Đi qua đại dịch, thiên tai mới thấm thía giá trị của gia đình

Chia sẻ

Năm 2020 khép lại với nhiều biến cố lịch sử từ sự ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Và, đời sống gia đình cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Có những giá trị gia đình tưởng chừng như đã bị bỏ quên thì nay lại được kích hoạt trở lại.

Chức năng tình cảm gia đình đang đảo chiều trở lại

Ở góc độ xã hội học, chức năng tình cảm gia đình hay còn gọi là chức năng thỏa mãn tình cảm giữa các thành viên trong gia đình truyền thống Việt có những đặc điểm như: Đề cao vai trò của các giá trị đạo đức; Đề cao lòng yêu thương, chăm sóc con cái hết lòng của cha mẹ đối với con cái, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà, tình yêu thương giữa các anh chị em trong gia đình, tình cảm thủy chung, tình nghĩa vợ chồng… Nhờ có chức năng tình cảm, gia đình mới trở thành tổ ấm chở che, bảo vệ, nâng đỡ các thành viên từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, là nơi để mỗi người trở về chia sẻ với nhau mọi buồn vui, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.

Nói về tầm quan trong của chức năng tình cảm gia đình, theo ông Hoa Hữu Vân (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng, giữa những tác động nhiều chiều của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, trong những xu hướng biến đổi của nhiều loại hình gia đình thì chức năng tình cảm vẫn là chức năng nổi trội nhất của gia đình. Nó vượt trên tất cả các chức năng kinh tế, giáo dục, sinh đẻ…

Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, nhịp sống thị trường cùng với sự du nhập lối sống từ bên ngoài vào, ở một góc độ nào đó, chức năng tình cảm của gia đình Việt đã và đang dần trở nên phai nhạt, thậm chí bị bỏ quên. Hệ lụy này đã dẫn đến kết quả bạo lực gia đình gia tăng và ngày càng phức tạp, tình trạng đạo đức gia đình bị xuống cấp đến mức báo động khi các thảm án gia đình liên tục xảy ra. Giới trẻ sống trở nên ích kỷ hơn, coi trọng, đề cao giá trị vật chất, sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ không còn như trước đây, tình nghĩa vợ chồng thiếu bền vững, tình trạng ly hôn không ngừng gia tăng.

Đi qua đại dịch, thiên tai mới thấm thía giá trị của gia đình - ảnh 1

Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, sự nguy hiểm của nó đã khiến con người buộc phải nhìn nhận lại cách sống của mình. Trong thời gian cách ly xã hội, mọi người tạm thời bị tách khỏi nhịp sống thời công nghiệp, những nhu cầu cá nhân bị hạn chế tuyệt đối. Họ trở về với gia đình và bắt đầu sống chậm lại. Trong thời gian đó, người ta bất chợt nhận ra lâu nay mình đã bỏ quên nhiều thứ đối với gia đình và người thân. Trong những thứ bị bỏ quên đó chính là sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu nhau, tình cảm yêu thương dành cho nhau mỗi ngày. Bữa cơm gia đình, yếu tố chủ đạo để kết nối các thành viên trong gia đình mỗi ngày, thắt chặt lại tình cảm yêu thương bị sao nhãng, bỏ quên lâu nay, thì bây giờ được tổ chức lại đều đặn hơn.

Anh Hoàng Bình Quân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Lâu nay, bữa cơm gia đình của chúng tôi rất rời rạc bởi công việc bận rộn, việc học hành nhiều ca trong ngày của con cái. Bữa sáng và bữa trưa gần như ở trường học và cơ quan, chỉ có bữa tối, bếp nhà mới đỏ lửa, nhưng rồi cũng mạnh ai nấy ăn vì chẳng thể chờ nhau về ăn cùng giờ. Thời gian cách ly xã hội là những ngày tháng cả nhà sum họp đầy đủ bên bữa cơm gia đình đủ ba bữa/ngày. Vợ, chồng, bố mẹ và con cái có thời gian dành cho nhau nhiều hơn. Việc vào bếp chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cũng giúp các thành viên hiểu ra những giá trị của gia đình đằng sau đó. Tôi và các con có dịp nhìn rõ hơn sự vất vả của mẹ khi vào bếp chuẩn bị bữa ăn mà có sự chia sẻ cùng. Sau khi cuộc sống bình thường trở lại, chúng tôi đặt ra nguyên tắc dù thế nào thì bữa cơm tối cũng phải được duy trì đều đặn sự có mặt đông đủ của cả nhà. Việc này khiến gia đình tôi trở nên hạnh phúc hơn.

Còn với vợ chồng chị Lê Hoàng Oanh (Ba Đình, Hà Nội), đại dịch đã khiến họ nhận ra những thiếu sót của mình trong việc chăm sóc bố mẹ già hai bên. Chị Oanh kể, vợ chồng họ sống riêng, việc chăm sóc, quan tâm bố mẹ già lâu nay gần như bị sao nhãng. Anh chị luôn cho rằng bố mẹ dù sống riêng với con cái nhưng tất cả đều khỏe mạnh, ông bà nào cũng có lương hưu, tự lập được cuộc sống, chẳng phiền lụy gì đến con cái. Do đó, dù sống trong cùng thành phố nhưng họ ít có thời gian dành cho tứ thân phụ mẫu. Thỉnh thoảng lắm, họ mới dắt díu nhau về ăn bữa cơm rồi lại quay về với cuộc sống bận rộn của mình. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước, một ngày anh chị nhận được tin bố mẹ hai bên thuộc diện F1 của một ca mắc Covid-19 phải đi cách ly tập trung, theo dõi và chờ xét nghiệm có bị dương tính hay không. Đó là những ngày giờ, vợ chồng anh chị như ngồi trên lửa. Nỗi lo sợ về điều không may khiến anh chị cảm thấy có lỗi với bố mẹ rất nhiều. Họ day dứt hối hận vì lâu nay chưa quan tâm, hiếu thảo với bố mẹ cho trọn đạo làm con.

Rất may mắn, cả hai bên bố mẹ đều có kết quả âm tính sau khi xét nghiệm. Từ khi họ trở về nhà đến nay, anh chị đã hoàn toàn thay đổi cách sống và ứng xử với bố mẹ. Họ cùng các con dành nhiều thời gian để quan tâm tới ông bà hơn. Tình cảm yêu thương giữa ông bà và con cháu vì thế cũng được thể hiện nhiều hơn.

Đây chỉ là những câu chuyện điển hình cho sự kết nối tình cảm yêu thương trở lại khi các thành viên trong gia đình đi qua mùa dịch bệnh. Ai cũng nhận ra chức năng tình cảm gia đình đang được đảo chiều, cố gắng quay trở lại với những giá trị truyền thống nhiều hơn trước.

Tìm lại giá trị gia đình: Hãy yêu thương khi còn được ở bên nhau

Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có "mạnh khỏe", phát triển thì xã hội mới phồn vinh. Do đó việc giữ gìn các giá trị gia đình rất được Đảng và Nhà nước quan tâm, bằng việc ban hành nhiều chính sách, chiến lược, kế hoạch để xây dựng và bảo vệ gia đình. Trong đó, chú trọng đến việc bảo vệ các giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một trong những giá trị của gia đình đó chính là lòng yêu thương. Bởi chỉ có lòng yêu thương mới khiến các thành viên gắn kết với nhau, chia sẻ, hy sinh vì nhau. Thời gian vừa qua, đại dịch, thiên tai đã bất ngờ tước đi sinh mạng của nhiều người. Những hình ảnh đau xót được lan truyền sâu rộng trên mạng xã hội và có tác động sâu sắc đến nhiều người. Mỗi người cha, người mẹ nhận ra mình cần phải có trách nhiệm với con cái, với tuổi già của cha mẹ nhiều hơn. Bởi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất "bất thình lình". Họ không thể đợi đến khi mất đi người thân, đối diện với nỗi đau đớn tột cùng mới thể hiện tình yêu thương của mình, mới hối hận sao không yêu thương, không quan tâm, không bảo vệ người thân trước đó nhiều hơn, bây giờ có muốn làm thì mãi mãi chẳng có cơ hội. Vì thế chân lý: Hãy yêu thương khi còn được ở bên nhau đã được nhiều người ngộ ra sau đó.

Khi câu chuyện và hình ảnh người chồng ở miền Trung gào khóc tìm vợ khi vợ anh bị nước lũ cuốn trôi trên đường đến bệnh viện sinh con được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người chồng đã phải giật mình nhìn nhận lại tình cảm của mình đối với vợ lâu nay.

Một trong số đó có em rể tôi. Khi em gái tôi sinh con đầu, em rể ỷ có bố mẹ hai bên sống gần nên chẳng để ý, quan tâm nhiều trong việc vợ sinh nở. Vợ mang thai thì đã có nhà ngoại chăm bẵm, vợ vào viện sinh con thì đã có chị gái làm bác sĩ sản khoa, vợ ở cữ thì hết bố mẹ đẻ đến bố mẹ chồng giành nhau chăm con, chăm cháu. Em rể tôi chỉ loanh quanh vòng ngoài, và vẫn đi uống bia hơi, tụ tập khi vợ vào viện sinh con. Vợ sinh xong rồi vào viện nhận con, ngó vợ rồi giao lại cho người thân tiếp tục công việc của mình. Vậy nhưng kể từ khi xem những hình ảnh người chồng đau đớn mất vợ con đó, trùng hợp đúng thời gian em gái tôi mang thai lần thứ hai, em rể tôi đã có sự thay đổi. Cậu sắp xếp bố trí đưa vợ đi khám thai định kỳ, ngày vợ vào viện sinh nở túc trực từ đầu đến cuối. Khi vợ sinh con bình an, cậu đứng lặng, nước mắt vòng quanh. Lần đầu tiên, em rể tôi bảo cảm thấy rõ niềm hạnh phúc và trút đi nỗi lo lắng bất an khi vợ sinh con.

Lịch sử đã chứng minh rằng, từ khi loài người xuất hiện, gia đình cũng theo đó được hình thành và trở thành một thiết chế quan trọng liên quan đến hoạt động của xã hội. Sự nghiệp quan trọng nhất của mỗi người chính là sự nghiệp gia đình. Bởi suy cho cùng, việc gầy dựng sự nghiệp bên ngoài cũng đều nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp gia đình. Đó là mang đến đời sống ấm no, được học hành tiến bộ, cuộc sống hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình.

Cuộc sống hiện đại dù có biến đổi gia đình theo những xu hướng phát triển mới, hình thành nên những kiểu gia đình như: gia đình đơn thân, gia đình đồng giới, gia đình không con cái… Nhưng dù ở kiểu gia đình nào lòng yêu thương vẫn là giá trị cốt lõi mà chúng ta cần phải giữ gìn, duy trì.

DUY BÌNH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.