Bức thư của bà

Chia sẻ

Mẹ mất sớm nên bà ngoại là người nuôi tôi lớn. Cho đến khi tôi đi làm, thì một chuyện đã xảy ra giữa tôi và bà.

Lần đó, một người bạn rủ tôi hùn vốn để làm ăn. Mặc dù tôi đã có công việc ổn định trên thành phố, nhưng, lương tháng của tôi chỉ đủ để tôi trang trải sinh hoạt phí và còn dư phần nhỏ để dành. Nếu cứ đợi tích cóp thì chả biết bao giờ mới đủ tiền góp với bạn, nên tôi đã quyết định gọi về nhà cho bà để nhờ giúp đỡ.

Bà ngoại tôi lúc đó ở một mình dưới quê. Bà rất yêu và tin tưởng tôi, thường không giấu tôi điều gì. Tôi biết bà có một số tiền nho nhỏ đang gửi trong ngân hàng. Khi gọi cho bà vay tiền, để bà yên tâm, tôi hứa: “Bà cho cháu mượn tiền khoảng mấy tháng. Đến cuối năm, cháu sẽ gửi lại tiền cho bà”.

Tất nhiên là bà tôi đồng ý. Bà đi rút ngân hàng để gửi tiền cho tôi, phần còn lại bà giữ để dưỡng già.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không may, việc làm ăn của tôi sau đó thất bại. Số tiền tôi vay bà không cánh mà bay. Tôi biết, bà là người nuôi tôi khôn lớn, tôi chưa báo đáp bà ngày nào thì thôi, nay lại còn làm mất tiền của bà thì thật không phải. Nhưng, đến gần cuối năm, tôi vẫn chẳng tích góp được chút nào để gửi trả bà tiền.

Ngại vì thất hứa với bà, tôi thưa dần việc gọi điện về quê cho bà. Chắc vì thế mà bà đã chủ động gọi điện cho tôi. Sau khi hỏi thăm, bà nhắc tôi nhớ khoản nợ chưa trả cho bà. Rồi bà bảo tôi phải lên kế hoạch để trả tiền cho bà đúng hạn.

Nghe bà nói xong, tôi thực sự sốc và giận bà. Tôi nghĩ, bà không thương tôi. Những người bà khác còn cho cháu tiền chứ không đòi nợ cháu như thế. Mà bà tôi già rồi, tiền tiết kiệm còn chưa tiêu hết, vậy bà cần tiền để làm gì. Chỉ có thể là bà chắc lép với chính cháu ruột của mình.

Trong lúc nóng giận, tôi đã quyết định bán máy vi tính, rồi vay nóng thêm bạn bè để có tiền gửi về cho bà. Sau đó, tôi gọi điện cho bà, nói hết việc tôi thấy mình đã bị bà làm tổn thương như thế nào. Tôi bảo, chắc còn lâu nữa tôi mới về thăm bà.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Và thế là, cả tháng sau, tôi không liên lạc và cũng không nghe điện thoại của bà. Đột nhiên, một ngày, tôi nhận được tin dữ bà tôi đã mất do bị xe máy đâm trên đường quốc lộ. Trong số tư trang của bà mang theo mà công an bàn giao lại cho tôi sau đó, có một phong bì dán kín. Tôi bóc ra, bên trong là một sấp tiền và một lá thư viết tay. Trong thư bà tôi nói lời xin lỗi tôi và giải thích bà đòi tôi tiền không phải vì yêu tiền hơn yêu tôi. Bà chỉ muốn làm vậy để nhắc tôi phải biết tiết kiệm, đừng chi tiêu hoang phí. Bà đã không biết tôi ở thành phố phải khó khăn, chật vật tiết kiệm như thế nào. Bà đã không chia sẻ với tôi, lại còn dồn tôi vào bước đường cùng. Bà nói những ngày qua, bà đã sống trong nỗi dằn vặt, ân hận. Bà đã quyết định rút hết tiền tiết kiệm để cho tôi. Bà muốn tôi hãy dùng số tiền ấy mua lại cái máy tính mới và khởi nghiệp lại từ đầu.

Đọc xong thư bà, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi thấy mình thật vô tâm. Tôi đã không hiểu tấm lòng của bà mà còn oán trách bà. Có lẽ suốt đời, tôi sẽ không quên được lỗi lớn nhất của mình là đã khiến bà phải sống trong đau khổ, dằn vặt. Chỉ vì sự nóng giận, cả nghĩ của mình, mà tôi đã trở thành đứa cháu bất hiếu với bà.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.