Đấu tranh quyết liệt với thông tin xuyên tạc, bịa đặt

Chia sẻ

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021, tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, càng gần đến ngày Đại hội, trên các diễn đàn MXH xuất hiện nhiều thông tin giả mạo, xuyên tạc về nhân sự đại hội. Vì vậy, việc đấu tranh với thông tin xuyên tạc càng phải quyết liệt hơn bao giờ hết.

Hội nghị Trung ương 14, khóa XII, Trung ương chỉ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, chưa bàn đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt như thông tin xuyên tạc.Hội nghị Trung ương 14, khóa XII, Trung ương chỉ giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, chưa bàn đến nhân sự lãnh đạo chủ chốt như thông tin xuyên tạc. (Ảnh: Int)

Từ ngày 14 đến 18/12/2020, tại Thủ đô Hà Nội, thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ 14 để thảo luận và thông qua nội dung các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Một trong những nội dung quan trọng được Trung ương thảo luận kỹ lưỡng đó là quy chế bầu cử và vấn đề giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định việc chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII là công việc kế thừa, tiếp nối của công tác quy hoạch cán bộ, rất hệ trọng và liên quan đến thành công của Đại hội XIII của Đảng và sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến một cách thẳng thắn, xây dựng, tạo sự đoàn kết và thống nhất cao trong việc bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Sau mỗi ngày họp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều có thông cáo báo chí thông tin những nội dung mà Trung ương thảo luận, quyết định cho từng ngày làm việc cụ thể. Tuy vậy, chỉ ít giờ sau khi Hội nghị Trung ương 14 khai mạc, một tài khoản đã tung ra những clip xuyên tạc rằng "Bộ Chính trị ra "thông cáo" về tứ trụ nhân sự Đại hội XIII hay là "Bộ Chính trị thông báo "Tứ trụ tạm thời", Hội nghị Trung ương 14 đã quyết định "ông A" làm Tổng Bí thư khóa XIII. Phi lý hơn nữa đó là ngay từ đầu tháng 12 đã có những video giới thiệu về "chân dung tân Tổng Bí thư sau Đại hội XIII", thu hút tới hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Có thể khẳng định đây là những thông tin hoàn toàn bịa đặt và suy đoán vô căn cứ.

Cần phải khẳng định thật rõ ràng là chưa có khóa trung ương nào mà công tác nhân sự lại được làm kỹ lưỡng, bài bản và mang tầm chiến lược như nhân sự khóa XIII. Ngay từ đầu khóa XII, vào tháng 3/2016, người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng là chống chạy chức, chạy quyền. Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tổng rà soát công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong toàn quốc. Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương với tinh thần cán bộ chức vụ càng cao càng phải nêu gương. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Điểm qua những nghị quyết, quy định nêu trên để thấy công tác cán bộ luôn được Đảng ta quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Để chuẩn bị cán bộ cấp chiến lược cho khóa XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo mở 5 lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho Đại hội XIII giao cho Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện. Tinh thần chỉ đạo chung là cán bộ phải qua các lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược cho Đại hội XIII thì mới được xem xét giới thiệu vào các bước chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII. Quy trình công tác cán bộ bao gồm 5 bước. Hội nghị Trung ương lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, trách nhiệm và thống nhất cao với sự chuẩn bị của Bộ Chính trị về nhân sự; đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII, Hội nghị Trung ương 14 vừa rồi là Trung ương giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Hội nghị Trung ương 14 chưa bàn đến nhân sự tứ trụ vì vậy việc thông tin ông này làm Tổng Bí thư, ông kia tham gia tứ trụ là hoàn toàn thiếu căn cứ.

Chúng ta đều biết Đại hội XIII sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII. Trên cơ sở các Ủy viên Bộ Chính trị được Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bầu ra thì Bộ Chính trị khóa XIII sẽ giới thiệu nhân sự là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị để Quốc hội bầu vào các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quy trình này được quy định rất chặt chẽ trong Hiến pháp và các đạo luật. Vì vậy những thông tin sai lệch về tứ trụ, ông nọ, bà kia làm những chức vụ trong tứ trụ là hoàn toàn thiếu căn cứ, sai trái và với dụng ý xấu cần phải được đấu tranh quyết liệt tạo nên niềm tin vững chắc của nhân dân và xã hội về công tác Đại hội Đảng lần thứ XIII và công tác nhân sự khóa XIII của Đảng.

TS TỐNG ĐỨC THẢO
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Đấu tranh quyết liệt với thông tin xuyên tạc, bịa đặt - ảnh 2

Đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội (ảnh trên):
Công tác chuẩn bị nhân sự được tiến hành thận trọng, bài bản, kỹ lưỡng

Mong muốn lớn nhất ở Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là lựa chọn được đội ngũ cán bộ đủ tài, đủ đức tiếp tục đảm đương vai trò lãnh đạo đất nước, đáp ứng kịp thời trước những thách thức đặt ra. Do đó, trong công tác cán bộ phải biết lắng nghe dân để lựa chọn người tài, đức.

Đối với Đại hội XIII của Đảng, cá nhân tôi cũng như mọi người đều mong đại hội sẽ bầu ra được đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ tầm cao trí tuệ, có năng lực nắm bắt tình hình, nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán; vừa kế thừa được những thành quả hiện tại, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế để đưa đất nước tiến lên, đạt được những thành tựu mới.

Không phải chúng ta tự khen mà trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam trong mọi giai đoạn đều được khẳng định trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và được thế giới thừa nhận. Thực tế diễn ra gần đây trong việc chống dịch Covid-19 và phòng, chống thiên tai, bão lũ cũng đang chứng minh điều đó. Việt Nam là một dân tộc kiên cường, đoàn kết, thông minh, càng trong khó khăn, càng làm bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp hiếm có. Người có tài, có đức trong Đảng, trong dân lúc nào cũng có. Cho nên mọi người đều trông mong đại hội sẽ bầu chọn ra được những đồng chí tiêu biểu, xứng đáng nhất vào cơ quan lãnh đạo để đảm đương những vị trí chủ chốt.

Trong công tác cán bộ, chúng ta thường nói nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí lựa chọn người, nhưng xét cho cùng thì mỗi cán bộ xứng đáng được chọn cần phải có hai phẩm chất cơ bản là đức và tài. Tài là khả năng nắm bắt xử lý tình hình; là năng lực tổ chức thực hiện; đức là một lòng vì dân, vì nước, toàn tâm toàn ý vì mục tiêu lý tưởng của Đảng và nhân dân. Việc gì có lợi cho dân thì ra sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. 

Đấu tranh quyết liệt với thông tin xuyên tạc, bịa đặt - ảnh 3

Đồng chí Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh trên):
Công tác nhân sự được chuẩn bị chặt chẽ, kỹ lưỡng

Theo kết quả tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và đặc biệt là Đảng bộ TP Hà Nội vừa tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đã cho thấy, hai yếu tố quan trọng làm nên thành công chính là công tác nhân sự và công tác chuẩn bị văn kiện đại hội.

Với công tác nhân sự, các cấp, các ngành đều triển khai thực hiện quy trình nhân sự 5 bước theo hướng dẫn của Trung ương bảo đảm chặt chẽ, kỹ lưỡng để lựa chọn được những người có đức, có tài, có năng lực chuyên môn cao vào bộ máy lãnh đạo. Từ kết quả này, người dân có thể tin tưởng, kỳ vọng Thủ đô và đất nước sẽ có những bước phát triển mới.

Đối với lĩnh vực tư pháp, tôi kỳ vọng Đại hội sẽ đề ra những giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, tôi mong muốn, Đại hội sẽ lựa chọn được những cán bộ có tâm, có tầm, có tài và trách nhiệm, giữ những vị trí quan trọng của ngành Tư pháp. Từ đó, lĩnh vực này có những bước phát triển đột phá, nhất là trong phòng, chống tham nhũng, thi hành án, xét xử, điều tra, truy tố...

LINH PHẠM (ghi)

Đấu tranh quyết liệt với thông tin xuyên tạc, bịa đặt - ảnh 4

Ông Nguyễn Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây (ảnh trên, người thứ 3 từ phải sang):
Tin tưởng đội ngũ nhân sự có đức, có tài trong nhiệm kỳ 2021-2025

Về công tác nhân sự lần này, cái hay chính là các tiêu chí đưa ra đều rất cụ thể, rõ ràng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết không để lọt vào Trung ương khóa tới những người có 1 trong 7 biểu hiện khuyết điểm đã từng quy định như: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, có biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, phe cánh…

Tôi tin tưởng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trong nhiệm kỳ 2021- 2025, bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước sẽ có được một đội ngũ lãnh đạo thật sự có đức, có tài. Cán bộ hết lòng vì nhân dân thì nhân dân cũng yên tâm làm ăn, sáng tạo, góp sức xây dựng quê hương, đất nước. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất cao ý chí, hành động có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng.

VÂN NGA (ghi)

Tin cùng chuyên mục