Thành công của Israel trong tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19

Chia sẻ

Trong khi các cường quốc lớn như Mỹ, một số quốc gia châu Âu và Trung Quốc mới chỉ có chưa đến 1% dân số được tiêm vaccine Covid-19 thì ở Israel, tỷ lệ này đã là 10%, tương ứng với 11,5 liều vaccine được tiêm trên 100 dân. Tỷ lệ này còn lớn hơn gấp 3 lần nước nhanh thứ nhì thế giới là quốc gia "tí hon" Bahrain.

Thủ tướng Natanyahu là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 tại IsraelThủ tướng Natanyahu là người đầu tiên tiêm vaccine Covid-19 tại Israel (Ảnh: Int)

Giáo sư Ran Balicer, Chủ tịch nhóm cố vấn cho Chính phủ Israel về phản ứng Covid-19 cho biết, lợi thế của Israel là diện tích đất nước và quy mô dân số nhỏ với 9 triệu người. Tuy nhiên, những nỗ lực triển khai nhanh chóng của Chính phủ mới là nhân tố quan trọng.

Hồi tháng 10, trước những bất ổn về chính trị cùng những chỉ thị khó hiểu và sự thiếu tin tưởng của người dân vào Chính phủ đã khiến cho Israel lâm vào tình thế khó khăn. Sự gia tăng số ca nhiễm bệnh mới và tỷ lệ tử vong thuộc hàng tồi tệ nhất thế giới xét theo quy mô dân số.

Bộ trưởng Y tế nước này, ông Yuli Edelstein cho biết, một phần của thành công này là do có sự chuẩn bị sớm. Israel đã sớm có các thỏa thuận với nhà sản xuất cùng các công ty sẵn lòng cung cấp vaccine do Tổ chức Bảo vệ Sức khỏe (HMO - chương trình bảo hiểm sức khỏe mà thành viên phải đi khám chữa bệnh với những bác sĩ có ghi danh trước trong mạng lưới) của nước này nổi tiếng về khả năng thu thập dữ liệu hiệu quả và đáng tin cậy. Tuy nhiên, Israel không công khai chính xác số liều vaccine đã nhận được hay số tiền đã chi ra để mua chúng do đây là “các thông tin mật”.

Giáo sư Jonathan Halevy, Chủ tịch Trung tâm Y tế Shaare Zedek ở Jerusalem, gọi việc triển khai sớm vaccine là "chiến lược đúng đắn". Bộ trưởng Edelstein nhấn mạnh, phần lớn dân số trong nhóm nguy cơ cao (là các nhân viên y tế và công dân từ 60 tuổi trở lên) có thể được tiêm mũi vaccine Pfizer-BioNTech thứ hai trước cuối tháng một. Hiện nay, nước này đang tiêm phòng cho khoảng 150.000 người dân mỗi ngày.

Thủ tướng Netanyahu nêu ra tham vọng đưa Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện xong chương trình tiêm chủng toàn dân. Ông cũng là người Israel đầu tiên tiêm vaccine vào ngày 19/12/2020, hành động này của ông được cho là để “làm gương” cho người dân.

Giáo sĩ Yitzchok Zilberstein, người có tiếng nói trong cộng đồng Do Thái bảo thủ (nhóm chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch, cũng được coi là nhóm người có thể phản đối tiêm chủng), đã đưa ra tuyên bố rằng những nguy cơ do vaccine gây ra là không đáng kể so với sự nguy hiểm của virus.

Tuy vậy, chiến dịch tiêm chủng của Israel chưa mở rộng đến người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza. Các chuyên gia pháp lý cùng các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng Israel cần có nghĩa vụ cung cấp vaccine cho người Palestine.

Cơ quan Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo đối với các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng cho biết, chính quyền Palestine đã xin hỗ trợ tài chính từ hệ thống chia sẻ vaccine toàn cầu - Covax và đang làm việc với các tổ chức quốc tế về hậu cần.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Israel, ông Edelstein cho rằng, nghĩa vụ trước hết của Chính phủ Israel là chăm sóc công dân của mình, nhưng Israel sẽ sẵn sàng giúp đỡ ngăn chặn tình trạng lây nhiễm ở người Palestine nếu có thể.

Các hoạt động tiêm chủng ở Jerusalem diễn ra một cách có trật tự. Mọi người ngồi trong các bốt nhỏ chờ đợi đến lượt và được tiêm vaccine trong vòng một hoặc hai phút sau khi đã đăng ký. Nếu vaccine không được sử dụng hết, những người không nằm trong nhóm ưu tiên cũng sẽ được chính quyền mời đến để tiêm. Sharon Alroy-Preis, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế, nói: “Chúng tôi sẽ tận dụng đến từng giọt vaccine cuối cùng”.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục