Bi kịch của cuồng ghen

Chia sẻ

Nghi ngờ con trai không phải là con đẻ của mình, bị cáo Quách Văn Nam (Tây Hồ, Hà Nội) đã dùng dao chém nhiều nhát vào người vợ và con nhỏ khiến cả hai tử vong.

Mới đây, TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Nam ra xét xử công khai về hành vi Giết người. Nạn nhân trong vụ án là vợ và con trai 2 tuổi của bị cáo.

Bên lề phiên xét xử con trai, bà Nga – mẹ bị cáo thẫn thờ kể, Nam là con trai duy nhất của bà. Vừa sinh xong con trai, chồng bà đã bỏ đi, một mình bà tần tảo nuôi dưỡng con trai khôn lớn. Gia cảnh nghèo khó, hằng ngày, bà Nga đi nhặt đồng nát kiếm sống, còn Nam chạy GrabBike nhưng không thường xuyên.

Có lần, bà đi xem bói. Ông thầy bói sau khi xem qua lá số của hai mẹ con, rồi nhìn dáng vẻ khắc khổ của bà trước mặt, lắc đầu phán: “Chị và con trai sinh khắc mệnh, không nên ở cạnh nhau để tránh xảy ra bi kịch”. Lo sợ lời phán của thầy bói ứng nghiệm, bà cho Nam sang ở nhà mẹ đẻ của mình, gần 90 tuổi, nhà cách đó không xa. Thi thoảng, Nam làm thêm và thu tiền nhà trọ của mấy hộ đang ở trọ trong nhà bà ngoại dưới tầng 1.

Bị cáo tại TòaBị cáo tại Tòa

Đầu năm 2017, bà Nga nghe tin Nam quen với chị H, lúc đó mới 18 tuổi, cách nhà bà khoảng 1 cây số. Khi con xin cưới, bà cũng đi xem tuổi và được biết tuổi hai người xung khắc nhau, nếu kết hôn, một trong hai người sẽ yểu mệnh. Vì muốn con được an toàn, mẹ con bà đã phải ở riêng, nay nghe thầy bói nói thế, bà càng lo sợ. Bà kiên quyết phản đối mối lương duyên của con trai. Nhưng vì chị H có bầu từ trước và vì thương con cháu nên bà đành đồng ý. Tuy nhiên, cưới xong, chị H về nhà bố mẹ đẻ ở để dưỡng thai, còn Nam vẫn ở nhà với bà ngoại. Thi thoảng, Nam mới sang nhà bố mẹ vợ thăm vợ con.

Theo Cáo trạng truy tố, khoảng 1 tháng sau khi vợ sinh, trong một lần sang thăm vợ con, bị cáo Nam thấy điện thoại của vợ báo có tin nhắn chuyển khoản đến 3 triệu đồng. Vợ ở nhà chăm con, không đi làm gì, sao lại có người chuyển khoản cho? Điều này được lặp lại hai ba lần khiến Nam nghi ngờ vợ làm điều gì mờ ám. Nam gặng hỏi thì vợ giải thích là do nhà mạng chuyển nhầm. Lời giải thích không rõ ràng khiến hoài nghi của Nam lớn dần lên. Lúc này, Nam nghi ngờ vợ ngoại tình với người đàn ông khác và bé trai không phải là con của mình. Bị cáo tới nhà bố mẹ vợ và yêu cầu đưa bé trai đi xét nghiệm ADN nhưng không được chấp nhận. Từ đó, hai bên nảy sinh mâu thuẫn, Nam không sang thăm vợ con nữa.

Đến tháng 3/2020, Nam thuyết phục hai mẹ con chị H về sống chung tại căn nhà ở phường Bưởi, quận Tây Hồ. Dù cố gắng hàn gắn nhưng hai vợ chồng vẫn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Chị H phàn nàn chuyện Nam không chịu làm ăn, kiếm việc làm, còn Nam thì vẫn nghi ngờ vợ ngoại tình.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khoảng 7h ngày 2/5/2020, Nam và vợ cãi nhau về chuyện Nam muốn ly hôn nhưng chị H không đồng ý. Nam lấy rượu uống và nói: "Giờ chúng mình giải thoát cho nhau, em có tương lai của em, anh có tương lai của anh". Sau đó, bị cáo vào bếp lấy dao rồi tấn công vợ con khiến cả chị H và cháu bé bị tử vong.

Sau đó, Nam đi xe máy sang nhà mẹ đẻ kể lại sự tình rồi đi đầu thú.

Trước tòa, Nam khai nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai, nhiều lần, bị cáo xin được mang con đi xét nghiệm ADN nhưng bố mẹ vợ ngăn cản. Điều đó khiến cho bị cáo luôn thấy hoài nghi. Sau gần 2 năm, bị cáo đã thuê được phòng trọ và đón vợ con về. Hai vợ chồng lại xảy ra mâu thuẫn chỉ vì vợ lúc nào cũng cằn nhằn về việc bị cáo không có công việc ổn định, và chỉ trích bị cáo chỉ nằm dài ăn bám! “Vợ bị cáo còn trẻ, mỗi lần cãi vã là không có điểm dừng. Bị cáo chán quá nên nghĩ tới ly hôn nhưng vợ không cho” - Nam nói.

Tòa hỏi: “Chém nhát đầu tiên vào con rồi, sao bị cáo không dừng lại?” - Bị cáo trả lời: “Vì tức vợ nên chém thêm mấy nhát đến khi vợ và con bất tỉnh”. Tòa đưa ra kết luận giám định ADN của cháu bé xác nhận cháu T là con ruột của Nam, lúc này, Nam mới cúi đầu: “Bị cáo biết sai rồi, cho bị cáo một cơ hội để sửa lỗi”.

Vị thẩm phán hỏi: “Giờ bị cáo sửa lỗi bằng cách nào khi vợ và con đã chết?”. Nghe thế, Nam cúi đầu, nước mắt lăn dài.

Nghẹn ngào nức nở, bà Nga phân trần trước tòa rằng, khi nghe tin con giết người, bà vô cùng bất ngờ và bàng hoàng. “Nó về nhà và nói xin lỗi mẹ vì đã không làm tròn bổn phận, nói đã giết vợ con, tôi không tin. Nào ngờ, nó làm như thế thật!” – bà Nga kể. Theo bà Nga, sự việc đến mức như ngày hôm nay là do một phần lỗi của con dâu bà. “Hai vợ chồng thường xuyên cãi chửi nhau, mỗi lần như vậy, con dâu lại thách thức, lăng mạ con trai tôi. Con trai tôi lấy vợ mà chưa biết đêm tân hôn là gì. Con dâu thì chưa một ngày làm dâu. Người ta nói lại là thấy con dâu đi đêm về hôm. Bà thông gia còn sang nói với tôi, thôi thì không có công sinh nhưng có công dưỡng, mình nuôi dưỡng cháu bé tốt sau này cháu còn thương lại mình” – bà Nga kể tội con dâu tại Tòa.

Nghe mẹ nói thế, bị cáo Nam quay lại nhắc mẹ đừng nói nữa. “Mình sai mà, mẹ ơi. Mẹ đừng trách móc vợ con nữa”. Bà Nga vẫn chưa dừng: “Con lúc nào cũng bảo mẹ nhịn đi để người ta thương, xin được khoan hồng cho nhưng người ta có tha thứ cho con đâu” – bà Nga nức nở.

Là đại diện hợp pháp cho bị hại, ông Lành – bố chị H cho biết, do con gái bầu bí nên sau khi cưới, vợ chồng ông mới xin đón con về chăm sóc, thế nhưng Nam là chồng mà chẳng đoái hoài gì đến vợ con. Đến bộ quần áo mặc, cái bánh hộp sữa cho con, Nam cũng không có. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Nam tiếp tục sang xin đón vợ con về để sum họp. Vợ chồng ông Lành vui mừng và đồng ý để H cùng con trai về ở với Nam vì mong cháu ngoại được gần bố mẹ, được yêu thương nhiều hơn. Nào ngờ, chung sống được một thời gian ngắn mà hai con cãi nhau suốt, khiến ông lại phải sang nhắc nhở để hàn gắn.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nói về việc Nam đòi đi giám định ADN, ông Lành nói, bản thân ông không ngăn cấm mà chỉ bảo lúc nào đi giám định thì để ông đi cùng. Ông thở dài: “Nhà thông gia nói vậy, chúng tôi cũng không muốn thanh minh. Con tôi tôi xót, hành vi của Nam là quá dã man, chém cả vợ lẫn con, tôi đề nghị tòa xử đúng theo pháp luật, mức án cao nhất cho bị cáo và không yêu cầu bồi thường”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Nam cho rằng, do bị cáo lập gia đình sớm, vợ chồng trẻ con nên trong cuộc sống hôn nhân, khi có xung đột xảy ra đã chưa có ứng xử phù hợp, không biết hóa giải dẫn đến bi kịch đau lòng. Do đó, luật sư mong muốn HĐXX cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Tuy nhiên, vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho rằng, trong vụ án này, hành vi của Nam là không thể tha thứ bởi lẽ, giết trẻ con đã là bị pháp luật ngăn cấm, đằng này bị cáo lại giết chính vợ và con đẻ của mình… HĐXX xét thấy, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, coi thường pháp luật và tính mạng của người khác, chỉ vì sự ghen tuông nông nổi, nóng vội của mình bị cáo đã tước đoạt đi mạng sống của vợ và con mình… nên cần thiết phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất nhằm răn đe giáo dục tội phạm và phòng ngừa chung trong xã hội. Từ đó, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Quách Văn Nam mức án tử hình về tội “Giết người”.

Đây là mức án thích đáng cho hành vi côn đồ của bị cáo nhưng cũng để lại bài học cho các cặp vợ chồng trẻ trước khi kết hôn cần tìm hiểu kỹ và học các kỹ năng cần thiết khi làm vợ, làm chồng, tránh những xung đột đáng tiếc xảy ra như vụ án đau lòng này. Trong hôn nhân, niềm tin cũng vô cùng quan trọng, đừng vì ghen tuông mù quáng mà có hành vi xâm phạm tính mạng, nhân phẩm người bạn đời, không chỉ đánh mất hạnh phúc gia đình mà còn gây ra nỗi đau cho chính những đấng sinh thành.

QUỲNH AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.