Nữ thi sĩ Trần Kim Hoa một vẻ đẹp thơ giàu nữ tính

Chia sẻ

Nữ thi sĩ Trần Kim Hoa vừa được nhận giải thưởng duy nhất về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 với tập thơ “Bên trời”. Được nhận tập thơ, tôi đã đọc chậm rãi, mỗi ngày chỉ một bài. Sáng ngủ dậy: đọc. Trưa và tối trước khi ngủ: đọc. Đến bài thứ mười chợt nhận ra: Dù cách tân, hiện đại đến đâu, thơ nàng cũng rất gần gũi, thân thương.

Bởi những bài thơ ấy rất giàu nữ tính.

1

Chất nữ tính của một người thiếu nữ, thiếu phụ dù ra sống ở Thủ đô dễ gần bốn chục năm rồi vẫn mang tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của “gái quê”. Đang dạo Phố vẫn không trộn lẫn: và em bước xuống từ bức tranh huệ trắng/ áo dài thêu bông cỏ may. Hình ảnh trong thơ nàng luôn gợi nhớ quê kiểng: mảnh mai con đò chở gió/ …/ áo nâu dầu mưa nắng/ ngày cuối chợ, bữa mom sông (“Phố”), hay: tháng giêng năm ấy đêm rằm/ câu thơ soi bóng tơ tằm xênh xang/ … tháng giêng năm ấy, sân đình/ ta buông vạt áo đợi mình sang sông (“Tháng giêng năm ấy”). Dưới đôi mắt đen của nàng, mọi sự vật, cảnh vật thiên niên đều bị “nữ tính hóa”: Hàng Đào đỏ bừng đôi má/ Hàng Lược chải mái tóc mây/ …/ Phù sa như làn da mịn/ …/ lúa dậy thì một sớm mai (“Vẫn sớm mai này”). Chất nữ tính trong thơ nàng đậm đặc đến nỗi trong mười bài thơ đầu tiên của thi tập, không bài nào không xuất hiện những hình ảnh về người đẹp, ít nữa cũng là những vật dụng trang sức của phái đẹp: một tà áo, một dải khăn choàng vai, một ánh nhìn thương mến: Hà Nội gió mùa Đông Bắc/ những con phố phong phanh/ ta và em như khăn mỏng/…/ Những ngày thu cuối cùng phập phù trên cây bàng lá đỏ/ như tấm áo phù dung/ sắp tuột khỏi bờ vai thiếu phụ... (“Gió mùa đông bắc”), hay: cành sen ướp gió Tây Hồ/ vuông lụa người xinh dệt lúc sang canh/ cửa ô trầm ngâm choàng khăn rêu cũ (“Bờ vai nghìn năm thương nhớ”), hay: Hà Nội đầu thế kỷ hai mốt/ như người đẹp bước ra từ tiệm làm đầu/ tóc nhiều màu song mắt cứ là đen (“Có thể ngày mai”)… Điều đáng quý là dẫu sống trong nhịp sống hối hả của đô thành, an vui trong gia đình và thành đạt trong sự nghiệp, nàng vẫn luôn thương nhớ mẹ già, người thân, luôn gìn giữ nâng niu những kỷ niệm thuở thiếu thời: mẹ ngồi đan áo/ tờ thư năm cũ úa vàng (“Phố”), hay: Hà Nội không màng phấn son/ hàng cây tưng bừng đến hẹn/ kỷ niệm chất đầy trong tim (“Có thể ngày mai”).

Nữ thi sĩ Trần Kim Hoa một vẻ đẹp thơ  giàu nữ tính - ảnh 1

2

Đọc thơ Trần Kim Hoa sẽ thấy sau những câu chữ tưởng chừng đơn giản ấy là tình yêu quê hương, đất nước tha thiết của người thơ. Nàng đi ra khỏi tuổi thơ mình, nhưng không bao giờ quên hạt gạo thơm trên tay đã nuôi lớn mình nên người.

Tình yêu ấy bắt nguồn từ tình yêu những người thân yêu ruột thịt một đời vất vả vật lộn với thiên tai để nuôi sống gia đình. Hình ảnh mẹ đong mưa bằng mo cau sũng nước/ cha lưng trần co kéo chiều giông/ nếp nhăn trên mặt cha/ chỉ giãn ra khi người nằm xuống/ bàn tay cha sần/ đã theo người đi mãi (“Đêm bao giọt lệ”) hẳn đã đi suốt cuộc đời người thơ, để nàng hiểu được cái giá của hạt gạo quê nhà: Lẫn trong gạo trắng có đôi hạt cỏ vụng về (“Trong gạo trắng có khúc đồng dao”). Tình yêu ấy bén rễ và lớn dần với làng quê lam lũ đói nghèo bươn bả mưu sinh: hạn hán đeo đẳng cánh đồng/ mưa làm mềm lòng đất/ làng vẫn nón mê bươn bả/ sân gạch nhói đau mỗi độ bão về (“Đêm bao giọt lệ”). Nhưng nếu tuổi thơ chỉ chứng kiến những nỗi vất vả ấy, những nỗi lo suốt tháng năm mưu sinh ấy, hẳn sau này những vần thơ nàng không thể bay cao, bay xa. Quê hương ấy, những người thân yêu ruột thịt ấy còn sớm gieo vào tâm hồn nàng những khúc đồng dao đáng yêu: Lẫn trong gạo trắng có khúc đồng dao lũ trẻ chăn trâu để quên một đêm trăng sớm; những khát khao hy vọng, những câu chuyện cổ tích đẹp như mơ: lối cổ tích êm như bông ấm như nắng/ Nhà và Gạo đi tìm tình yêu. Dẫu bao nhiêu vất vả gian nan: Nhà và Gạo lội qua ba khúc sông trong vắt/ vượt qua chín mươi chín đỉnh núi mây mù (“Cổ tích”) nhưng chắc chắn sẽ dẫn đôi trẻ đến bến hạnh phúc. Để sau này, “Từ ngõ nhỏ ra đường lớn”, người thơ đặt chân lên bao miền đất của Tổ quốc Việt Nam tươi đẹp và kiêu hùng. Người thơ theo câu hát tới Sin Suối Hồ gặp những em váy thêu, má đỏ/ bẽn lẽn rượu mời để vãng lai, hớn hở/ một lần say trong đời (“Một lần Sín Suối Hồ”). Người thơ “Trở lại Bản Lác” bồi hồi trước cảnh giấc mơ thổ cẩm lưu lạc phương trời nào, để sống lại những ngày hạt gạo dẻo thơm dỗ dành ta bữa cơm trưa chan gió đồng/ những lưỡi hái, cung tên, khèn Thái xếp hàng mời mọc. Người thơ dừng chân bên bến Bạch Đằng Giang, nơi viết lên bao trang sử sách chống ngoại xâm oai hùng của dân tộc, để có cuộc sống thanh bình tươi đẹp hôm nay: Bạch Đằng Giang sử sách/ giờ hiền như câu thơ (”Thanh gươm và dải lụa”). Người mải mê đi miết, từ: Cao Bằng nghiêng, sông Bằng xuôi, qua Đông Hà chứa chan mưa nắng/ Non Nước tạc vào thiên thu, đến Phú Quốc sóng dựng ngang trời/ Đất Mũi bàn chân mở đất (“Tôi đi”). Tầm nhìn của người ngày một cao lên, và những vần thơ của người cũng lớn lên, vạm vỡ lên.

3

Người ta thường nói, thi sĩ nào chẳng cô đơn. Nữ thi sĩ cô đơn gấp bội. Hình như không cô đơn họ không cất lên được tiếng hót, hoặc dẫu cất lên tiếng hót ấy cũng rời rạc, buồn tẻ. Cô đơn như một thức ăn đặc biệt nuôi dưỡng sinh khí hồn thơ.

Nữ thi sĩ Trần Kim Hoa một vẻ đẹp thơ  giàu nữ tính - ảnh 2

Tác giả “Bên trời” không ngoại lệ. Thơ chị tràn ngập tình yêu quê hương đất nước, lạc quan yêu đời trước cuộc sống mỗi người đang sáng lên mỗi ngày. Chị đã “ngộ” ra quy luật trôi chảy của thời gian từ vô thủy đến vô chung. Nhưng có những thời khắc, chị không giấu được sự cô đơn lẻ chiếc của mình: một tôi với một tôi thôi/ xanh cao thì gió chảy trôi thì bờ/ bốn bề ngút cỏ dại khờ/ ngả nghiêng bão tới mịt mờ giông qua. Đôi khi, những câu thơ chị vui buồn trộn lẫn: một tôi vui đến thiết tha/ một tôi buồn tựa sương sa bến chiều/ một tôi sợi khói xanh rêu/ ngõ xa xôi lối phiêu diêu tơ mành… (“Một tôi”). Biết bao đêm trường, người thơ trằn trọc trước cảm giác: những con đường ta đi ngày một dài thêm/ bậc thềm cũ bao lần rêu mọc lại, để chị phải gối cúc hằng đêm đợi sáng... (“Gối cúc”). Chị không khỏi băn khoăn: ta như dấu chấm rớt xuống đời ai đó/ ai đó như dấu chấm than rớt xuống đời ta… (“Dấu chấm và dấu than”). Nhưng những phút giây kia sớm tan trong phút chốc. Người thơ vẫn vững bước trên con đường mùa thu, đến một trời nắng gió/ một trời xanh mây. Trong hành trình về tương lai, người có bao nhiêu bạn đồng hành: người đi muôn lối/ người còn đâu đây. Để đến một ngày không gió/ một ngày trôi êm (”Tháng mười”). Để đến một ngày gặp lại giấc mơ tuổi thơ tươi đẹp của người: giấc mơ thuở nào nhen lên/ vành nôi thuở nào à ơi/ à ơi/ nắng/ vắng…

4

Bút pháp “Bên trời” chủ yếu mang xu hướng cách tân và sắc thái hiện đại, nhưng luôn kết hợp nhuần nhuyễn với tính truyền thống của thơ Việt. Điều đó không chỉ thể hiện trong thể loại, hình ảnh người thơ đã dùng, mà chính yếu hơn, trong cảm xúc thuần Việt được biểu đạt trong mỗi câu thơ, bài thơ và trong suốt tập thơ.

Tôi đã thử làm phép thống kê. Trong 88 bài của thi tập có bốn bài thơ lục bát – thể thơ đặc trưng của dân tộc Việt: Tháng giêng năm ấy, Tầm xuân đã trổ lối hường, Một tôi, Người xa chiếc lá về đâu hỡi người. Thể thơ lục bát có ưu thế biểu đạt những tình cảm thân thuộc, mến thương; nó góp phần làm mềm hóa bài thơ và xích gần về phía đa số độc giả đại chúng. Các thể thơ “hình chữ nhật” chiếm một tỷ lệ khiêm tốn: bốn chữ 2 (Thu về muôn một, Tháng mười); ngũ ngôn 2 (Tháng ba chưa dời bước, Năm cũ miệt mài xa), lục ngôn 1 (Hỏi sao dòng sông đi mãi). Các thể thơ này cô đọng, súc tích, thiên về tư duy trí tuệ và gói tình cảm trong từng câu chữ. Còn lại 79 bài thơ khác thuộc thể thơ tự do (riêng bài thơ Trong gạo trắng có khúc đồng dao mang dáng dấp “thơ văn xuôi”). Với những câu thơ dài ngắn khác nhau, nhịp thơ biến hóa diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc mạnh mẽ khoáng hoạt của người thơ. Các hình ảnh trong thơ tân kỳ nhưng gắn với những sự vật gần gũi, làm cho câu thơ trở nên lung linh lạ thường: ta và em như khăn mỏng… Những ngày thu cuối cùng phập phù trên cây bàng lá đỏ/ như tấm áo phù dung/ sắp tuột khỏi bờ vai thiếu phụ… Nhiều hình ảnh được nâng lên thành hình tượng, đẹp và kỳ vĩ lạ lùng: Những sải tay gừng cay muối mặn/ tre trúc cũng vùng lên đuổi giặc/ sóng kình ngư cuộn đỏ Bạch Đằng Giang (Bên biển), Bạch Đằng Giang sử sách/ giờ hiền như câu thơ/ …/ câu hát đúm đung đưa/ dải lụa mềm ngã ba sông/ Phượng Hoàng thanh gươm sáng... (Thanh gươm và dải lụa)… Câu chữ dùng chắt lọc, cân nhắc đến từng “Dấu chấm và dấu than”: ta như dấu chấm rớt xuống đời ai đó/ ai đó như dấu chấm than rớt xuống đời ta…

Phải chăng tất cả những thành công của “Bên trời” do người thơ đã kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp cách tân và truyền thống?

LÊ QUỐC HÁN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.