Ba Vì: Rác thải ùn ứ nhiều ngày gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

Chia sẻ

Các điểm tập kết rác thải trên các tuyến đường nội đồng, đường liên thôn, liên xã trên địa bàn các xã của huyện Ba Vì vẫn thường xuyên trong tình cảnh rác quá tải, ùn ứ nhiều ngày, rác ngập tràn ra lòng đường vừa gây mất vệ sinh môi trường, mất mỹ quan, thậm chí cản trở các phương tiện tham gia giao thông.

Rác tràn ra đường ở bãi rác xã Vạn Thắng, Ba VìRác tràn ra đường ở bãi rác xã Vạn Thắng, Ba Vì

Người dân và chính quyền đều bức xúc

Phản ánh với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô về tình trạng rác ùn ứ ở các bãi tập kết trên địa bàn xã Cổ Đô, ông Lê Văn Khánh ở xã Cổ Đô cho biết: “Mỗi lần đi qua các điểm tập kết rác ùn ứ tràn ra lòng đường, chúng tôi thấy rất khó chịu bởi mùi xú uế. Tình trạng rác thải ở các bãi tập kết vẫn thường xuyên chất đống cả tháng mới được vận chuyển đi, có những hôm gió to tạt vào làng mang theo mùi hôi thối, còn người dân đi làm đồng thì hít thở rất khó chịu. Chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền mà vẫn chưa được khắc phục”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết, việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn xã Cổ Đô là do công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân trúng thầu thực hiện. Hiện nay, toàn xã Cổ Đô có 4 bãi tập kết rác đều có vị trí cách các làng chừng 500m đến 1km. Tuy nhiên, người dân trong xã vẫn phải chứng kiến và hứng chịu ô nhiễm từ bãi tập kết bởi nhà thầu thường xuyên để rác đầy và tràn. Trong đó, 3 bãi tập kết ở thôn Cổ Đô, Vu Chu và Kiều Mộc thường xuyên tràn ra lòng đường.

Theo quan sát của phóng viên, bãi tập kết rác ở Nhuận Trạch, Mai Trai và Hậu Trạch thuộc xã Vạn Thắng cũng trong tình trạng đầy ứ, tràn ra lòng đường chừng 5 đến 7m, ruồi nhặng bâu nhiều, mùi hôi thối chiếm cả phần đường của người và phương tiện tham gia giao thông, người đi làm ruộng.

Ông Phùng Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, tình trạng này xảy ra thường xuyên, xã đã cử cán bộ môi trường liên hệ với đơn vị nhận thầu là công ty Minh Quân nhưng nhiều lần đại diện công ty này không nghe điện thoại, hoặc nghe nhưng không cho xe đến vận chuyển rác đi. Vì vậy, tính đến ngày 16/12 cả 5 bãi tập kết rác trên địa bàn xã Vạn Thắng đều trong tình trạng quá tải, rác tràn ra lấn đường, 15-25 ngày không được vận chuyển đi. Trong khi theo hợp đồng là mỗi tuần đơn vị thầu phải vận chuyển từ 1-2 lần.

Ông Phùng Văn Điền khẳng định: “Vấn đề này không chỉ người dân mà cả chính quyền xã cũng rất bức xúc, nhiều lần cũng đã kiến nghị lên phòng ban chức năng và UBND huyện”.

Nhà thầu không đủ năng lực

Với vai trò đơn vị chức năng quản lý, theo ông Nguyễn Duy Thảo, Phó Ban Quản lý dự án huyện Ba Vì, công ty Minh Quân trúng gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Ba Vì 5 năm, hơn 2 năm nay thường xuyên thu gom chưa kịp thời. Năm 2016 trở về trước, gói thầu là 100 tấn/ngày thì rác thực tế là hơn 60 tấn/ngày nên năm 2017 UBND huyện đã điều chỉnh mức thầu là 70 tấn/ngày. Tuy nhiên, năm 2019 lượng rác trên thực tế tăng vượt mức 70 tấn/ngày.

Năm 2019, Ban Quản lý dự án huyện nhận nhiệm vụ thực hiện công tác vệ sinh môi trường, khi này lượng rác tồn đọng lớn, phải giải quyết rác tồn đọng 120 tấn, trong khi xe và các phương tiện không đủ. Thực tế cho thấy công ty có xe hỏng, cũ nát, phương tiện không đảm bảo, khả năng vận chuyển ít chưa hết được. Toàn huyện có khoảng 200 công nhân, 4 xe chuyên chở thì chỉ có có 3 xe hoạt động và thường xuyên trong tình trạng hỏng.

Tại văn bản số 367 của UBND huyện Ba Vì đánh giá năng lực nhà thầu là công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân đã chỉ rõ: “Theo hồ sơ dự thầu, công ty Minh Quân có 13 cán bộ chủ chốt tham gia gói thầu, 214 công nhân lao động, 1 ô tô tự đổ, 1 ô tô hút bụi quét đường, 2 ô tô hút và vận chuyển chất thải, 4 ô tô chở rác (cuốn ép rác), 2 máy xúc, 103 xe gom rác. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy năng lực của công ty chưa bảo đảm nhu cầu thu gom, vận chuyển rác thải kịp thời, vẫn còn tình trạng tồn đọng rác thải tại một số khu vực trên địa bàn huyện”.

Hiện nay, người dân các xã trên địa bàn huyện Ba Vì mong mỏi công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn được cải thiện để không còn tính trạng ứ đọng rác nhiều ngày gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sống của hàng vạn người dân. Đề nghị UBND huyện Ba Vì và các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết vấn đề này để trả lại không khí, môi trường trong lành cho nhân dân.

Bài và ảnh: VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.