Nguyên nhân bệnh tiểu đường ở Trung Quốc trẻ hoá nhanh nhất thế giới

Chia sẻ

Tong Xiaolin, bác sĩ nội tiết của bệnh viện Quảng An Môn thuộc Học viện Khoa học Y tế Trung Quốc, trích dẫn số liệu thống kê của International Diabetes, cho biết: Trung Quốc hiện có số lượng bệnh nhân tiểu đường lớn nhất trên toàn thế giới, với hơn 116 triệu người từ 20 đến 79 tuổi mắc căn bệnh.

Hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ tuổi tại Trung Quốc mắc bệnh tiểu đường. Zhang Qiumei, một nữ bác sĩ nội tiết có trụ sở tại Thiên Tân, nói rằng, hồi những năm 1990, hầu hết bệnh nhân tiểu đường có độ tuổi trên 50 tuổi, nhưng ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh.

Ông Weng Jianping, phó chủ tịch bệnh viện liên kết đầu tiên thuộc đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, chia sẻ: “Số lượng bệnh nhân tiểu đường ở độ tuổi dưới 40 đang tăng nhanh chóng, với tỷ lệ cao tới 5,9%. Điều đáng lo ngại hơn là chúng ta có một lượng lớn dân số tiền tiểu đường. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính và đột quỵ”.

Bác sĩ Zhang nhấn mạnh rằng, thách thức lớn mà bệnh nhân tiểu đường phải đối mặt là kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể suốt đời. Cô nhớ lại câu chuyện đau lòng về một cậu bé 15 tuổi mắc bệnh tiểu đường loại 2, cuối cùng đã bị mất thị lực do kiểm soát lượng đường trong máu kém. So với bệnh tiểu đường loại 1, bệnh tiểu đường loại 2 thường được coi là bệnh do lối sống. Sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng trong những thập kỷ qua đã dẫn đến sự thay đổi lối sống ở người Trung Quốc. Họ ít vận động hơn và tiêu thụ nhiều năng lượng với chế độ ăn nhiều chất béo. Các bác sĩ lưu ý rằng béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh, căng thẳng quá mức và lo lắng mãn tính là một trong số các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tiểu đường. Đây cũng là những vấn đề nổi cộm trong lối sống của người trẻ thời nay.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đườngCác dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường

Ông Weng nói: “Mọi người ở các độ tuổi, trình độ học vấn và nghề nghiệp khác nhau có cách hiểu khác nhau về bệnh tiểu đường loại 2. Vì vậy, cần nỗ lực phối hợp từ tất cả các bên, bao gồm các tổ chức xã hội, truyền thông và bác sĩ, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh này. Các chuyên gia kêu gọi những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nên đi tầm soát sớm tại các bệnh viện và người bệnh tiểu đường nắm vững hơn các kỹ năng quản lý bản thân và thực hiện lối sống lành mạnh”.

Luo Yingying, bác sĩ của bệnh viện Nhân dân đại học Bắc Kinh cho biết: “Phát hiện và điều trị sớm là chìa khóa để kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng”. Bệnh nhân Liu Jing, cô gái mắc tiểu đường khi mới 18 tuổi do chế độ ăn không lành mạnh, thích ăn đồ ngọt, cũng đã dần học cách chấp nhận căn bệnh của mình: "Đồng xu nào cũng có hai mặt. Một lối sống lành mạnh là lộ trình của tôi để kiểm soát bệnh tiểu đường".

Hơn 30 năm trước, các bác sĩ ở thành phố Đại Khánh, miền Bắc Trung Quốc đã bắt đầu một nghiên cứu tiên phong về việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2, một căn bệnh mà sau đó được cho là ảnh hưởng đến khoảng 1% người Trung Quốc. Khi các bác sĩ, học giả và quan chức được triệu tập ở Đại Khánh vào mùa thu 2020 để thảo luận về các kết luận và thúc đẩy công tác phòng ngừa, họ phải đối mặt với một thực tế rất khác. Khoảng 11% người trưởng thành Trung Quốc hiện mắc bệnh này, gần bằng tỷ lệ này ở Mỹ và gấp đôi ở Anh. Bệnh tiểu đường tuýp 2 đang trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu, nhưng trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh này đang tăng nhanh nhất ở Trung Quốc.

Bệnh tiểu đường là một chứng rối loạn chức năng điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể. Loại 1 hiếm gặp và thường xuất hiện sớm trong cuộc đời, được kích hoạt bởi các yếu tố chưa được hiểu rõ (có thể do di truyền). Bệnh có thể giết người nhanh chóng trừ khi được kiểm soát bằng cách tiêm insulin hàng ngày. Loại 2 phổ biến hơn nhiều, chiếm hơn 90% các trường hợp trên toàn thế giới. Nó có xu hướng phát triển ở người lớn, đặc biệt ở những người thừa cân hoặc không tập thể dục nhiều. Bệnh thường có thể được kiểm soát bằng thuốc viên và thay đổi lối sống. Cả hai loại nếu không được điều trị tốt có thể gây ra các biến chứng như tổn thương nội tạng, mù lòa, đột quỵ và đau tim.

NGUYỄN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.