Hà Nội thành công vượt bậc trong thực hiện “mục tiêu kép”

Chia sẻ

Trong năm 2020, Hà Nội đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Thành phố đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: P.V)

Năm thành công nhất về ý chí vươn lên và tinh thần vượt khó

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, "khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba", 2020 được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về ý chí vươn lên và tinh thần vượt khó, Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép, trở thành điển hình trong khống chế dịch Covid-19, và thuộc nhóm có tăng trưởng cao nhất thế giới, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 ngày 28/12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Hà Nội đã triển khai nghiêm túc và chủ động bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Từ đó đã đạt được những mục tiêu tổng quát với các kết quả khá quan trọng, toàn diện.

Hà Nội đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 với 17.118 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 2.310 tổ chức cơ sở Đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP thành công thực chất và trọn vẹn, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Năm 2021: Xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2021, thành phố Hà Nội thực hiện năm chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%. Ngay đầu tháng 1/2021, Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy sẽ có Hội nghị tới 30 quận, huyện triển khai tinh thần Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ bằng Chương trình hành động trên địa bàn thành phố.

Thành phố đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Là địa bàn trọng điểm, có số lượng người tiếp nhận, sàng lọc, cách ly và điều trị rất lớn, nguy cơ lây nhiễm cao, thành phố đã kịp thời chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt là tinh thần tự giác, tích cực, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và hệ thống chính trị các cấp, nhờ vậy, đã kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt. Đến nay đã qua 133 ngày không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng), không có ca tử vong.

Bên cạnh phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế; đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tổ chức nhiều hoạt động kết nối với các địa phương về cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm; ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều bộ, ngành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn.

Nhờ vậy, kinh tế Thủ đô đã phục hồi và tăng trưởng, GRDP quý IV/2020 tăng 5,77%, cả năm tăng 3,98%; chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát ở mức 2,77%; thu ngân sách ước đạt 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với năm 2019. Nếu tính cả số thu ngân sách TW trên địa bàn thì số thu ngân sách ước đạt 340.100 tỷ đồng. Cùng đó, giải ngân vốn đầu tư công thành phố đạt 93% với quy mô 45.000 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn cho đầu tư phát triển đến 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên, giải quyết việc làm cho trên 180.600 lao động, đạt 116% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,3%.

Đặc biệt, trong năm, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” trong bối cảnh đặc biệt, ngay khi đợt dịch đầu tiên được kiểm soát. Lần đầu tiên, TP đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Tổng số dự án, số vốn được trao quyết định đầu tư tại hội nghị năm nay lần lượt cao tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với hội nghị năm 2016. Thành phố cùng các nhà đầu tư ký 39 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỷ USD.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Nói về những nỗ lực của cả hệ thống chính trị của TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số PCI trong 3 năm gần đây của Hà Nội đều đạt kết quả tích cực, lọt vào Top 10 của cả nước. Có thể nói đây là một cố gắng của cả hệ thống chính trị. UBND TP sẽ tiếp tục có chỉ đạo cùng các sở, ngành, quận, huyện đẩy mạnh các thủ tục về cải cách hành chính, xây dựng các cơ chế, chính sách, có chiến lược về xúc tiến đầu tư hỗ trợ nhà đầu tư từ vấn đề gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp cho đến tiếp cận các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, để làm sao Hà Nội thực sự trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh:

Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quận Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm mọi chỉ đạo của TP về huy động sức dân để cùng với nhà nước hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, những người lao động mất việc làm…với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và 270 tấn gạo. Về định hướng trong năm tới, quận Cầu Giấy chuẩn bị tất cả các dự án đầu tư ngay từ đầu năm cũng như tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm                   Phạm Tuấn Long:

Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng khách du lịch trên địa bàn quận giảm, quận đã chuyển hướng dành nguồn lực để tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, cũng như củng cố lại các cơ sở vật chất phục vụ cho ngành du lịch trên địa bàn. Điển hình là dịp 10/10 vừa qua, quận đã hoàn thành dự án cải tạo kỹ thuật và chỉnh trang khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Đến đầu năm 2021, quận Hoàn Kiếm sẽ hoàn thành hạ ngầm tất cả hệ thống đường dây điện trong khu vực phố cổ, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại phố ẩm thực Tống Duy Tân và Cấm Chỉ, đồng thời củng cố lại các hoạt động của các khu phố này đúng nghĩa là tuyến phố ẩm thực và công nghệ của Hà Nội. Vào ngày 31/12/2020 tới, quận Hoàn Kiếm sẽ chính thức khai trương mở rộng không gian phố đi bộ trong khu vực phố cổ, gắn kết giữa khu phố đi bộ phía Bắc với khu phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, tạo không gian để thu hút khách du lịch.

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cũng chia sẻ: Năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến công tác thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Nhưng cùng với các giải pháp của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Thành ủy, UBND TP, sự vào cuộc nhanh chóng đồng bộ của các ngành, các cấp, thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô đã tiệm cận với việc hoàn thành và vượt mức thu ngân sách. Đây là nỗ lực rất lớn của Thủ đô Hà Nội góp phần vào thu ngân sách quốc gia.

Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, năm 2020, ngành Công Thương đã đưa ra những giải pháp có tính chất đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho TP Hà Nội. Trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, ngành Công Thương là đơn vị đầu tiên tham mưu cho TP xây dựng kế hoạch kích cầu và triển khai nhiều chương trình kết nối cung cầu và khuyến mại tập trung nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đẩy mạnh sản xuất và giảm lượng tồn kho cho doanh nghiệp; Tổ chức rất nhiều những hoạt động xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố để cân đối cung - cầu trên địa bàn.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng quan tâm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử để phù hợp với điều kiện mua sắm của người dân trong dịch Covid-19, thúc đẩy việc không sử dụng tiền mặt, tăng cường đầu tư hạ tầng công nghiệp. Đặc biệt là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, Sở đã đề xuất giảm thu phí lệ phí từ 30-50% cho các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ các thủ tục hành chính trong thời điểm phải cách ly xã hội…

Kết quả các chỉ tiêu phát triển công nghiệp năm nay tăng 4,7%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 7,7%. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 2,7%. Chỉ số giá tiêu dùng của TP được kiểm soát. Đây là những cố gắng nỗ lực của ngành Công Thương cùng với các doanh nghiệp và các cấp, các ngành vào cuộc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần tăng tổng mức GRDP của TP lên 3,98%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước.

PHẠM HẰNG - HỒNG QUÂN

Tin cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn khẳng định, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.