Chào nhé, cúc họa mi!

Chia sẻ

Cúc họa mi có bao nhiêu là cái tên, bao nhiêu là ý nghĩa nhưng mình luôn thích tên tiếng Anh “Daisy eye”- “con mắt ban ngày”. Là bởi loài hoa này xòe nở khi gặp ánh sáng ban mai và khép lại khi bóng chiều buông xuống.

Nếu hoa đào, hoa mai báo hiệu mùa xuân, phượng gọi hè, cúc vàng giục mùa thu thì có một loài hoa thức giấc khi mùa đông gõ cửa: cúc họa mi. Loài hoa ấy từ đâu tới mà mang đến bao nhiêu là xôn xao mong nhớ cho những ngày đông xám lạnh? Không rực rỡ, chẳng kiêu sa, chỉ có cái tên như một thanh âm vừa dịu dàng vừa tha thiết.

Cuối tháng 11, khi những cơn gió từ phương Bắc bắt đầu len lén kéo về, bầu trời nằng nặng, mặt đất rưng rưng; cỏ cây như muốn co mình, khép mắt cùng sương nắng... thì cúc họa mi bung nở. Ban đầu mới chỉ chúm chím những nụ bé bỏng xinh xinh, mỗi ngày hé thêm một chút... rồi một ngày kia, xòe cánh, bật nhụy, cả cánh đồng vỡ òa trong bản du ca màu trắng.

Chào nhé, cúc họa mi! - ảnh 1

Không hiểu người ta yêu loài hoa ấy bởi điều gì? Vì những cánh trắng mong manh, thuần khiết; vì chút nhụy vàng như những tia nắng đầu ngày? Vì ý nghĩa ẩn trong bao câu chuyện kể hay vì sự cứng cỏi mạnh mẽ lẫn trong bóng dáng thanh tao?

Thực lòng, trước kia tôi không hề ấn tượng với loài hoa này. Cũng chỉ là một loài cúc thôi mà. Lại không rộn ràng, nhuộm nắng dệt nên cả một mùa thu mơ mộng như cúc vàng; cũng không bâng khuâng gieo nhớ thương như cúc tím. Màu trắng khi ấy hắt lên những nhạt nhòa, xa lạ, vô tâm. Thế rồi, mùa nối mùa, vô tình nhận ra loài hoa ấy luôn về khi mình sang tuổi mới. Liệu có phải là duyên?

Hóa ra, có những điều cứ âm thầm bền bỉ theo ta mà ta chẳng nhận ra.

Rồi bắt đầu để tâm. Và thấy lòng rung lên nhịp điệu khác thường khi bắt gặp những bông cúc họa mi đầu tiên theo xe rong vào phố - những bông hoa tinh khôi còn ngậm sương đêm và hăng hăng vị đất lẫn vị mặn mồ hôi.

Mua một bó, về cắm vào chiếc bình xinh xắn; hình như thấy cả mùa, cả cánh đồng và những yêu thương về lại một góc phòng. Sau dần thành một thói quen không thể dứt: đầu mùa đông nào cũng phải tìm bằng được loài hoa ấy.

Cúc họa mi chỉ nở vài ba tuần, rồi tàn cành, rũ cánh. Nhưng những bình họa mi lại bền bỉ lạ lùng - một tuần, có thể còn hơn vẫn cứ lặng lẽ tươi xinh. Hai hay ba lần được ôm những bó họa mi của riêng mình, ấp iu ngắm nghía chừng đó lần là lại phải giã biệt nhau, đợi cả mùa sau dằng dặc. Vì ngắn ngủi nên nâng niu, vì xa xôi nên mong nhớ.

Chào nhé, cúc họa mi! - ảnh 2

Không phải vô cớ mà người ta háo hức mong chờ rồi nườm nượp rủ nhau đi chụp ảnh ở các khu vườn, cánh đồng họa mi trắng xóa. Là để lưu lại những hình ảnh, dấu ấn, xúc cảm... Có những khoảnh khắc sẽ không trở lại, mãi mãi không thể nào trở lại. Mỗi mùa hoa là một câu chuyện, mỗi bông hoa một cuộc đời - nụ cười hay nước mắt. Cũng như mỗi bó hoa một số phận. Có thể an nhiên nơi góc phòng ấm áp, nương náu những yêu thương cũng có thể nhụy se, cánh rã nơi góc chợ chiều hay bầm dập nơi cánh đồng mênh mông nắng gió, dưới những bước chân dồn dập vô tình.

Người ta nói cúc họa mi có bao nhiêu là cái tên, bao nhiêu là ý nghĩa nhưng mình luôn thích tên tiếng Anh “Daisy eye”- “con mắt ban ngày”. Là bởi loài hoa này xòe nở khi gặp ánh sáng ban mai và khép lại khi bóng chiều buông xuống. Có phải vì thế mà nó cũng tượng trưng cho tình yêu thầm lặng: cô đơn, buồn bã khi đêm về nhưng vẫn luôn tươi tắn dõi theo bóng hình người mình thương mến.

Đó là tình yêu sâu sắc, lặng lẽ, giản dị và tuyệt đối chân thành. Tưởng mong manh, nhạt nhòa hóa mặn mà, vĩnh cửu!

Mùa cúc họa mi năm nay sắp hết rồi, trên phố - chỉ còn lác đác đôi cành hoa nhớn nhác, những khu vườn họa mi cũng vắng dần thanh âm trong trẻo, tinh khôi; gió hun hút, xạc xào tiễn biệt những cánh hoa cuối cùng trong lưu luyến.

NHẤT MẠT HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.