10 tuổi nhưng tuổi xương chỉ như trẻ 20 tháng

Chia sẻ

Theo TS.BS Vũ Chí Dũng - Trưởng khoa Nội tiết (BV Nhi Trung ương), cứ 4.000 trẻ sinh ra thì có 1 trường hợp trẻ như người “tí hon” do thiếu hormone tăng trưởng. Tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 1,4 triệu em bé chào đời, tức sẽ có thêm khoảng 350 cháu bị dị tật này.

TS.BS Vũ Chí Dũng thăm khám và trò chuyện với bệnh nhi khi trẻ đến tái khám.TS.BS Vũ Chí Dũng thăm khám và trò chuyện với bệnh nhi khi trẻ đến tái khám. (Ảnh: Thái Bình)

“Người tí hon” do thiếu hormone tăng trưởng

Mới đây, TS.BS Vũ Chí Dũng vừa tái khám cho bé V, con gái chị Q.T.T (ở Thái Bình) sau 2 năm theo dõi, điều trị tiêm hormone tăng trưởng. Theo chia sẻ của gia đình, bé V sinh năm 2008, nặng 2,8kg. Đến tháng thứ 5 cháu tăng lên được 5kg, nhưng 9 tháng sau đó không tăng thêm lạng nào. Đằng đẵng 3 năm trời chị T cho con uống sữa, uống thuốc theo đơn điều trị dành cho trẻ suy dinh dưỡng, bé V chỉ tăng thêm 2 lạng. Vì quá nhỏ nên đi đâu V cũng phải có sự hỗ trợ của cha mẹ. V cũng chưa tự chăm sóc hay thực hiện vệ sinh cá nhân cho mình.

Thấy con mình sau nhiều năm chăm sóc vẫn thấp bé bất thường, đầu năm 2019, chị T đưa bé V lên BV Nhi Trung ương thăm khám. Thời điểm đến khám, cháu V đã được 9 tuổi 5 tháng nhưng chỉ dài 79cm, nặng 9kg (tương đương chỉ số của trẻ 1-2 tuổi). Kết quả chụp cắt lớp MRI cho thấy tuyến yên nhỏ, tuổi xương chỉ tương đương trẻ 20 tháng. “Trẻ phát triển chậm ở mức độ rất nặng, nguyên nhân do bị suy tuyến yên bẩm sinh, đặc biệt thiếu hormone tăng trưởng nặng”- TS.BS Vũ Chí Dũng nói.

Bởi vậy, các bác sĩ BV Nhi Trung ương đã chỉ định điều trị cho cháu V bằng thuốc hormone tăng trưởng. May mắn bệnh nhi đáp ứng thuốc tốt nên sau 12 tháng, cháu đã tăng được 18cm, sau 19 tháng tăng 26cm, sau 22 tháng tăng 28cm. Đến nay, bé V đã cao 108cm, nặng 19kg. Đây là một sự thay đổi rất lớn đối với bé V sau 2 năm điều trị.

Không riêng bé V, hiện mỗi ngày có khoảng 20 trẻ đến khám tại khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền vì chậm tăng trưởng chiều cao. Khoa cũng đang quản lý 400 bệnh nhi có bệnh lý tương tự, như trường hợp bé gái 19 tháng tuổi chỉ cao 59cm (sau 5 năm 4 tháng điều trị đã tăng lên 111cm); bé trai 12 tuổi bị não úng thủy bẩm sinh, đặt van dẫn lưu lúc 7,5 tháng tuổi, chỉ cao 93cm do thiếu hormone tăng trưởng (sau 1 năm điều trị bé cao lên 17,5cm, sau 22 tháng bé đã cao 118cm).

“Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết lượng bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng, vì chắc chắn còn nhiều cháu đến khám ở các cơ sở khác hoặc chủ yếu đi khám dinh dưỡng” - TS.BS Vũ Chí Dũng thông tin.

1 năm trẻ không tăng 4cm chiều cao… là bất thường

Lý giải nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, TS.BS Dũng phân tích: Trong 100% trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao có tới 90% là thấp bình thường, khoảng 10% là do bệnh lý. Tuy nhiên, với trẻ hạn chế tăng trưởng chiều cao do bệnh lý, cần theo dõi ít nhất 6 tháng. Nếu trong 1 năm, trẻ không tăng thêm được 4cm là bất bình thường.

Thực tế, rất nhiều bệnh lý có thể khiến trẻ không phát triển được như: Thiếu dinh dưỡng, vấn đề về nội tiết (thiếu hụt GH - hormone tăng trưởng đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone tuyến yên, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp), yếu tố tâm lý - xã hội, các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, bệnh về xương, bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, Down), rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác…

“Trẻ hạn chế phát triển chiều cao do gặp vấn đề bệnh lý có thể điều trị nếu phát hiện kịp thời, được xác định đúng bệnh và phác đồ phù hợp. Trên thực tế, đã có không ít cháu được điều trị thành công. Đáng tiếc, nhiều trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến khám và điều trị khi quá muộn dẫn tới hiệu quả điều trị không cao. Đơn cử một bệnh nhi ở khu vực miền Trung, được đưa tới khám khi đã 17 tuổi trong khi chiều cao và cân nặng chỉ như một trẻ 9 tuổi. Những trường hợp này can thiệp quá muộn, trẻ không dậy thì được, không thể có con” - TS.BS Dũng cho hay.

Bên cạnh đó, một số cha mẹ lại tự ý cho con dùng sản phẩm kích thích bài tiết hormone tăng trưởng để tăng chiều cao… mà không có sự thăm khám, kê đơn của bác sĩ. Việc làm này rất nguy hiểm. “Trẻ không thiếu hormone mà vẫn bổ sung chẳng những gây tốn kém về tiền bạc, mà còn tác động xấu đến các cơ quan khác của trẻ như: Kích thích phát triển xương gây bệnh về xương, cong vẹo cột sống, phì đại các đầu chi… Vì vậy, nếu thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về chiều cao, hoặc mong muốn trẻ tăng thêm chiều cao, cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn phương pháp điều trị, chăm sóc phù hợp nhất” - TS.BS Vũ Chí Dũng khuyến cáo.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).