu Hà Nội, “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, ngôi nhà của mình. Cụ già đôi tay gân guốc với chiếc chổi tre miệt mài quét rác. Các em nhỏ hò nhau bóc xóa rác tường, cánh thanh niên thu gom rác thải. Các bà, các chị sắp đặt cho đẹp mắt thùng rác trước cửa mỗi số nhà tạo thuận tiện cho khách vãng lai để rác thải, không vứt rác bừa bãi ra đường. Nói như bà Trịnh Thị Nhung - Chi hội trưởng phụ nữ Hàng Ngang là để thực hiện mô hình “không có rác trong giờ hành chính”, nâng cao chất lượng đoạn đường phụ nữ tự quản. Các bà, các chị vừa làm vừa râm ran trò chuyện: chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện chồng con, chuyện phòng dịch, cả chuyện thời sự trong và ngoài nước, phá đi cái rào cản vô cảm chỉ biết “Đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, hình thành một tình làng, nghĩa xóm rất nhân văn, mỗi người vì mọi người.

Tôi dừng lại ở phố Hàng Ngang, trước ngôi nhà 48 “địa chỉ đỏ”- Di tích lịch sử văn hóa - nơi Bác Hồ từng ở trước Cách mạng tháng Tám để viết bản “Tuyên ngôn Độc lập” bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các bạn thanh niên, động phục mầu xanh đang cùng nhau giải quyết một sự cố phát sinh: Nạo vét bùn, rác “giải phóng” vũng nước để không ảnh hưởng tới việc đi lại của “khách phương xa đến lạ lùng tìm xem”. Nhìn những bộ quần áo lấm lem bùn đất của các các cháu, nhất là nụ cười vui “nối vòng tay lớn”, chúc mừng thành công một việc làm tốt, tôi bỗng nhớ tới thời “thanh niên sôi nổi” của mình. Khi đó, đất nước còn chiến tranh, chúng tôi tự hào đã có những “ngày Chủ nhật lao động cộng sản chủ nghĩa” trên các công trường Công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, đường Thanh Niên… để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bà Nguyễn Thị Duyên vừa đi tập huấn tại công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - chi nhánh Hoàn Kiếm về, đang phát túi nilon đặc chủng cho các hộ dân, tranh thủ hướng dẫn chị em cách phân loại rác lưu chứa trong gia đình: rác thải nguy hại (rác y tế) bỏ vào thùng mầu vàng, có loại rác có thể tái chế được để riêng và bán lại lấy tiền gây quỹ Hội, làm việc thiện, giúp đỡ cho chi em còn khó khăn. Một việc làm thật bổ ích, phục vụ thiết thực cuộc sống. Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch đã đi vào cuộc sống. Đó là kim chỉ nam, phương hướng hành động của chị em phụ nữ phường Hàng Đào.

Các nhà hàng đã mở cửa. Các bà, các chị thay bộ áo dài truyền thống của người Tràng An - Hà Nội tươi cười mời chào khách hàng. Ngước lên ban công mỗi nhà tôi lại phát hiện “Tuyến phố nở hoa” đầy màu sắc và lãng mạn. Những cột đèn trước cửa nhà được sơn đen bỗng mất đi sự khô cứng trở nên mềm mại, đẹp hơn khi được các bà, các chị biến thành “cây hoa” đầy màu sắc nhờ những giỏ hoa tươi trang trí. Ngoài ra, trên ban công các ngôi nhà, mỗi gia đình tối thiểu trồng và chăm sóc một chậu hoa. Nhà trồng hoa cúc trắng, hoa cúc vàng; nhà trồng hoa hồng; nhà hoa giấy… đẹp mắt, sinh động.

Không chỉ xây dựng tuyến phố hoa, những ngày nắng nóng, tiết trời hanh khô, lượng bụi đường tăng cao, các nhà mặt phố tuy bận kinh doanh buôn bán nhưng đều dành thời gian bắc dây, lấy nước, phun rửa vỉa hè. Cánh nam giới cầm dây, đưa nước tràn mặt đường; chị em cầm chổi cọ rửa, quét nước, thu gom rác đúng nơi quy định, không để rác theo nước xả xuống cống gây tắc dòng chảy. Chỉ một hành động nhỏ và tự giác như vậy, cứ chiều đến, đi trên những vỉa hè được đầu tư lát gạch sáng bóng, ai đi qua phố đều cảm nhận được sự sạch sẽ, mát mẻ và hiếu khách. “Tuyến phố nở hoa” không chỉ thay đổi diện mạo, làm cho phố cổ rêu phong cổ kính trở nên sáng - xanh - sạch - đẹp mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa gia đình, gắn kết cộng đồng dân cư.

LÊ SỸ TỨ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.