Giấc mơ hạnh phúc đã trọn vẹn

Chia sẻ

Họ là gần 50 cặp vợ chồng khuyết tật, có cặp vừa mới bước vào cuộc sống hôn nhân, lại có cặp đã nên nghĩa vợ chồng đến gần 30 năm, nhưng đều có một điểm chung: chưa một lần được làm đám cưới. Giấc mơ tưởng như xa vời ấy, nay đã thành sự thật. Các cô dâu, chú rể được làm lễ cưới tập thể nghẹn ngào trong hạnh phúc.

Chiều ngày 6/12, lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” dành cho các đôi khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn diễn ra tại Hà Nội. Chương trình do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LHPN Việt Nam) phối hợp Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Phụ nữ (Hội LHPN Hà Nội) tổ chức.

Từ sáng sớm, gần 50 cặp cô dâu, chú rể tất bật sửa soạn cho ngày trọng đại. Các cặp đôi tham dự ở độ tuổi 18-55, nhiều cặp vợ chồng đăng ký kết hôn đã lâu mà chưa có điều kiện tổ chức đám cưới. Họ được ban tổ chức trợ giúp chụp ảnh cưới, chuẩn bị trang phục. Lễ cưới tập thể của các đôi được thực hiện đầy đủ theo nghi lễ truyền thống trong sự chứng kiến của gia đình, bạn bè. Nhiều người con có mặt trong ngày vui của cha mẹ.

Ấm lòng những giấc mơ nay đã thành sự thật

Trước ngày làm đám cưới tập thể, các cặp đôi khuyết tật được tổ chức chụp ảnh cưới tại Hồ Hoàn Kiếm. Giữa hàng chục cặp cô dâu, chú rể khuyết tật, không khó để nhận ra sự rạng ngời của cô dâu Trần Thị Sinh và chú rể Nguyễn Văn Công (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội). Chị vẫn còn di chuyển khó khăn với chiếc nạng nhưng nụ cười tỏa nắng, trong bộ váy cưới cô dâu trắng muốt khiến ai cũng ấn tượng với niềm hạnh phúc ấy.

Lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” giúp gần 50 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn được trải qua một ngày vui trọn vẹn.Lễ cưới tập thể “Giấc mơ có thật” giúp gần 50 cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn được trải qua một ngày vui trọn vẹn.

Bị khuyết tật vận động từ nhỏ nên từ khi ý thức được ngoại hình, chị Sinh đã mang sự tự ti, mặc cảm rất lớn. Thời điểm đó, chị còn chẳng dám mơ đến có người yêu, nói gì đến chuyện sẽ có một gia đình. Từ Nghệ An ra Hà Nội học ở trường Nghệ thuật tình thương, chị “rúm ró”, rụt rè, e ngại với mọi điều. Lúc nào cũng nghĩ, người có ngoại hình “dị biệt” như mình, người ngoài nhìn vào chắc “sợ” lắm. Thế nên, khi có tình cảm với người đàn ông khiếm thị cùng học là anh Nguyễn Văn Công, chị và anh cùng thỏa thuận “chỉ dọn về sống cùng nhau chứ không làm đám cưới rình rang”. Họ muốn yên bình làm chỗ dựa cho nhau chứ không muốn “gây ồn ào” bằng đám cưới để người nọ, người kia xì xào, bàn luận.

9 năm về chung nhà, 9 năm là vợ chồng, hạnh phúc, bên nhau sẻ chia vui buồn. Hàng ngày, chị Sinh đi chiếc xe mô tô ba bánh để chở anh Công đi đánh đàn cho hội nghị, tiệc cưới. Không chỉ làm đôi mắt, chị còn là đôi chân cho chồng. Phải hạnh phúc thế nào, thì người phụ nữ ấy mới luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình như vậy. Cậu con trai nhỏ chính là quả ngọt anh chị chắt chiu sau nhiều năm tháng.

Không ít lần đưa chồng đi đánh đàn cho các đám cưới, giấc mơ về một lần được làm cô dâu, được khoác trên mình bộ váy cưới lộng lẫy trong chị lại dội về. Khao khát vậy thôi nhưng chẳng bao giờ chị nghĩ sẽ thực hiện được. Thế nên, khi biết đến chương trình đám cưới tập thể “Giấc mơ có thật” được tổ chức cho các cặp đôi khuyết tật, chị Sinh đã vỡ òa cảm xúc. “Chỉ nghĩ đến việc được mặc bộ váy cưới trắng muốt, được chụp những bức hình lung linh, được là “nhân vật chính” trong đám cưới, được nhận lời chúc phúc của nhiều người, tôi cảm thấy vô cùng vui sướng, hồi hộp. Được cùng tổ chức đám cưới với những người có cùng hoàn cảnh, hạnh phúc càng được lan tỏa và nhân lên gấp nhiều lần”, chị Trần Thị Sinh xúc động chia sẻ.

Một điểm chung của các cặp đôi tham dự lễ cưới Giấc mơ có thật, là dù đã thành vợ chồng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và vẫn còn bị gia đình, người thân chưa hoàn toàn đồng ý, hay vẫn còn sự mặc cảm về ngoại hình, điều kiện, nên họ chưa được làm đám cưới, hoặc chỉ “làm vài mâm nho nhỏ coi như báo hỷ”. Đó là một sự thiệt thòi, một nỗi buồn khiến cho người khuyết tật càng cảm thấy hạnh phúc xa vời. Có những người vợ không dám nghĩ một ngày, mình được mặc váy cô dâu. Bởi vậy, đến với đám cưới tập thể lần này, nhiều cặp đôi đã không giấu nổi nghẹn ngào khi không phải ngần ngại bày tỏ yêu thương, được cạn ly rượu mừng, được hân hoan trong tiếng chúc phúc của mọi người.

Tình nghĩa vợ chồng là sức mạnh vượt qua khó khăn

Lấy nhau gần 15 năm, giờ đây có trong tay một trang trại lớn nuôi chim hàng trăm mét vuông và có một con trai 13 tuổi ngoan ngoãn, khỏe mạnh. Đó là hạnh phúc “vẹn tròn” của anh Tạ Đức Công (44 tuổi) và chị Mai Thị Năm (34 tuổi), đến từ huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Họ là đôi vợ chồng bị khuyết tật vận động nặng. Và những “trái ngọt” có được đến hôm nay, là cả một hành trình cùng nhau cố gắng, động viên và ở bên nhau bền bỉ của cả hai.

Các cặp vợ chồng không ngần ngại trao nhau những cử chỉ yêu thươngthay cho lời thề hôn nhânCác cặp vợ chồng không ngần ngại trao nhau những cử chỉ yêu thương thay cho lời thề hôn nhân.

Anh Công và chị Năm đến với nhau chỉ có tình yêu và hai bàn tay trắng. Tình cảm của anh chị bị gia đình cực kỳ phản đối mà nếu nhớ lại vẫn chẳng thoát khỏi cảm giác tủi thân. Vậy mà, họ tự động viên nhau, quyết tâm lấy nhau bằng được, và sẽ cố gắng làm lụng để tự trang trải cho chính cuộc sống của mình, để chứng tỏ cho bố mẹ và người thân biết rằng, người khuyết tật đến với nhau vẫn có được hạnh phúc.

Chị Năm kể, tự nhủ với nhau là vậy, nhưng hành trình gây dựng cuộc sống vợ chồng được như bây giờ, trải qua không ít gian nan. Những ngày đầu lập nghiệp, khi vừa mới dành dụm đủ để xây được căn nhà cấp 4 thì mẹ chồng chị lâm bệnh nặng. Con trai còn nhỏ, công việc thì ngổn ngang, vay mượn ngược xuôi, anh chị như con thoi, hết làm việc lại đến chăm mẹ, chăm con. Chẳng mấy mà mệt mỏi, chị Năm từng có suy nghĩ bỏ cuộc, hay là vợ chồng giải thoát cho nhau? Chị nghĩ mà không dám nói ra, nhìn qua chồng, thấy anh vẫn vững vàng mà đôi khi lại giấu những giọt nước mắt sau lưng vợ. Chị thương anh vô cùng, và quyết tâm, dù có thế nào, vợ chồng vẫn nắm chặt tay cùng bước tiếp. Chính nghị lực ấy đã giúp hai vợ chồng vượt qua nhiều thử thách và có được thành quả như ngày hôm nay.

Ngày 6/12 vừa qua cũng là lần đầu tiên chị Năm được khoác lên mình bộ váy cưới và trang điểm lộng lẫy. Bản thân bị khuyết tật vận động, lại thêm lần sinh nở khiến cột sống của chị bị ảnh hưởng nhiều. Với anh Công – chồng chị, đó là sự hy sinh, là vẻ đẹp của người vợ mà anh không khi nào quên. Anh xúc động khi nhắc đến sự hy sinh của vợ. “Chẳng lời nào có thể nói hết tình yêu và sự trân trọng tôi dành cho cô ấy. Vì vậy, tôi sẽ luôn lấy niềm tin của vợ làm động lực để cố gắng vươn lên trong cuộc sống, lo cho vợ và con một cuộc sống sung túc, hạnh phúc”. Cùng nhau bước vào lễ đường làm đám cưới, với chị Năm, là hạnh phúc sau gần 15 năm chờ đợi. Họ đã được thừa nhận và chúc phúc.

Những câu chuyện về vượt lên nghịch cảnh vẫn ở bên nhau của gần 50 cặp đôi tại lễ cưới tập thể lần này, cho thấy một điều đáng quý về tình nghĩa vợ chồng, rằng mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu mỗi người vợ, người chồng biết cảm thông, động viên nhau cùng cố gắng. Dẫu từng có lúc mệt mỏi, tuyệt vọng, rất muốn bỏ cuộc, nhưng rồi lại nhận được ánh mắt tin yêu của người bạn đời, vậy là lại có niềm tin bước tiếp. Dù là người khuyết tật hay may mắn được trọn vẹn, bình thường, thì hạnh phúc nào cũng cần được xây đắp bằng những nghĩa vợ, tình chồng như thế.

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Phụ nữ Hà Nội, chia sẻ do tình hình dịch bệnh, sự kiện “Giấc mơ có thật” từng phải hoãn lại 2 lần. “Đám cưới tập thể năm nay muốn gửi gắm thông điệp hãy cùng nhau lan tỏa sự tôn trọng những khác biệt, tinh thần bình đẳng và tình yêu thương để không ai bị bỏ lại phía sau”. Với sự ủng hộ, giúp đỡ của các đơn vị, những hoàn cảnh thiếu may mắn đã thực hiện được ước mơ của mình, có một đám cưới ý nghĩa như một dấu ấn trên hành trình xây đắp hạnh phúc gia đình trọn vẹn.

QUỲNH ANH
Ảnh: HẢI NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.