Làm điều tốt nhất cho con

Chia sẻ

“Con với anh ta quyết định ly hôn rồi. Con sẽ về đây, để ba bố con nó ở lại ngôi nhà đó mẹ ạ”, tối đó, sau khi cơm nước xong, Thảo mới từ tốn thưa với mẹ.

Không được, sao con dại vậy. Con làm vậy là trắng tay đấy. Thôi thì chồng bạc bẽo mất không tiếc, nhưng còn hai đứa con, còn cái nhà không thể mất được - mẹ Thảo chẳng thể kiên nhẫn đợi Thảo nói hết câu, vội xua tay.

- Con không nỡ để hai đứa trẻ xa nhau, không nỡ tranh giành của nả với bố chúng. Suy cho cùng, nhà mà bán đi thì con của con sẽ khổ trước.

- Vậy thế tại sao người ra đi không phải là bố nó, mà lại là con - mẹ Thảo bắt đầu sụt sùi.

- Bố nó nuôi hai đứa sẽ tốt hơn con mẹ ạ.

Từ hồi hai vợ chồng Thảo xảy ra khúc mắc cho tới tận hôm nay, Thảo luôn cố nén những tổn thương trong lòng. Cô tỏ ra cứng cỏi, bình thản để các con không hoảng sợ, mẹ cô cũng không phải lo lắng gì. Nhưng, thực ra, trong lòng Thảo đã nát tan. Thảo đã từng kỳ vọng và yêu thương tổ ấm này biết bao nhiêu. Có trong mơ, cô cũng không bao giờ nghĩ đến cảnh phải rời xa nó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Vậy mà sự thật lại quá nghiệt ngã. Chồng Thảo có người phụ nữ mới bên ngoài nên lạnh nhạt với cô. Thảo đã cố gắng tha thứ, khuyên nhủ và cho chồng một lối trở về. Nhưng, anh ta không quên được người ta. Ngày trước, anh ta kiên quyết đòi cưới Thảo thế nào thì sau đó lại kiên quyết đòi buông bỏ bấy nhiêu. Cho tới khi không thể chịu cảnh “đồng sàng dị mộng” lâu hơn được nữa, Thảo chấp nhận ly hôn. Hơn 10 năm làm vợ, Thảo tự thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ của một người vợ tần tảo, hy sinh hết cho gia đình. Nếu không có cô, chồng Thảo sẽ không thể tận tâm lo gây dựng sự nghiệp. Anh ta thành đạt, cũng có nghĩa số tiền kiếm được cho gia đình nhiều hơn. Chỉ trong vòng vài năm, vợ chồng Thảo đã mua được nhà mới, thay cho căn chung cư cũ, lúp xúp ngày xưa, rồi còn có điều kiện chăm chút cho con học hành nhiều hơn.

Khi ly hôn, tất nhiên, cô có quyền yêu cầu chia đôi tài sản, hoặc là đề nghị chồng phải trả bằng tiền trị giá một nửa ngôi nhà cho cô. Nhưng chồng Thảo nói anh ta không có tiền nên đề nghị bán nhà chia hai. Khổ nỗi, để nguyên thì còn cái nhà, mà bán đi thì cả hai đều lỡ cỡ.

Thảo đã suy nghĩ rất lâu rồi quyết định, cô sẽ ra đi. Trong đơn, cô đề nghị tòa án để hai vợ chồng tự phân chia tài sản. Còn hai con, chồng cô đề nghị mỗi người nuôi một đứa. Thằng lớn đã học cấp 2, cần phải tập trung đầu tư học hành nhiều nên chồng cô nhận nuôi. Còn đứa bé thì Thảo chăm sóc, anh ta sẽ gửi tiền cấp dưỡng. Nói khách quan, Thảo biết anh ta có lỗi với cô, nhưng, vẫn luôn là người bố tốt của các con. Anh ta rất yêu hai đứa trẻ và luôn làm hết mình để chúng được sống tốt nhất. Ban đầu, Thảo cũng đồng ý với sự sắp đặt ấy, nhưng rồi khi hai đứa trẻ biết tin, chúng ôm chầm lấy nhau mà khóc. Trước mặt Thảo, hai anh em chúng van xin cô nghĩ lại, vì chúng không thể xa nhau. “Mẹ ơi, con đã không được gặp mẹ mỗi ngày rồi, con không muốn lại thiếu em đâu”- thằng anh nức nở.

Nhìn cảnh ấy mà tim Thảo muốn ngừng đập. Cô bỗng thấy mình thật tồi tệ, sinh con ra mà không thể che chở cho con. Cả tối đó, cô bị ám ảnh bởi tiếng khóc xé lòng của con. Hai anh em nó từ bé đã hợp tính và quấn quít nhau. Lẽ nào làm mẹ, cô lại có thể đang tâm chia cắt tình cảm anh em của chúng.

- Vậy, nếu chọn ở với bố và về bà ngoại với mẹ thì con sẽ chọn ai? Thảo hỏi các con.

Trong khi thằng anh đang ngần ngừ thì thằng bé đã loi cho đáp: “Con chọn ở với bố. Ở nhà của bố đẹp và mát hơn nhà bà ngoại”.

Vẫn biết đó chỉ lời nói của một đứa trẻ nhưng lần thứ hai, lòng Thảo đau như cắt. Thằng bé nói vậy đâu có sai. Về bản năng, đứa trẻ nào chẳng chọn được ở nơi sung sướng, tiện nghi. Nó đâu có hiểu nỗi lòng của mẹ nó.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Hôm sau, Thảo hẹn chồng ra nói chuyện. Cô cho anh ta biết về ý định của mình. Rằng Thảo sẽ để hai đứa ở lại với anh, theo đúng ước nguyện của chúng. Cô chỉ ra điều kiện là anh phải thay cô chăm nom các con thật tốt. Thậm chí mai này khi anh ta lập gia đình mới, nếu biết các con bị ghẻ lạnh, cô sẽ lập tức đến đón chúng về. Ngoài ra, cuối tuần, cô sẽ đến nhà thăm hoặc đón các con đi chơi, anh ta không được ngăn cản. Ngôi nhà, tạm thời anh ta cứ tiếp tục ở cùng các con. Nhưng anh ta luôn phải nhớ, cô vẫn có phần tài sản trong đó. Sau này, cô sẽ để lại tài sản cho các con.

- Được, em yên tâm, anh là bố chúng nên anh biết phải chăm sóc các con như thế nào. Bất cứ lúc nào muốn, em cũng có thể đến thăm con - chồng Thảo hứa.

Đã một tuần rồi, Thảo về nhà ngoại ở. Trong lúc chờ tòa ra quyết định để hai vợ chồng thuận tình ly hôn, Thảo chủ động rời đi để hai con tập thích nghi với hoàn cảnh mới.

Tối nay, tất cả những ký ức cả đẹp đẽ lẫn đau buồn ấy đã ập về, Thảo quyết định sẽ không vờ như bình thản nữa. Cô liền ôm lấy mẹ, khóc òa. Thảo muốn dùng nước mắt để rửa hết đi buồn tủi, thiệt thòi mà cô đang phải nhận lấy. Mẹ Thảo thương con, chẳng trách cứ nữa mà cũng ôm chầm lấy cô. Và rồi, cả hai mẹ con cùng khóc.

Thảo biết mình sẽ phải vượt qua nhiều khó khăn ở phía trước. Nhất là cảm giác chống chếnh vì tự nhiên nơi cô gọi là nhà đã không còn là nhà của cô nữa. Người đầu gối tay ấp với cô bao năm rồi đây sẽ trở thành xa lạ. Còn các con, cô cũng không thể gặp chúng mỗi ngày.

Gần 40 tuổi, Thảo bỗng thấy mình chẳng còn gì cả. May mà còn có mẹ và ngôi nhà của mẹ đón cô về. Thảo chỉ cố an ủi mình rằng, cô đang làm tất cả vì con và hạnh phúc của con. Nếu đưa chúng về ở với cô, thì chúng sẽ khổ hơn nhiều. Một bà mẹ mấy chục năm qua chỉ quen làm nội trợ, giờ mới dò dẫm đi xin việc, lương chỉ đủ nuôi thân thì sao chăm cho các con được.

Chỉ còn hơn tháng nữa là tới Tết. Thực tâm trong lòng, Thảo chẳng mong Tết đến. Thảo còn nghĩ cô sẽ phải làm gì để đi trốn Tết - thời khắc mà nhà nhà sum họp đây. Bỗng nhiên, điện thoại đổ chuông:

- Mẹ ơi, là con đây, con mượn điện thoại của bố để gọi cho mẹ. Mẹ đừng buồn em nhé. Em còn nhỏ mẹ ạ. Còn con, lúc nào cũng nhớ mẹ. Con sẽ thay mẹ chăm cho em. Con yêu mẹ nhiều hơn bất cứ căn nhà to đẹp nào.

Nghe con nói vậy, Thảo bỗng òa khóc, nhiều tới mức không thể tiếp tục nói chuyện được nữa. Mẹ cô ngồi cạnh, liền ôm lấy cô, an ủi:

- Mẹ không trách gì con nữa. Hai đứa trẻ cũng vậy, rồi sẽ hiểu tấm lòng và cả sự hy sinh đau đớn của con vì chúng.

BẢO CHÂU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.