Ấm áp "nhà mình"

Chia sẻ

- Hôm nay, em chuyển ra Hà Nội, đoàn tụ lại với chồng. Anh ấy nhất định không cho em nuôi con, mà em thì không thể nào giao con cho anh ấy nuôi một mình được. Đời em có thể hỏng nhưng đời con em thì nhất định phải nên - cô buồn bã nói với tôi.

Ấm áp (Ảnh: minh họa)

Kết hôn theo tiếng gọi tình yêu, những tưởng cuộc hôn nhân có xuất phát điểm tình yêu ấy sẽ bền vững nhưng lại trở nên trắc trở từ những ngày đầu chung sống. Lối sống, nếp nghĩ của một cô gái hiện đại bỗng chốc biến thành điểm yếu trong mắt bố mẹ chồng, cô trở thành nàng dâu còn nhiều thiếu sót. Để hòa nhập với nhà chồng, cô cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể trở nên hoàn hảo trong mắt họ. Trong khi người chồng - điểm tựa duy nhất của người vợ thì lại vào hùa với bố mẹ "dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về".

Nhiệm vụ của dâu trưởng là phải sinh con trai nối dõi nhưng cô lại sinh con gái một bề. Bố mẹ chồng vẫn còn gia trưởng, nặng nề trong chuyện trọng nam khinh nữ. Họ ép con dâu phải sinh tiếp để có hậu duệ thờ cúng tổ tiên. Những năm tháng chứng kiến hai con gái bị ông bà ghẻ lạnh, cô sợ hãi nghĩ đến cảnh chửa đẻ lần ba, nếu không sinh được con trai thì sẽ có một con gái vô tội nữa bất hạnh ngay những ngày đầu tiên ra đời. Vậy nên cô kiên quyết dừng lại việc sinh đẻ, bất chấp sự đày đọa về tinh thần lẫn thể xác của chồng lẫn gia đình chồng.

Khi con gái thứ hai lên 5 tuổi, cô đơn phương gửi đơn ly hôn rồi đưa hai con vào Sài Gòn sống cùng bố mẹ đẻ để giải thoát cuộc sống bất hạnh. Chồng cô, lúc mất gia đình mới cảm nhận được giá trị của cuộc hôn nhân. Biết cô không thể bỏ con, anh tìm cách níu kéo bằng việc đòi nuôi một con thay vì để cho cô nuôi cả hai. Tòa án chấp nhận yêu cầu của anh, ngày chia con, cô đau thắt ruột gan.

Con bé lớn theo bố về Hà Nội sống ngày hôm trước thì hôm sau gọi điện cho mẹ cầu xin ra đón nó về. Cô biết rõ con không thể sống hạnh phúc trong sự căm ghét của ông bà nội, sự vô tâm của bố. Anh ra điều kiện nếu cô muốn sống cùng các con thì quay về đoàn tụ. Cô không muốn quay về căn nhà bất hạnh đó nên không đồng ý. Nhưng đêm nào, con gái cũng khóc với mẹ qua điện thoại khiến cô không chịu nổi. Cô biết rõ, con là đứa trẻ nhạy cảm, nếu tiếp tục kéo dài cuộc sống ấy sẽ suy sụp trầm trọng hơn. Cô cầu xin thế nào, anh vẫn giữ nguyên quan điểm để hai con được sống cùng mẹ thì cô phải quay về nối lại hôn nhân.

Ngày quay ra Hà Nội đoàn tụ lại với anh, cô xác định “hi sinh” đời mẹ để đời con có ánh sáng. Anh đón hai mẹ con ở sân bay, rồi chở họ về một căn hộ chung cư: "Nhà mình sẽ sống riêng, không sống chung với bố mẹ nữa. Từ nay, anh sẽ làm tốt trách nhiệm của người chồng, người cha". "Vậy còn bố mẹ thì sao?", "Họ không chấp nhận nhưng rồi từ từ ông bà sẽ hiểu". Cô ngạc nhiên tột độ trước những gì vừa nghe, vừa thấy.

"Đây là nhà mình, thích quá…"- hai đứa trẻ sung sướng reo lên chạy nhảy tung tăng từ góc này sang góc khác. Anh nhìn các con lòng thấy hổ thẹn. Gần chục năm qua, lần đầu tiên anh thấy hai tiếng "nhà mình" thiêng liêng, ấm áp đến như vậy.

THU VÂN

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.