Cha mẹ ly hôn, ai làm chủ cho đám cưới con giai?
Phong chạy huỳnh huỵch vào nhà, gào tướng lên: “Mẹ! Mẹ muốn làm sao thì làm! Con ở với mẹ chứ có ở với bố đâu, sao bố lại bắt con in thiếp cưới của con mà có tên bà dì ghẻ ranh con?”...
Chuyện đến nước này thì chị Thanh đành muối mặt đến “xin” cái lão chồng cũ ương ương dở dở, miễn sao được việc cho con trẻ. Nhưng vừa nghe vợ cũ đặt vấn đề, lão Thưởng đã cười khẩy:
- Cô hay nhỉ? Sao chồng mới của cô lại đứng được tên trên thiếp cưới con tôi mà vợ tôi lại không được đứng tên? Nhắc cho cô nhớ: Nó là con giai tôi, không phải con giai chồng của cô! Vợ chồng cô định cướp luôn con của tôi à? Thế tôi mất con thì họ nội nhà tôi cũng mất cháu à? Cô giỏi quá nhỉ? Cô tưởng chồng cô có tý chức quyền thì bắt nạt nhà người à?
Lão Thưởng cứ thế mắng té tát vào mặt vợ cũ. Cái lão gàn dở này thật khó thay tâm đổi tính. Đúng là “Bản tính nan di”. Thanh và Thưởng lấy nhau chưa được 5 năm đã ly hôn. Thằng Phong là con lớn cũng mới 4 tuổi, bé gái sau mới chưa đầy 2 tuổi, nhưng tính Thưởng ham chơi, tuy có bằng cấp nhưng chả chí thú vươn lên nên sự nghiệp cũng chả có mà tiền bạc cũng không. Thế nên tuy một nách 2 con nhỏ mà Thanh vẫn quyết ly hôn vì cô không còn chịu đựng nổi cái tay chồng quá ư vô tích sự nữa. Thưởng vô tích sự đến mức không chịu nhận nuôi con, kể cả thằng con trai “đít cái thùng phuy” dòng họ nhà lão, thế mà Thưởng cũng lý do lý trấu là nó còn bé nên ở với mẹ, lớn lên hẵng hay. Thanh lúc đó cay lắm, cực lắm, nhưng nghĩ khổ đến mấy cũng chịu được, chỉ cần Thưởng đồng ý cho cô ly hôn, con cô nuôi tất.
Tuy thế, cái số của Thanh vất vả mãi rồi cũng đến lúc giời thương. Anh Hà, trưởng phòng kinh doanh của công ty, không may vợ bệnh hiểm nghèo mất, để lại cho anh mỗi cậu con giai hơn thằng Phong 5 tuổi. Anh Hà thấy Thanh cũng xinh xắn, hiền lành, công việc cô làm rất tốt mà chăm con cũng chu đáo, thế là anh và Thanh gá nghĩa. Chồng mới khác hẳn tính chồng cũ. Hà năng động, tháo vát, vừa quán xuyến việc công ty, vừa làm thêm làm nếm đủ kiểu. Kinh tế khá giả đã đành, Hà lại nhanh chóng được đề bạt lên phó giám đốc mấy năm thì lên hẳn giám đốc thay cụ giám đốc nghỉ hưu. Anh em thằng Phong cũng được bố Hà yêu thương y như con riêng của bố và em giai con chung với mẹ Thanh. Hạnh phúc trong ngôi nhà của vợ chồng Thanh đầm ấm đến mức không mấy ai biết họ là “rổ rá cạp lại” và “con anh, con tôi, con chúng ta”. Bây giờ do cái đám cưới của thằng Phong mà thành rách chuyện thế này.
Ảnh minh họa
Ban đầu chị Thanh nghĩ cũng đơn giản, thằng Phong nó ở với vợ chồng chị, cưới nó thì vợ chồng chị đứng ra tổ chức, quan khách là người cùng công ty, là hàng xóm, cũng là của vợ chồng chị, thì in thiếp mời bên nhà chú rể là ông Hà bà Thanh như lẽ đương nhiên. Thế rồi khi thằng Phong nghe theo lời mẹ, đưa cô dâu sang ra mắt bố đẻ, cái tay Thưởng này mới “tuyên bố xanh rờn” là thiếp mời phải in tên nhà trai là ông Thưởng cùng... bà vợ mới. Thằng Phong không chịu. Nó có ở với bố và dì ngày nào đâu! Đến gọi là cô mà nó còn kêu “Trẻ quá, khó gọi! Hơn con có hơn chục tuổi”. Là bởi bố nó phóng khoáng, vẫn mải ăn, mải chơi, gần đây mới về quê “tậu” được cô gái ê-sắc. Bao năm bố nó đâu có quan tâm gì đến các con, giờ nó cưới vợ thì đòi “lên ngôi”.
Chị Thanh tuy cũng bực lắm, nghĩ cái số kiếp mình chả ra sao, lấy chồng không ra gì, giờ bỏ lão mấy chục năm rồi mà vẫn còn làm khổ con. Nhưng ngẫm lại thì thấy cái lão chồng cũ cũng có cái lý, con là con của lão, mang họ của lão, cưới thì phải có bên nội bên ngoại. Tuy anh Hà tốt thật, thương yêu con riêng của vợ như con đẻ, nhưng máu mủ vẫn là của nhà người ta. Chị Thanh cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Thiếp mời đã in tên anh Hà rồi, không lẽ bây giờ hủy đi. Nhưng in lại thì Phong cũng không chịu cho cái bà mẹ kế kia đứng tên, nó tuyên bố thà nó không cưới, nó đi đăng ký thì vẫn thành vợ chồng, chứ nó không đời nào chịu cái trò lố của bố nó.
Anh Hà thấy vợ khác thường nên gặng hỏi. Chị Thanh kể đầu đuôi nỗi ấm ức cho chồng nghe. Anh vỗ về vợ:
- Tay Thưởng nó nói thế là đúng đấy em à. Chúng mình nghe theo con và nghĩ đơn giản miễn là được việc cho các con, nhưng quả là mình chưa nghĩ cho bố nó, cho họ nội bên ấy nữa. Theo anh thì mình cũng không hủy thiếp mời mà con nó đã in. Ngày đó ta cứ tổ chức với danh nghĩa vợ chồng mình mời. Em nói con chọn một ngày khác, bàn với Thưởng mời tiệc bên họ nội và bên vợ anh ta. Em động viên con, dù vợ của bố ít tuổi, nhưng vai vế người ta vẫn là bề trên, con cũng nên thể hiện sự tôn trọng. Con cái không có quyền chọn cha mẹ đẻ ra mình, nhưng để có được cuộc đời và những thành công bước đầu trong sự nghiệp của Phong thì anh có công một phần cùng em nuôi dạy con, nhưng dòng máu chảy trong huyết quản nó vẫn là nhà nội nó. Phong nhất định phải đưa vợ sắp cưới về ra mắt họ nội, mời ông bà, họ hàng dự tiệc mừng chứ. Tiệc to hay nhỏ, mời đông hay ít người là do nhà bố nó tổ chức, vợ chồng mình không can dự vào.
Nghe chồng nói, chị Thanh bỗng thấy nhẹ cả người. Thì ra bất cứ việc gì dù khó đến đâu, chỉ cần mình nghĩ thoáng ra, nghĩ cho cả người khác, đều có cách để giải quyết được. Bây giờ thì chị bỗng hiểu, người tốt như Hà thì thành công trong mọi việc là đúng!
TRẦN THÁI HÒA