Hội tụ tinh hoa Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng

Chia sẻ

Lần đầu tiên, Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu kết nối kinh tế, văn hoá, du lịch; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Hà Nội và 10 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), mang tên “Hà Nội Kết nối – Vươn xa”, với sự chủ trì thực hiện của Hội LHPN thành phố Hà Nội.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình.Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình.

Lãnh đạo trung ương, thành phố Hà Nội tặng hoa, cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia chương trìnhLãnh đạo trung ương, thành phố Hà Nội tặng hoa, cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia chương trình. 

Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (áo dài tím), đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực thành ủy (thứ 2 từ phải sang) và đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tham quan gian hàng gốm Vạn An Lộc.Đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (áo dài tím), đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực thành ủy (thứ 2 từ phải sang) và đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tham quan gian hàng gốm Vạn An Lộc.

Chương trình không chỉ góp phần thúc đẩy phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; mà còn tôn vinh các giá trị truyền thống, khẳng định tiềm năng, sức sáng tạo, những đóng góp tích cực của phụ nữ Thủ đô và các tỉnh thành vùng ĐBSH trên các lĩnh vực.

Những phụ nữ không chịu cam phận

Trong 3 ngày (từ 26 đến 29/11), tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ, không gian phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm trong khuôn khổ Chương trình “Hà Nội Kết nối – Vươn xa”, đã trưng bày 70 gian hàng của thành phố Hà Nội cùng các tỉnh thành vùng ĐBSH, giới thiệu quảng bá văn hoá truyền thống của Thăng Long - Hà Nội qua các sản phẩm du lịch, dịch vụ, sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Hà Nội và các tỉnh vùng ĐBSH. Hầu hết các gian hàng đều trưng bày các sản phẩm kinh doanh do hơn 100 doanh nhân nữ làm chủ.

Cùng với sự phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam đã và đang thể hiện được vai trò to lớn của mình trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, vươn lên làm chủ kinh tế. Hà Nội không nằm ngoài sự sôi động ấy, khi ngày càng có nhiều phụ nữ Thủ đô tự tin, hăng hái tham gia vào phong trào khởi nghiệp, không những tạo thành một “làn sóng” khởi sự kinh doanh lan tỏa mạnh mẽ, mà còn góp phần đẩy lùi bất bình đẳng giới.

Chị Lưu Thị Đào, Giám đốc công ty CP phát triển Ong miền núi (Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội) đã “chèo lái” con thuyền của mình được 16 năm. Gắn bó gần 20 năm ở công ty Ong trung ương, trăn trở trước sự chuyển đổi của thời cuộc, chị quyết định bứt phá khỏi sự ổn định để khởi nghiệp với đam mê làm mật ong.

Chọn khai thác mật ong từ nguồn hoa đặc sản của các tỉnh miền núi phía Bắc, đến nay sản phẩm của công ty đã được đưa vào một số khách sạn 5 sao trên cả nước và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, có showroom riêng để giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, sản phẩm phấn hoa của công ty đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và một số thị trường nước ngoài khác. Để có sản phẩm phong phú, chị Đào đào tạo cho người nông dân nuôi ong và đầu tư con giống để họ làm việc một cách chuyên nghiệp.

Quá trình khởi nghiệp của người phụ nữ này trải qua rất nhiều gian nan, bởi chị gần như phải mày mò tự kiếm những viên gạch đầu tiên để xây dựng. Gia đình hai bên đều hết sức phản đối chị khởi nghiệp và còn cho rằng, chị tham vọng quá, nên biết an phận ở nhà chăm sóc hai con, hài lòng với công việc và có thời gian cho gia đình.

Nhưng, chị Đào còn có một điểm tựa vững chắc từ người chồng làm nghiên cứu khoa học, “hỗ trợ” vợ rất đắc lực trong tư vấn, tìm hướng đi cho chất lượng sản phẩm. Sau gần 20 năm gây dựng, đến nay doanh nghiệp của chị Đào có gần 20 lao động với 90% là nữ, thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng.

“Tôi nhận thấy, phần lớn phụ nữ khởi nghiệp lựa chọn quy mô vừa và nhỏ dễ quản lý hơn, tuy nhiên không có nghĩa là “làm nhỏ thì ăn nhỏ”. Bởi hiện nay, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước rất phong phú và ngày càng có nhiều chương trình hỗ trợ, xúc tiến thương mại được mở ra, là sân chơi sôi động để các nữ chủ doanh nghiệp mang sản phẩm đến với khách hàng. Chị em nếu có đam mê, hãy mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, thoát khỏi tư tưởng lạc hậu của bất bình đẳng giới, góp phần đưa hàng Việt Nam có chỗ đứng vững chắc hơn trong niềm tin của người tiêu dùng”- chị Đào bày tỏ.

Với tuổi đời còn rất trẻ, chị Vũ Như Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Gốm Vạn An Lộc, xóm 3 xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm được xem là người con thổi hồn cho dòng gốm đắp nổi Bát Tràng của quê hương. Bằng tâm huyết và sức sáng tạo mới mẻ, chị đã ứng dụng kỹ thuật đắp nổi 3D, 4D để tạo ra dòng gốm đắp nổi theo lối tả thật, mỗi tác phẩm là một câu chuyện với các họa tiết tinh xảo, tỉ mỉ thể hiện sự tài hoa của những người thợ Bát Tràng trong từng sản phẩm.

Sau khi tốt nghiệp ngành Thời trang của trường đại học Mỹ thuật công nghiệp và hơn 2 năm theo nghề thời trang, chị Quỳnh quay về gắn bó với nghề gốm. Bằng những kiến thức đã học được, kết hợp với những kinh nghiệm được đúc kết qua bao đời làm gốm của gia đình, chị Quỳnh đã tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo ra các tác phẩm gốm đắp nổi ứng dụng công nghệ 3D, 4D với màu sắc hài hòa, chi tiết tỉ mỉ, tinh tế.

Để hiện thực hóa từ ý tưởng đến sản phẩm là một quãng thời gian khá dài thử nghiệm để làm sao các họa tiết đắp nổi trên gốm khi nung không bị nứt, không bị co ngót biến dạng sản phẩm, tạo ra các dòng gốm đắp nổi chất lượng cao, kết tinh tài hoa, nghệ thuật và sự sáng tạo của những người thợ Bát Tràng.

Đến nay sau 5 năm phát triển thành công dòng gốm đắp nổi 3D, mỗi năm Công ty gốm Vạn An Lộc cung cấp ra thị trường khoảng 4.000-5.000 sản phẩm chất lượng cao với họa tiết hoa văn tỉ mỉ, chi tiết sử dụng men rạn gia truyền, màu sắc nổi bật với hoa văn tinh xảo đặc trưng của gốm Bát Tràng. Hiện nay, sản phẩm của công ty được tiêu thụ qua hơn 30 đại lý trong cả nước và hướng tới thị trường xuất khẩu. Năm 2018, sản phẩm “Gốm thết bằng quỳ vàng, đắp nổi cao cấp” do chị Quỳnh thiết kế là 1 trong 30 sản phẩm sáng tạo được Hội LHPN TP Hà Nội vinh danh sản phẩm sáng tạo. Sản phẩm đã góp phần gìn giữ và phát triển thương hiệu gốm của Làng nghề truyền thống Bát Tràng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trẻ, góp phần đưa thương hiệu Bát Tràng bay cao và vươn xa trong nước và trên trường quốc tế.

Tầm nhìn, khát vọng cùng nhau vươn xa của Phụ nữ Thủ đô

Không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người’; là “Thành phố vì hoà bình” và nay là “Thành phố sáng tạo”. Bởi vậy, khát khao của Hà Nội chính là vươn lên, phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đó cũng là khao khát phát triển của phụ nữ Thủ đô.

Đông đảo người dân Thủ đô tham quan và mua sắm tại các gian hàngĐông đảo người dân Thủ đô tham quan và mua sắm tại các gian hàng

Lần đầu tiên tổ chức và chọn chủ đề “Hà Nội Kết nối – Vươn xa”, theo Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh, chương trình mang ý nghĩa tầm nhìn, khát vọng của Phụ nữ Thủ đô. “Chương trình nhằm tạo sự kết nối giữa phụ nữ Hà Nội và phụ nữ các tỉnh vùng ĐBSH để hỗ trợ chị em quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp nữ vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19. Từ đó, Hội LHPN Hà Nội mong muốn tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa Thủ đô với các tỉnh/thành vùng ĐBSH và nhiều tỉnh thành nữa trong cả nước, cùng thực hiện khát vọng vươn lên”.

Năm 2020, Hà Nội đạt được một số chỉ tiêu ấn tượng, có thể kể đến như: tăng trưởng GRDP 3,94% (cao gấp khoảng 1,5 lần mức tăng của cả nước); thu hút đầu tư trên 4 tỷ USD; trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên trên 322.000 doanh nghiệp. Tính đến cuối năm 2020, toàn thành phố có 10 huyện, 368 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,3%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra; 23 xã nông thôn mới nâng cao, trở thành địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Trong Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn thành phố đã có 1.000 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra, chiếm 41% tổng số sản phẩm của cả nước. Đạt được những thành tích ấn tượng trên có đóng góp quan trọng của các cấp Hội Phụ nữ và các tầng lớp phụ nữ Thủ đô với nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều sản phẩm có giá trị.

Hiện nay, Hà Nội cũng như các tỉnh/thành có rất nhiều mô hình, cách làm hay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Đến với chương trình này, rất nhiều sản phẩm đặc trưng của Hà Nội và vùng ĐBSH được giới thiệu tới đông đảo người dân Thủ đô. Sự kết nối đầy màu sắc này đã vượt xa một chương trình giới thiệu sản phẩm, mà trở thành một không gian văn hóa, động lực để thúc đẩy, hỗ trợ chị em có sáng kiến, sáng tạo vươn lên, giúp chị em phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Tôi trân trọng cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của 10 tỉnh thành ĐBSH, họ đã mang đến và cùng với Hà Nội tạo nên một chương trình thành công, tầm cỡ ngay từ lần đầu tiên tổ chức” - bà Lê Kim Anh cho biết.

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý và nhấn mạnh: Hà Nội với vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, cần huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thực sự là động lực phát triển của vùng ĐBSH, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước… Giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá.

“Hội LHPN Hà Nội luôn lấy đây là mục tiêu để xác định rõ từng hướng đi, chương trình “Hà Nội Kết nối – Vươn xa” được thực hiện dựa trên tinh thần chỉ đạo đó. Với những ý nghĩa đó, tôi đánh giá chương trình đã thành công tốt đẹp và mở đầu cho nhiều sự kết nối – vươn xa hơn nữa của Hà Nội trong tương lai”- bà Lê Kim Anh bày tỏ.

Đánh giá cao công tác chủ trì thực hiện của Hội LHPN Hà Nội, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Sự kiện của Hội LHPN Hà Nội có ý nghĩa rất quan trọng, không những giao lưu, kết nối vùng miền, mà còn thể hiện tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. UBND TP đánh giá cao sự hợp tác của Hội LHPN Hà Nội với các tỉnh/thành, rất trân trọng tình cảm hợp tác này và mong rằng chúng ta sẽ cùng nhau chung tay vượt qua những khó khăn trước mắt của đại dịch Covid-19.

“Sự kiện hôm nay chứng tỏ vai trò của phụ nữ là cực kỳ quan trọng, sản phẩm của chị em thu hút khách hàng, bán rất chạy, rất hợp thời và chất lượng cao, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách Thủ đô về hình ảnh người phụ nữ Ba đảm đang thời kỳ mới, cho thấy chị em không hề thua kém nam giới trên bất cứ lĩnh vực nào. Chúng tôi hy vọng thời gian tới Hội LHPN và các tầng lớp phụ nữ sẽ phát huy tinh thần này và làm nên nhiều thành tựu hơn nữa” - ông Lê Hồng Sơn tin tưởng.

Bài học hay để Hội LHPN các tỉnh/thành noi theo

Hưng Yên là một tỉnh thuần nông. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền địa phương, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các ngành nghề chuyển sang hướng dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và trồng các cây có múi, vật nuôi có kinh tế cao. Các cấp Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức rất nhiều hoạt động hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, từ tập huấn nâng cao kiến thức đến hướng dẫn kỹ năng vận dụng khoa học kỹ thuật, cho vay vốn, giới thiệu việc làm...

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên cho biết: “Chúng tôi tổ chức các cuộc trưng bày sản phẩm, kết nối với các tỉnh bạn, thành lập các mô hình kinh tế tập thể để chị em có được môi trường năng động để làm ăn, tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn còn nhiều trắc trở, dù chị em đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp hơn trước rất nhiều. Chị em còn hạn chế về nhiều điều kiện để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, người tiêu dùng còn e dè với hàng Việt. Việc xây dựng giá trị sản phẩm theo chuỗi còn hạn chế bởi chưa có nhiều sự kết nối. Bởi vậy, đến với chương trình “Hà Nội Kết nối – Vươn xa”, chúng tôi xem đây là một cơ hội thuận lợi để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm những tiềm năng, cơ hội giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế, tìm hướng đi kinh doanh đúng đắn trong tương lai”.

Đến với chương trình “Hà Nội Kết nối – Vươn xa”, các nữ doanh nhân đến từ Hội LHPN TP Hải Phòng mang đến những đặc sản để quảng bá như: cá mòi kho (huyện Kiến Thụy), gạo nếp cái hoa vàng (huyện Tiên Lãng), cùng các sản phẩm tẩy rửa và áo dài thêu hoa thủ công của Hội Nữ doanh nhân.

Đồng chí Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hải Phòng chia sẻ: Các cấp Hội LHPN TP đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó coi trọng việc ứng dụng công nghệ 4.0 để nâng cao chất lượng và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

“Người phụ nữ thường phải chịu áp lực để cân bằng giữa công việc và gia đình. Họ chỉ dành được một nửa thời gian để lo cho sự nghiệp, bởi vậy, vất vả và gian nan hơn nhiều so với nam giới. Nhận thức được điều đó, chúng tôi luôn tìm tòi, kêu gọi sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức để giúp đỡ chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp. Chương trình “Hà Nội Kết nối – Vươn xa” do Hội LHPN Hà Nội chủ trì chính là một bài học mà các cấp Hội LHPN Thủ đô đã đi trước thực hiện, để Hội LHPN các tỉnh bạn nói chung và Hải Phòng nói riêng học tập và làm theo, hướng tới một cộng đồng phụ nữ năng động, tự tin và chung tay vươn lên làm chủ cuộc sống”- bà Liên bày tỏ.

Khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế và tạo việc làm không phải là chuyện của riêng địa phương nào hiện nay. Trong khi đó, phụ nữ - một nửa của thế giới - là tiềm lực khởi nghiệp, phát triển kinh tế rất lớn. Sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ kịp thời của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, cùng những chương trình như “Hà Nội Kết nối – Vươn xa” chính là cơ hội vàng chắp cánh cho những đam mê, ước mơ khởi nghiệp, phát triển kinh tế của người phụ nữ được bay cao, bay xa!

QUỲNH ANH

Ảnh: HÒA NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.