Xúc động những tấm gương thầm lặng giữa đời thường

Chia sẻ

Họ là những tấm gương sáng thầm lặng, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình đang hằng ngày chăm lo cho cộng đồng xã hội, cho những người yếu thế, thiệt thòi hơn trong cuộc sống, không đòi hỏi điều gì lớn lao ở xã hội.

Ông Nguyễn Trung Chắt cùng 10 người con của mình tại Lễ Tuyên dươngÔng Nguyễn Trung Chắt cùng 10 người con của mình tại Lễ Tuyên dương (Ảnh: Mạnh Dũng)

Rưng rưng cuộc gặp gỡ của “người cha già” và những người con

Ông Chắt là cựu chiến binh đã về hưu nhưng luôn ấp ủ mong ước được giúp đỡ những đứa trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Từ năm 2002 đến nay, ông mở 3 trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dạy trẻ mồ côi, trong đó có 2 trung tâm ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên và một trung tâm ở tỉnh Lạng Sơn. Trong suốt 18 năm, ông đã nhận 292 đứa trẻ mồ côi về nhà nuôi dưỡng. Nhờ sự chăm sóc tận tâm của ông, nhiều đứa trẻ đã thành tài. Trong đó, 177 em đã trưởng thành, học cao đẳng, đại học, thạc sĩ.

Tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, những đứa trẻ đều có hoàn cảnh đặc biệt. Ông coi tất cả như những đứa con của mình và nuôi dạy đến hết lớp 12 hoặc 18 tuổi. Tùy vào khả năng của các cháu, ông tiếp tục nuôi học cao đẳng, đại học, còn lại, ông cho học nghề. Khi nhận những đứa trẻ về nuôi dưỡng, ông cố gắng giáo dục để các con lớn lên thành người tử tế, có ích cho xã hội.

Tại Lễ tuyên dương Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 28/11, cuộc gặp gỡ bất ngờ của ông Nguyễn Trung Chắt (quận Ba Đình, TP. Hà Nội) với những người trẻ mồ côi mà ông nhận về chăm sóc, nuôi dưỡng khiến cả hội trường rung rung nhỏ lệ.

Gặp lại “người cha già” của mình, những đứa trẻ trưởng thành từ ngôi nhà Mái ấm hi vọng nghẹn ngào tặng “người cha già” một chiếc áo sơ mi cùng những lời cảm ơn sâu sắc: “Chúng con vui sướng khi được bác sắm cho từ đôi tất, áo ấm mùa đông, nhưng lại quên nhìn lại bác vẫn chỉ mặc một chiếc áo cũ bạc màu…” - chàng thạc sỹ rưng rưng nói.

Lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp

Tại buổi lễ Tuyên dương Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ sự tri ân với 400 người được tôn vinh tại buổi lễ. Đồng thời khẳng định, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu thương nồng ấm của người Việt Nam luôn lan tỏa trong cộng đồng. Dịch bệnh Covid-19, bối cảnh thiên tai, bão lũ kinh hoàng vừa qua, lòng tốt, tinh thần thiện nguyện trong xã hội càng được khơi lên và lan tỏa.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Hơn 400 tấm gương tiêu biểu thầm lặng vì cộng đồng được tuyên dương là những thầy giáo, cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Họ là những người đã tự nguyện hiến tặng cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm người già có hoàn cảnh neo đơn, không nơi nương tựa; những người khuyết tật, người bị di chứng chất độc da cam.

Đó là ông Hồ Văn Thương, 24 năm qua đã tận tâm tận tụy chăm lo cho hơn 4.000 phần mộ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ của huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Đó là bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, đang tổ chức và duy trì việc nuôi hàng tháng 68 trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam và mở quán cơm từ thiện Nghĩa Tình, phục vụ miễn phí cho người nghèo khó, nạn nhân da cam, người tàn tật, bệnh nhân nghèo tại thành phố Vũng Tàu với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Hay như ông Bùi Công Hiệp, phường Long Phước, quận 9, TP Hồ Chí Minh là một cựu binh tình nguyện cùng gia đình hơn 10 năm qua đã nuôi dạy hơn 100 trẻ bị bỏ rơi…

“Các đại biểu gặp mặt là biểu tượng cho đức hy sinh, lòng bao dung, tình nhân ái; là mạch nguồn nuôi dưỡng, ngọn lửa thuần khiết sưởi ấm và giúp hiện thực hóa ước mơ hạnh phúc của những mảnh đời bất hạnh” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.