60% người cao tuổi sức khỏe yếu, có từ 3-6 bệnh nền
Đây là thông tin được cung cấp tại diễn đàn "Chung tay chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" tại cộng đồng, được tổ chức vào sáng ngày 16/12, do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe Việt Nam phối hợp với Hội người cao tuổi Việt Nam thực hiện.
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: T.H)
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Quân – Chủ tịch TƯ Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết: Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh đầy thách thức, khi Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, thế kỷ XXI, dân số thế giới sẽ bị già hóa vượt mức thế kỷ trước.
Tại Việt Nam, đến nay dân số cả nước đã đạt tới 98,7 triệu người, trong đó người cao tuổi chiếm tới gần 12%; dự báo đến năm 2025 sẽ lên tới 17,9% và 26,10% vào năm 2049. Chưa kể, nước ta là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 74,4, trong đó nam là 71,9 và nữ là 77,1. Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế -xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn.
TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu đề xuất nâng cao sức khỏe người cao tuổi. (Ảnh: T.H)
Người cao tuổi hiện đang phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính. Bình quân mỗi người cao tuổi đang mắc 3-6 bệnh lý nền, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Từ thực trạng trên, theo TS Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo hướng xã hội hóa gắn kết với cộng đồng là việc làm rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cho các bệnh viện thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe nguồi cao tuổi cho tuyến dưới.
Đồng thời, cần có chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sang lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo.
Ngoài những vấn đề nêu trên, tại diễn đàn, các chuyên gia cũng thảo luận nhiều nội dung liên quan tới già hóa dân số và chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; chăm sóc sức khỏe ban đầu người cao tuổi tại cộng đồng; chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi…
THẢO HƯƠNG