Những chuyện cảm động từ Trung tâm phân tích ADN

Chia sẻ

Đã có nhiều câu chuyện cảm động, hạnh phúc vì sự đoàn tụ gia đình nhờ giám định ADN...

Hồng phúc trời cho

Mấy năm trước, một người đàn ông tên H ở Hà Nam mang theo mẫu móng tay đến làm xét nghiệm tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền. Cầm kết quả giám định cháu bé là con mình, anh vô cùng vui sướng, ôm tờ giấy vào ngực rồi gọi điện “khoe” người thân đã tìm thấy con.

Thời trẻ, anh H có tính đào hoa. Trong số những người yêu của H trước đây có một cô gái làm công nhân ở một khu công nghiệp. Yêu được nửa năm thì anh H bỏ đi… lấy vợ, không liên lạc với cô gái ấy nữa. Điều trớ trêu là vợ chồng anh H mãi mà không có con, đi khám thì bác sỹ nói nguyên nhân do anh. Người vợ đầu không chịu được việc không thể có con nên đã đơn phương ly hôn. Anh kết hôn lần hai và cùng vợ tìm con nuôi. Trong một lần vào trại trẻ mồ côi, anh thấy một câu bé trạc 10 tuổi, bản lĩnh, ngoan ngoãn, trên tay thường cầm bức ảnh cũ của mẹ và luôn miệng nói muốn đi tìm bố. Anh hỏi thì cậu bé nói rõ tên, tuổi, địa chỉ của anh. Lục lại quá khứ, anh tin chắc đây là con của mình và nữ công nhân mà anh từng yêu. Sau nhiều lần tiếp xúc gần hơn, mang truyện tranh, đồ chơi, và bánh kẹo đến, thi thoảng lại cắt tóc, tắm rửa cho cậu bé, anh quyết định lấy mẫu móng tay của cậu bé đi làm xét nghiệm huyết thống. “May mắn quá, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, tôi đã tìm được đứa con mà có lẽ sẽ không bao giờ có được” – anh H cho biết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một lần khác, ông Q (Nam Định) cầm theo một gói nhỏ đựng ba sợi tóc của một thanh niên đến xin giám định huyết thống. Kết quả cho thấy ông và chủ nhân mẫu tóc là cha con. Người đàn ông đã 60 tuổi nấc nghẹn: “Đây là món quà vô giá của tôi”.

Ông Q kể, thời trẻ, ông lên đường nhập ngũ, đóng quân ở vùng Quảng Trị và có yêu một thôn nữ ở đây. Chiến tranh kết thúc, ông trở về quê hương, sau 1 tháng nằm ở quân y viện, với vết thương ngay ở “vùng kín”, khiến ông không thể làm chồng, làm cha được nữa. Mẹ ông không biết nên ra sức ướm hỏi, gán ghép ông với những cô gái trong làng, nhưng ông đều né tránh. Rồi một hôm, có một người phụ nữ tên Trang tìm về nhà ông. Nghĩ rằng không thể mang lại hạnh phúc cho người yêu nữa, ông Q không về gặp.

Cô gái òa khóc bỏ đi, còn ông về nhà đau khổ xin lỗi mẹ, nói ra sự thật. Giấu nỗi buồn trong lòng, ông nhờ chị gái đón mẹ về ở cùng, còn mình đi xây dựng kinh tế mới. Tại đây, ông làm ăn khấm khá, nhưng vẫn độc thân. Nhiều người bảo ông lấy vợ, nhưng ông chỉ lảng đi. Cho đến một ngày, các đồng đội của ông gặp mặt và tổ chức chuyến về thăm lại chiến trường xưa. Tại đây, ông gặp lại người thôn nữ từng về quê tìm mình. Trong lần gặp bối rối và ngượng ngùng ấy, bà Trang cho biết, khi bị ông khước từ, bà đã rất hận và ghét bỏ ông. Nhưng sau này, nghe tin ông vẫn không lấy vợ, bà biết là ông có lý do riêng. Chính vì vậy, sau nhiều năm nguôi ngoai, bà để ông nhận con trai. Giờ cháu đã có gia đình riêng. Để ông Q hoàn toàn tin tưởng, bà đã đưa mẫu tóc của con trai cho ông đi làm giám định. “Đến cuối đời rồi, tôi mới nhận được món quà vô giá của mình là cả một tổ ấm. Tôi có con, có cháu, có cả một người phụ nữ bầu bạn về già” – ông Q nghẹn ngào nói.

Sự bao dung của người em gái

Một lần, một phụ nữ tầm 30 tuổi đưa cụ ông chừng 80 tuổi đến giám định ADN. Chị cho biết đó là bố mình, nhưng vì có lời đồn rằng chị chỉ là con nuôi nên đành phải “bất đắc dĩ” đưa bố đi “chứng minh sự thật”.

Chị kể, tin đồn đó xuất phát sau khi “lộ” bản di chúc của bố về việc có để cho chị một phần tài sản “nhỉnh” hơn ba anh trai. Họ nói ông chỉ sinh được ba cậu con trai, vì mong muốn có con gái nên ông đưa chị về làm con nuôi khi còn rất nhỏ, với mục đích thoát khỏi cảnh “tam nam bất phú”. Bố chị nghe tin đồn thì bực lắm, cứ khăng khăng nói đó là tin đồn bậy. Chị ngỏ ý muốn đi xét nghiệm để chứng minh sự thật nhưng bố chị kiên quyết phản đối. “Xong xuôi mọi việc, chị viết cho em vài chữ giả vờ là đơn thuốc. Bởi em nói dối bố là đi khám và bốc thuốc vì đợt này cụ kém ăn, kém ngủ” – chị năn nỉ nhân viên giám định.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo lời kể của chị, ba anh trai không chăm chỉ học hành nên rẽ ngang, rẽ tắt, chỉ có mình chị là tốt nghiệp đại học. Do đó, ông càng yêu thương con gái. Trước kia, anh em cũng quý mến nhau, nhưng từ khi lộ ra bản di chúc, các anh trai, chị dâu đều coi chị như người ngoại tộc đến tranh giành thừa kế. Các anh ít quan tâm đến bố, nhưng thấy vợ chồng em gái thăm nom bố thường xuyên thì lại nói “biết lấy lòng ông già".

Nhiều lần, chị nói với bố đừng tỏ ra ưu ái mình nhiều khiến chị trở thành đối nghịch với các anh, nhưng bố chị bảo, ông không phân biệt trai gái, trưởng thứ, ai thương ông nhiều thì ông thương lại. Chị nhờ các anh cố gắng vui vẻ để bố vui sống nốt tuổi già, sau này bố mất, phần tài sản sẽ để các anh quyết định, nhưng không ai tin. “Quyền lợi vật chất ai cũng muốn hưởng nhưng vì thế mà đánh mất tình nghĩa thì không nên. Tôi cũng không khổ sở, khó khăn về kinh tế để tranh giành với các anh chị. Lắm lúc nghĩ cũng buồn lắm” – chị buồn bã nói.

“Về lý, tôi được toàn quyền thừa kế phần tài sản mà bố để lại. Nhưng tôi vẫn rất muốn giữ tình nghĩa anh em sau khi bố mất nên sẽ lấy cái tình để xử lý mọi việc” – chị chia sẻ. Kết quả giám định cho thấy, chị là con đẻ của bố. Cầm bản giám định trên tay, chị nói với các anh trai, sau khi bố mất, phần tài sản thừa kế mà bố để lại cho chị sẽ chia đều cho các anh, còn mình chỉ giữ một phần nhỏ đóng góp vào giỗ chạp, hương khói sau này, chỉ hi vọng các anh quên đi bản di chúc của bố để cả nhà được êm ấm, hạnh phúc như xưa…

Tìm lại con sau nhiều năm xa cách

Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền cho biết, khi biết kết quả xét nghiệm huyết thống, nhiều người đã có cách xử lý thấu đáo và rất tình người. Cách đây mấy năm, Trung tâm của bà tiếp nhận trường hợp, một người mẹ đưa con gái đã lớn đi giám định ADN. Ba mươi năm trước, chị N cùng một sản phụ khác được đưa đến nhà hộ sinh của quận để sinh nở. Hai bé gái chào đời trong cùng một ngày được y tá giao cho hai sản phụ mà không ai nghi ngờ về việc bị trao nhầm con.

Khi con gái được 3 tuổi, chị N chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, 10 năm sau mới chuyển ra Bắc. Tình cờ là con gái chị N lại học cùng lớp với con gái chị P (sản phụ cùng phòng sinh trước. Một buổi tiệc sinh nhật, chị P phát hiện ra mình có cảm tình đặc biệt với con gái chị N ngay từ lần đầu gặp. Chị P đi giám định ADN với con gái và phát hiện ra cháu bé không phải con đẻ của mình. Bằng nhiều cách khác nhau, chị P cũng đã lấy được mẫu tóc của con gái chị N để đi giám định ADN và kết quả là bé gái đó mới là con gái của họ.

Chị P đem câu chuyện này kể cho chị N nghe cùng với tờ kết quả giám định. Hai người phụ nữ tâm sự với nhau rất lâu, lúc cười, lúc khóc. Họ bàn kế hoạch để công bố sự thật này cho gia đình, sao cho cuộc sống hai gia đình không bị xáo trộn, các con không bị sốc. Họ hẹn nhau thăm nom nhau hằng ngày tạo mối thân thiện để con quen dần… Tại cuộc gặp mặt 2 gia đình sau đó, sự thật được công bố, hóa giải nghi ngờ của chồng chị N đối với lòng chung thủy của vợ. Bà Nga kể: “Câu chuyện diễn ra cách đây đã lâu. Giờ, các bé gái đã lớn và lập gia đình, nhưng họ đã có hai người mẹ”.

Theo các chuyên gia tư vấn, trong cuộc sống gia đình, không thể tránh khỏi những nghi ngờ về việc người này hoặc người kia không chung thủy với nhau. Đôi khi có căn cứ cụ thể, đôi khi lại chỉ là ngộ nhận, có khi là ngoại tình thật. Thế nhưng, dù đúng dù sai, mọi người cần nghĩ “gia đình là trên hết”, nghĩ về các mối quan hệ gia đình sẽ vượt qua được đôi lần “tính này tính kia” để tha thứ và dung hòa với nhau. Nếu còn lợn cợn về huyết thống, có thể đi giám định ADN nhưng hãy thật bình tĩnh, lường trước những tình huống khác nhau để có thể đưa ra cách xử trí phù hợp, nhân văn.

QUỲNH NHƯ

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.