Gia tăng đột quỵ ở người trẻ

Chia sẻ

Đột quỵ luôn là nỗi ám ảnh về sức khỏe với mọi nền y tế trên thế giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Bác sĩ Trung tâm Đột quỵ - BV Bạch Mai thăm khám cho một trường hợp bệnh nhân đột quỵ.Bác sĩ Trung tâm Đột quỵ - BV Bạch Mai thăm khám cho một trường hợp bệnh nhân đột quỵ. (Ảnh: BVCC)

34 tuổi đã tử vong vì đột quỵ não

Mới đây, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận bệnh nhân 28 tuổi (trú tại Quảng Ninh), chuyển đến viện ngày 11/12, được chẩn đoán đột quỵ do vỡ dị dạng mạch máu não, nếu để lâu có thể dẫn tới nguy cơ phù não, hôn mê và tử vong. Trước đó, bệnh nhân bị đau đầu dữ dội sau khi đi làm về, vào giường nghỉ ngơi. 2 tiếng sau, người mẹ vào đánh thức con dậy nhưng không có phản xạ nên vội đưa đến bệnh viện tỉnh cấp cứu rồi chuyển tiếp lên bệnh viện 108. May mắn bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch.

Trước đó, Trung tâm Đột quỵ (bệnh viện Bạch Mai) cũng có một trường hợp nữ bệnh nhân (giáo viên, 34 tuổi) bị đột quỵ tắc thân nền. Theo lời kể của chồng bệnh nhân, buổi sáng bệnh nhân đột ngột thấy chóng mặt, tê bì nửa người, nói hơi khó nghe. Nghĩ vợ bị mệt sau đợt chấm thi căng thẳng, anh đỡ vợ nằm nghỉ trên giường. Tuy nhiên, đến chiều tối không thấy vợ dậy, lay gọi chỉ thấy tiếng ú ớ, ánh mắt đờ đẫn. Lúc này, anh mới vội gọi xe cấp cứu, đưa vợ đi bệnh viện.

Tại bệnh viện Bạch Mai, kết quả chụp MRI cho thấy tổn thương rõ toàn bộ trung não, cầu não 2 bên, thùy chẩm, tiểu não do tắc hoàn toàn động mạch thân nền. Bệnh nhân không còn chỉ định can thiệp lấy huyết khối, và tử vong không lâu sau đó.

Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (bệnh viện Bạch Mai): Ca lâm sàng trên chỉ là 1/60 trường hợp người trẻ bị đột quỵ được khám, cấp cứu và điều trị tại đây. Đáng nói, tình trạng trẻ hóa trên đang có hướng ngày càng gia tăng; phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và hệ lụy là mất đi cơ hội hồi phục trong giờ vàng. Lý do của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Khi đến viện muộn, họ đã làm mất đi cơ hội vàng để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Cần khám sức khỏe định kỳ, tầm soát yếu tố nguy cơ

Căn nguyên đến thực trạng trên, theo PGS Tôn có nhiều yếu tố liên quan: bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng…

Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam, cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.

Khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.

Khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…

Bởi vậy, để giảm nguy cơ đột quỵ, PGS Tôn khuyên các bạn trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, hình thành thói quen sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu… Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

HẰNG HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.