Sự thật nghiệt ngã phía sau bản giám định ADN

Chia sẻ

Đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra chỉ vì bản giám định ADN. Nhiều gia đình mất đi tổ ấm, nhiều vụ án đau lòng đã xảy ra…

Một vụ “lừa tình”

Chiếc ô tô sang trọng đỗ trước cửa Trung tâm phân tích ADN, một người đàn ông tóc đã hoa râm bước ra khỏi xe. Tiếp đó là một cô gái ẵm trên tay đứa trẻ còn bọc trong tã lót. Người đàn ông trạc 50 tuổi tiến hành làm thủ tục xét nghiệm. Ông điền vào tờ đơn một vài thông tin rất sơ sài, dường như không muốn tiết lộ điều gì. Người hướng dẫn thủ tục xét nghiệm phải nhắc nhở nhiều lần, ông mới điền đầy đủ. Trông ông có vẻ căng thẳng, không cười, không nói.

Ba ngày sau, người đàn ông một mình đến lấy kết quả, vẫn trên chiếc ô tô sang trọng ấy. Nhận tờ kết quả xét nghiệm, liếc vào dòng chữ “không phải là con", ông sung sướng, mắt sáng lên, dường như trẻ ra đến chục tuổi:

- Thật may phúc cho tôi quá, một gánh nặng lo âu ghê gớm trong tôi đã được trút bỏ. Con nhỏ đó từ nay sẽ không thể tống tiền tôi được nữa!.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Rồi ông kể mình có một gia đình hạnh phúc, một người vợ chung thủy với những đứa con giỏi giang, thành đạt và rất yêu quý bố. Thế mà chỉ sau một lần quá chén, ông đã “qua đêm” với một cô gái ít hơn mình 30 tuổi. Thời gian trôi đi, những tưởng mọi chuyện sẽ kết thúc. Nào ngờ, gần đây, cô gái ấy tìm đến và tuyên bố đã sinh cho ông một đứa con. Ông bàng hoàng, sợ tái đi, chết lặng, chẳng biết nói gì. Cô ấy trấn an: “Anh yên tâm, em sẽ bí mật nuôi con cho anh, nhưng đổi lại, chỉ cần anh chu cấp đủ mọi nhu cầu của mẹ con em. Còn nếu anh không đồng ý, em sẽ phải gửi con cho chị nhà anh nuôi giúp”. Mấy tháng liền, ông mất ăn mất ngủ, chỉ sợ mọi việc bị bại lộ thì gia đình ông cũng tan vỡ. Vợ con tưởng ông ốm đau, bệnh tật nên buồn rầu, lo lắng triền miên nên ra sức thuốc tẩm bổ cho ông. Càng như vậy, ông càng không dám thú nhận mọi chuyện. Hàng tháng, ông móc ví chi tiền cấp dưỡng cho hai mẹ con cô gái kia. Cho đến khi ông trút bầu tâm sự với lái xe và được anh “mách” đưa đứa trẻ đi giám định ADN thì mọi chuyện mới được sáng tỏ.

Án mạng gia đình từ bản giám định ADN

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Duy (SN 1985, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội) về tội danh Giết người vào cuối năm 2019 khiến nhiều người rơi nước mắt. Bởi bị cáo Duy đã từng là người chồng tốt, người cha hết lòng yêu thương hai con. Bi kịch gia đình xảy ra khi Duy phát hiện ra hai con không phải con ruột của mình.

Theo đó, Duy kết hôn với chị H khi ở tuổi đôi mươi, nhưng hơn 1 năm mà vẫn chưa có con. Đi khám, bác sỹ nói lỗi do Duy. Hai vợ chồng cố gắng tìm thầy tìm thuốc khắp nơi để mong được có con. Rồi niềm vui cũng đến, vợ Duy sinh hai con, một trai một gái. Nhưng càng lớn, hai con càng không giống bố khiến người dân trong làng dị nghị, đàm tiếu. Để làm rõ lời đồn, Duy lấy mẫu tóc của hai con đi giám định huyết thống và đau lòng khi biết không phải con mình. Quá đau khổ, Duy dằn hắt, tra hỏi vợ. Vợ Duy tức giận bỏ về nhà ngoại. Trong lúc túng bấn, Duy nghĩ cách giết hai con và tự tử. Bị cáo không chết, song hai đứa trẻ vô tội không thể sống lại…

Một vụ án mạng đau lòng khác cũng xuất phát từ việc người cha nghi ngờ con không phải con đẻ của mình. Cụ thể, vì nghi ngờ vợ ngoại tình, anh T.D.M (SN 1974, trú tại TP Hà Giang) đã âm thầm xét nghiệm ADN và phát hiện đứa bé không phải con mình. Từ đó, hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn gay gắt. Sáng 19/3, anh M lái xe ô tô chở vợ và con đi lòng vòng rồi rẽ xuống một con đường nhỏ gần ven sông phía cuối thành phố và dừng hẳn. Tại đây, anh đã sử dụng bình ga nhỏ xả khí ra xe gây ngạt cho vợ, con và chính mình trong khi cửa xe bị khóa chặt…

Tận cùng của sự đa nghi

Mới bảy giờ sáng mà một khách hàng đã có mặt tại Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền. Đó là ông Khang (Hòa Bình) – người mà cách đây 3 hôm đã đến Trung tâm làm xét nghiệm ADN cho 4 người con của mình.

Ông Khang lôi từ trong túi ra rất nhiều tài liệu, nào là sổ tay, băng ghi âm, điện thoại di động… để “làm chứng” cho lời nói của mình. “Đây chị xem, các bằng chứng này chứng tỏ rằng, 4 đứa trẻ mà tôi làm xét nghiệm thì chỉ có hai đứa chắc chắn là con tôi, còn hai đứa còn lại không thể là con tôi được. Sở dĩ hai đứa mà tôi khẳng định là con vì tôi quả quyết rằng, tôi luôn giám sát được mẹ chúng từ lúc quen nhau đến khi hai đứa con ra đời” – ông Khang quả quyết.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Về hai đứa trẻ còn lại, ông Khang nói lý do nghi ngờ hai đứa không phải là con vì một đứa thì cách đây mấy tháng, một người phụ nữ đưa đến yêu cầu ông nhận con mà ông nhớ chỉ “qua lại” với cô gái đó có một lần duy nhất. Ông đã đưa đứa trẻ đi giám định ADN, kết quả là cùng huyết thống với ông. Đứa thứ hai là con của bà vợ trước, sau khi cưới ông phát hiện vợ từng “chung chạ” với nhiều người và “tôi đếm chưa đủ 9 tháng 10 ngày đã chào đời”, nhưng kết quả thì chính đứa trẻ là con của ông. Cầm kết quả trên tay, ông Khang vẫn bán tín bán nghi, cho rằng đó không phải là con của mình.

Hằng ngày, Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền mà bà Nguyễn Thị Nga làm giám đốc có hàng chục cuộc điện thoại tư vấn, đặt lịch làm xét nghiệm ADN xác định huyết thống của con. Bà Nga cho biết, trong gần 17 năm làm giám định ADN, trung tâm của bà đã thực hiện rất nhiều ca giám định huyết thống. Có người đến xét nghiệm để tìm lại con đã mất tích hoặc bị trao nhầm tại bệnh viện, có người lại vì mục đích chia tài sản thừa kế, có người giải quyết các vụ tống tình, tống tiền hay hóa giải những mối nghi ngờ vợ… Như câu chuyện của cặp vợ chồng ở tỉnh Phú Thọ, anh Tuấn vì muốn kết hôn với người phụ nữ đã từng có gia đình và có một đứa con riêng nên đã cố tình “hợp thức hóa” đứa con riêng của vợ thành con chung của mình bằng cách “nhờ” mẫu giám định ADN của bố con người bạn thân.

Điều bất ngờ là cặp bố con đó lại không có huyết thống với nhau. Người bạn của anh rất đau đớn, bởi xưa nay, vợ anh là người chuyên chính đoan trang, một lòng một dạ yêu thương, chăm sóc chồng. Kết quả xét nghiệm ADN cũng cho thấy đứa trẻ không phải con của vợ anh. Nghĩ bị trao nhầm con, họ đến bệnh viện truy tìm giấy tờ để tìm lại… “Tôi chưa biết được kết quả của cuộc tìm kiếm đó, nhưng những vụ trao nhầm con thế này đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống các gia đình sau này” – bà Nga nói.

Theo bà Nga, tỷ lệ nam giới đến giám định xác định huyết thống chiếm hơn 50% các ca giám định. Có trường hợp các cô gái trẻ đến giám định ADN để xác minh cha đứa trẻ cũng chiếm tỷ lệ tương đối cao hiện nay, còn lại là các ca giám định từ 40 viện kiểm sát, tòa án và công an làm nhiệm vụ.

Trong nhiều năm hoạt động, bà đã được tiếp xúc với rất nhiều phóng viên, trong số đó có người hỏi: “Liệu có phải vì ADN mà hạnh phúc của nhiều gia đình bị tan vỡ không?”. “Câu trả lời của tôi là “không”, bởi hạnh phúc gia đình chỉ có được khi mỗi thành viên trong đó có lối sống lành mạnh, thủy chung, trong sáng. Niềm tin yêu giữa mỗi con người với nhau là trọn vẹn. Họ không có những “bí mật” phải “giải mã”. Những người tìm đến Trung tâm đa phần có ít nhiều nỗi éo le, khúc mắc trong cuộc sống. Chính bản kết luận giám định ADN sẽ là cơ sở để chấm dứt giải quyết vấn đề” – bà Nga nói.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.